Egypt Israel Oct 2007




Bấm nút "Download Now"
để cài Windows Media Player. 
Windows Media Player 11
Download Now

Windows Media Download Center
 

Sunday, August 21, 2005

 

BẠN CÓ THỂ LÀ NGƯỜI CÔNG GIÁO NGÀY NAY THẾ NÀO?

Chương Ba


Viết theo Lm. Richard Rohr

Trong suốt thời gian vừa qua chúng ta đã khai triển hai chương đầu của cuốn sách giá trị của linh mục Rohr, dòng Phan Sinh. Chúng ta đã hiểu biết một cách tổng quát và đôi khi có vẻ trừu tượng về quá khứ, khía cạnh trong sáng của truyền thống Công giáo cũng khía cạnh đen tối của lịch sử Công giáo. Chúng ta đã hiểu biết về nền văn hóa Đông phương và Tây phương, về các nhóm sắc tộc và các quốc tịch, về tâm lý nam tính và nữ tính. Chúng ta đã nhìn xem những ưu và khuyết điểm của quá khứ Giáo hội đã chiếu sáng hoặc phủ bóng tối lên Giáo hội ngày nay. Bây giờ là thời điểm tác giả thay đổi tầm nhấn mạnh và tỏ ra chuyên biệt và cụ thể hơn về cách thức chủ thuyết Công giáo cần phải được các cá nhân và các cộng đoàn đặc biệt sống ra sao. Bây giờ là thời điểm tác giả đề cập về người Công giáo phải sống thế nào trong hiện tại và tương lai.

Cùng với tác giả ngay từ đầu, chúng ta đã hỏi tại sao (why) là Công giáo; và bây giờ là thời điểm đặt ra câu hỏi phải sống Công giáo thế nào (how). Giống như câu hỏi đầu, câu hỏi này là một câu hỏi mới. Trong quá khứ, khi lớn lên người ta biết trở thành Công giáo thế nào. Người ta học về Công giáo bằng cách thấm dần nhờ gia đình, giáo xứ và nhóm sắc tộc. Người ta không đặt vấn đề mình trở thành Công giáo thế nào. Đơn giản khi lớn lên đã là Công giáo rồi. Công giáo tựa như không khí người ta thở, như sữa mẹ người ta được nuôi dưỡng, như thức ăn người ta được nuôi nấng. Người ta biết mình là Công giáo thế nào vào lúc người ta lớn lên đủ để nhận ra rằng mình đã là Công giáo trong lúc những người khác trong thế giới không phải thế.

Nếu có lợi điểm lớn lên đã tự động là Công giáo rồi, thì càng có lợi điểm to lớn hơn khi chọn là người Công giáo. Ơn thánh luôn luôn hoạt động tốt hơn trong thực tế tự do và quyết định cá nhân. Đó là trường hợp những người trở lại luôn luôn hiểu biết đạo hơn những người đã sinh ra và lớn lên trong Giáo hội. Đó là trường hợp của những người Công giáo nổi tiếng trở lại như Thánh Phaolô, Thánh Augustiô trong thế giới ngày xưa; John Henry Newman và G.K. Chesterton cách đây không lâu; Thomas Merton và Dorothy Day trong thời đại chúng ta.

Chọn là người Công giáo cũng giống như chọn là Kitô hữu. Ngay cả người Công giáo cũng phải làm cuộc lựa chọn này. Họ phải nghe tiếng Chúa gọi đi theo Chúa Giêsu, phải quy phục Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã quy phục, phải được tràn đầy Thánh Thần như Chúa Giêsu khi xưa. Trước tiên họ phải mong muốn đi vào đối thoại với Chúa và rồi đáp trả những gì họ nghe Chúa nói với họ. Một khi họ nói tiếng xin vâng trong cuộc đối thoại này, họ lắng nghe xem nơi đâu Chúa dẫn dắt họ tới. Họ đi vào mối giây thông hiệp riêng tư với Chúa.

Nhiều tín hữu tốt lành, nhiều vị thánh, nói theo kiểu Công giáo, họ đi vào mối giây thông hiệp này, nhưng họ không nghe Chúa gọi họ làm người Công giáo. Có lẽ họ cũng nhìn thấy một cách đau khổ khía cạnh bóng tối của Công giáo hơn là khía cạnh trong sáng. Có lẽ họ không bao giờ gặp một người Công giáo nói với họ về Chúa. Có lẽ họ chưa bao giờ ở trong Giáo hội Công giáo. Trái lại cũng có những người nghe Chúa gọi họ từ trong Giáo hội Công giáo hoặc đến với Giáo hội Công giáo. Trong quá khứ họ không chính thức là người Công giáo. Ngày nay cả khi họ được rửa tội là người Công giáo, họ nghe tiếng Chúa gọi họ sống cuộc đời như những Kitô hữu trong truyền thống Công giáo.

Một khi người ta nghe tiếng gọi này từ Chúa, niềm tin tôn giáo của họ không còn phải là vấn đề "phải." Họ không phải là người Công giáo; họ không phải đi lễ ngày Chúa Nhật; họ không phải tin vào quyền bính của giáo hoàng. Hơn thế, họ chọn làm những việc này vì họ sống trong mối giây thông hiệp riêng tư với Chúa và họ nghe Chúa hỏi họ đi theo Ngài trong Giáo hội Công giáo. Đây là lối sống đạo trưởng thành là người Công giáo hơn là chỉ đơn giản sinh ra và lớn lên là người Công giáo. Đây là cách thức là người Công giáo cởi mở với nhiều người hơn là trong quá khứ. Đây là cách thức đương thời là người Công giáo và trong thời đại chúng ta, khi không ai có thể ép buộc chúng ta là Công giáo, đó là cách thức thật thích hợp.

Kỳ tới: Là người Công giáo mang ý nghĩa gì?

 

Công giáo Tiêu thụ

Viết theo Lm. Richard Rohr

Trong quá khứ, Công giáo đã chịu đựng để duy trì được sức mạnh toàn vẹn khi quy tụ được cả nam tính lẫn nữ tính nơi chính mình trong một tình trạng căng thẳng có hiệu quả. Nhưng rồi cũng xẩy ra những đổ vỡ trong quá khứ thành nhiều mảnh khi ép buộc bằng sức mạnh của mình. Sự khôn ngoan của truyền thống phải là sự phối hợp giữa lòng nhiệt thành của môn sinh với lòng kiên nhẫn của sư phụ.

Tuy nhiên, ngày nay Công giáo đang trong hiểm nguy đánh mất linh hồn của mình. Công đồng Vaticanô II làm giảm thiểu nhiều tính chất trung cổ của Giáo hội với đường lối tu đức nữ tính của truyền thống Giáo hội. Nhìn bề mặt chúng ta có thể nhìn thấy những thay đổi như giảm thiểu lòng tôn sùng Đức Mẹ và việc thay đổi cách ăn mặc có vẻ trần thế hơn cho hàng giáo sĩ. Tuy nhiên, dưới vẻ bề mặt đó, những thay đổi thâm sâu hơn và khó nhìn ra đang tiến hành.

Đời sống tâm linh bao gồm nhiều lãnh vực đời sống. Ở đây chúng ta giới hạn vào ba lãnh vực: đời sống tri thức của Giáo hội tân tiến, đời sống biểu tượng và đời sống cầu nguyện.

Công giáo hãnh diện về truyền thống tri thức. Các bậc Giáo phụ trong Giáo hội như Athanesius, John Chrysostom, Augustinô, và một số vị khác, phần đông là giám mục là những nhà lãnh đạo trí thức của thời đó, viết các tác phẩm thần học và giáo lý, sáng tác phụng vụ, tranh biện các vấn đề tín lý và luân lý nơi các diễn đàn công cộng. Các Đại học lớn nhất tại Âu châu - Oxford, Paris, Bologna, và một số nơi khác - lớn lên dần từ các tu viện và các trường của vương cung thánh đường, đã duy trì được kho khôn ngoan của nền cổ đại cổ điển và đem lại đời sống mới theo lối dàn dựng của Kitô giáo. Qua thời Trung cổ và bước vào thời tân tiến, truyền thống tri thức Công giáo đã duy trì được các nghệ thuật tự do, nền giáo dục cởi mở trí óc hướng về nghệ thuật sống, như nền tảng cho hiểu biết thế giới nhân linh và vũ trụ vật chất chúng ta đang sống.

Một cuộc nghiên cứu mới đây của các đại học Hoa Kỳ kết luận rằng tất cả các phân khoa nổi tiếng hàng đầu tại Hoa Kỳ ngày nay, không một phân khoa nào nằm trong đại học Công giáo nữa, ngay cả trong các lãnh vực như triết học, thần học, đã được coi là thành trì truyền thống Công giáo. Tại mỗi đại học Công giáo mức đòi hỏi tốt nghiệp không còn phải là từ tám đến mười hai lớp trong các môn triết lý và thần học nữa như các thế hệ xưa kia, nhưng chỉ còn hai hoặc bốn hoặc sáu lớp là nhiều nhất. Các học viện Công giáo có nền giáo dục cao cấp hơn đang theo khuynh hướng tân tiến thay thế bằng huấn luyện nghề nghiệp cho các môn nghệ thuật tự do, theo khuynh hướng đặt việc học làm thế nào kiếm được công ăn việc làm cho cuộc sống.

Nhiều sinh viên Công giáo ngày nay không ý thức về ý tưởng nguyên thủy của đại học ít quan tâm đến chuẩn bị nghề nghiệp và những gì cần thiết cho cuộc sống. Mục đích của đại học thời trước là khai triển kho minh triết của mọi thời đại phát triển con người toàn diện. Nền đại học mang tính chất tâm linh hơn là chuyên biệt, đại đồng hơn là thực hành hẹp hòi. Và chúng ta có thể nói nền đại học này mang nữ tính nhiều hơn nam tính.

Ý tưởng nữ tính của nền giáo dục chính là thẩm định toàn cảnh trước khi đi vào các môn học chuyên biệt, chính là hiểu được mối tương quan giữa các sự vật và hiểu được chỗ đứng của chúng ta trong các mối tương quan đó. Nền giáo dục này khai triển ý thức trách nhiệm với thế giới chúng ta đang sống và săn sóc cho con người đang sống trong cuộc sống này. Tuy nhiên, ý tưởng nữ tính này ngày nay đang mất dần không những trong các đại học ngoài đời, nhưng ngay cả trong các đại học Công giáo nữa. Càng ngày những môn chính của các sinh viên càng hướng về các lãnh vực kỹ thuật và làm tiền, và như vậy truyền thống cao cả theo đuổi kho tàng khôn ngoan
đang bị bỏ rơi, nhượng đất cho theo đuổi tư lợi.

Viễn ảnh giáo dục của chúng ta đang bị thu hẹp lại song song với việc co rút lại viễn ảnh biểu tượng (symbolic vision) của chúng ta. Như chúng ta đã thấy trong quá khứ các nhà lãnh đạo Kitô giáo có khả năng sáng tạo nghệ thuật. Thời xưa, các bí tích của Giáo hội khai triển từ những nghi lễ đơn sơ thành lễ nghi đầy biểu tượng trang trọng lôi kéo các tín hữu đi vào cảm nghiệm Thiên Chúa và chiêm ngắm các mầu nhiệm Kitô giáo. Thời Trung cổ, nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc, kịch nghệ đã khơi động óc tưởng tưởng các tín hữu đến các thực tại vô hình. Tuy nhiên, ngày nay cả hai lãnh vực phụng vụ và nghệ thuật ít gây được sáng tạo và viễn ảnh.

Đời sống biểu tượng Kitô giáo giảm thiểu dần trong thế giới chúng ta sống hiện nay. Khi xã hội chúng ta càng ngày trở thành thực tiễn và kỹ thuật, chúng ta ít được đẩy tới chiêm niệm và ngược lại tới vận động nhiều hơn. Khi cuộc sống chúng ta trở thành bận rộn hơn, chúng ta ít có thời giờ thẩm định được mạc khải của Thiên Chúa trong thế giới chung quanh. Kết quả là chúng ta đánh mất những đụng chạm tới ngôn ngữ của biểu tượng, chúng ta đang đánh mất khả năng tiếp xúc với bí tích. Các Kitô hữu không nói với thế giới qua nghệ thuật. Trong khi đó phần đông nghệ thuật trong thế giới chúng ta là nghệ thuật thương mại.

Nghệ thuật Kitô giáo chỉ còn là lặp đi lặp lại buồn tẻ một nền nghệ thuật tôn giáo của quá khứ. Nhạc phụng vụ giới hạn với những gì thích hợp trong sách lễ, và có một lối thánh ca mới đang được viết ra. Chính phụng vụ đang giảm thiểu chiều dài và kém tính chất biểu tượng. Nhiều nhà thờ mới được xây dựng theo các khối hình hộp ít gây linh cảm. Một cách buồn thảm, Giáo hội không còn là người đỡ đầu của nghệ thuật như trong quá khứ.

Dầu cho thế nào đi nữa, ít ra Giáo hội phải là người đỡ đầu của cầu nguyện và nâng đỡ sức tăng trưởng tâm linh. Tuy nhiên, chúng ta có đủ lý do để tự hỏi thực tế có như vậy không? Ngoài việc thâu hẹp viễn ảnh giáo dục và co rút đời sống biểu tượng, xem ra chúng ta đang đau khổ vì đời sống cầu nguyện đang suy sụp trong Giáo hội.

Một lần nữa những cuộc song hành này đang diễn ra trong nền văn hóa của chúng ta. Những hiện tượng nhìn thấy được là việc tục hóa vẫn gia tăng trong xã hội chúng ta, việc đẩy lui những gì liên quan đến cầu nguyện và tôn giáo trong nền giáo dục công cộng và việc tách rời giữa nhà nước và tôn giáo đã được Quốc hội đóng khung. Chúng ta đau khổ vì những gì đang xẩy ra chung quanh trong nền văn hóa của chúng ta hơn là trong quá khứ.

Trong thế giới cổ đại và trung cổ và cho tới mới đây thôi trong thời tiên tiến, trở thành người Công giáo có nghĩa là được đưa vào đại truyền thống Do Thái-Kitô giáo. Trong những thế kỷ đầu người ta được đưa vào cộng đoàn Kitô giáo sau tiến tình dài dẵng 40 ngày cầu nguyện và chay tịnh chuẩn bị Đêm Canh thức Phục Sinh. Trong các thế kỷ Trung cổ người tín hữu được bao quanh bằng nền văn hóa Kitô giáo luôn luôn nói với họ về các tổ phụ Do Thái, các ngôn sứ, Chúa Giêsu và các môn đệ, Mẹ Maria và các thánh. Ngày nay nhiều người Công giáo lớn lên không hay biết về gia tài tôn giáo này.

Quên sót những sự kiện về quá khứ không quan trọng bằng quên sót những giá trị của các sự kiện này biểu tượng. Có một giá trị vượt xa những gì cầu xin Thiên Chúa khấng ban cho những ước muốn của mình. Có một giá trị của chiêm niệm chỉ học được trong cảm nghiệm thực hành đều đặn. Chỉ có một giá trị trong phát triển tâm linh được trình bầy trong hạnh các thánh và các tác phẩm thần bí, nhưng điều đó không được khám phá cho đến khi người ta đi vào đối thoại với các nhân vật anh hùng trong quá khứ và dần dần nhận ra những gì đã đưa các ngài tới chỗ cao cả.

Điều làm các ngài cao cả chính là mối tình tận hiệp cá thế với Thiên Chúa trong cầu nguyện và trong chiêm niệm hàng ngày. Các ngài dành ra thời giờ lắng nghe tiếng Chúa gọi tiến đến một trình độ thực tại sâu thẳm hơn là thế giới bao quanh các ngài. Các ngài đáp ứng lời mời gọi của Chúa để triển nở thực tại tâm linh ngay chính trung tâm đời sống các ngài. Các ngài đi vào Nước Trời bằng cửa hẹp thay vì đi theo lối đường rộng rãi thênh thang của thành công và thành toại trong thế giới.

Dầu chúng ta nghe nói nhiều về cầu nguyện trong Giáo hội ngày nay, nhưng chúng ta nhìn thấy ít người thực sự được dậy cầu nguyện. Đời sống cầu nguyện Công giáo - không kể Lễ Chúa Nhật, có tính cách cầu nguyện công cộng hơn là tư riêng - đã suy sụp khi nói về cầu nguyện, một bước xa rời khỏi chuyện thực tế. Chúng ta học cầu nguyện thực sự, tuy nhiên, không bằng nghe về cầu nguyện, cũng không bằng được bảo phải cầu nguyện, nhưng bằng đi vào cảm nghiệm cầu nguyện với những người khác. Ít có cơ hội đi vào cảm nghiệm này tồn tại trong Giáo hội ngày nay.

Cầu nguyện mang tính chất nữ tính. Đó không phải là tình trạng động, nhưng là tình trạng tĩnh. Đó không phải là hoàn thành, nhưng là an nghỉ. Đó không phải là thể hiện, nhưng là liên hệ thân tình. Đó là tập trung vào Chúa và tiếp nhận Lời Ngài nói với chúng ta trong thanh lặng. Cầu nguyện xẩy ra bên trong và được diễn tả ra bên ngoài bằng biểu tượng hoặc bằng lời hoặc bằng cử điệu hoặc bằng các sáng tạo nghệ thuật. Có lẽ linh hồn đang đi ra khỏi nghệ thuật Kitô giáo vì cầu nguyện đang đi ra khỏi đời sống Kitô giáo. Nghệ thuật diễn tả điều bên trong, nhưng nếu không có gì bên trong, cũng chẳng có gì để diễn tả.

Nền văn hóa Công giáo Hoa Kỳ của chúng ta cũng giống như nền văn hóa Hoa Kỳ tổng quát càng ngày càng mang nhiều nam tính, có nghĩa là càng hướng đến hoàn thành công việc, hướng đến quyền lực và hướng đến tiêu thụ nhiều hơn. Chúng ta đồng hóa thành công với khả năng tiêu dùng càng ngày càng nhiều. Chúng ta thần tượng hoá lối sống của những người giầu có và nổi tiếng là những người đã đạt tới trình độ tiêu sài vượt mức.

Đó là lý do tại sao các đại học của chúng ta đã bỏ rơi đi tìm kho khôn ngoan, mang nữ tính, mang hoạt động chiều sâu, để chạy theo khoa bảng và tài lộc. Chúng ta trở thành những nhà tiêu thụ giáo dục thay vì là những nhà đi kiếm tìm chân lý và kiến thức. Chúng ta làm chuyện đó không những trong các học đường. Chúng ta tham dự các khóa tu nghiệp hoặc hội thảo, chúng ta đọc sách báo hoặc nghe băng hoặc xem truyền hình, chúng ta mù quáng tin tưởng rằng chúng ta càng hưởng thụ nhiều, chúng ta càng trở thành hoàn hảo hơn. Không quan trọng môn chúng ta học hỏi là trần tục hoặc tôn giáo, kiểu mẫu và hiệu quả cũng giống nhau. Chúng ta trở thành những nhà kho chứa những thông tin tiêu dùng và quên lãng vì chúng ta không dành ra thời giờ cho tâm hồn sàng lọc qua những rác rưởi và tìm thấy bất cứ kho tàng nào ẩn tàng trong đó.

Tương tự thế, chúng ta đã đánh mất cảm quan của chúng ta về nghệ thuật vì chúng ta cho rằng phỏng đoán thì hay hơn. Thay vì trở thành mẫn cảm với nghệ thuật, chúng ta trở thành những tay tiêu dùng nghệ thuật. Trong bất cứ một đại tác phẩm nào, người nghệ sĩ đổ hết tâm hồn mình vào đó và tâm hồn chúng ta chỉ có thể nối kết vào đó bằng dành ra thời giờ chiêm ngắm và khai triển tâm tư vào đó. Tuy nhiên, điều chúng ta làm chỉ là chạy đua qua các bảo tàng viện, các phòng triển lãm để nhìn xem nhiều bao nhiêu có thể, chứ không cần dành ra thời giờ nhìn vào chiều sâu của tác phẩm. Chúng ta sưu tầm nghệ thuật tiêu thụ trong nhà chúng ta, với hy vọng hão huyền rằng nhờ chúng ta có nhiều tác phẩm chúng ta trở nên uyên bác hơn. Như vậy chúng ta cũng chẳng nhìn xem được tất cả những gì chúng ta đang có.

Công giáo tiêu thụ cũng có kiểu mẫu như thế và hậu quả cũng như thế thôi. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta càng đi nhà thờ, chúng ta càng trở thành đạo đức. Chúng ta nghĩ rằng nếu chúng ta đem người khác tới nhà thờ thì đương nhiên đời sống tâm linh của họ tốt hơn. Tuy nhiên làm như thế, chúng ta không giúp họ trở thành Kitô hữu hơn, thực ra chúng ta chỉ biến họ trở thành những người đi nhà thờ thì đúng hơn. Cả họ lẫn chúng ta chẳng tiến sâu vào những gì Giáo hội, phụng vụ, cầu nguyện mong muốn. Việc chúng ta dấn thân với Chúa chỉ là hời hợt bề ngoài, nhưng sự yếu kém và suy sụp được ngụy trang bằng lối sống đạo đức bề ngoài trong đời sống chúng ta. Lối sống tôn giáo này có thể là một hình thức đạo hạnh nghiện ngập.

Công giáo tiêu dùng rất có thể là tận cùng của truyền thống Công giáo. Nếu thành công, chủ nghĩa này hẳn còn tiếp tục là một hãnh diện của Công giáo, nhưng một Công giáo không hồn. Chủ nghĩa này vĩnh viễn hóa các cấu trúc nam tính của Giáo hội trong khi đành đánh mất nữ tính cởi mở tấm lòng đến với Chúa. Chủ nghĩa này lừa gạt chúng ta đi vào suy nghĩ rằng bao lâu chúng ta còn các giáo xứ, các trường học, các chương trình giáo dục và xã hội, các hàng hoá và các nhà sách Công giáo, như thế truyền thống Công giáo vẫn sống tốt tươi và hưng phát.

Tuy nhiên, chủ nghĩa tiêu dùng Công giáo lại rất đối nghịch với truyền thống Công giáo đã được duy trì suốt 2000 năm qua. Chủ nghĩa này chất chứa tất cả những gì xấu xa nhất của Công giáo chủng tộc, Công giáo cơ chế, Công giáo phi Kinh Thánh và Công giáo không đòi hỏi, trong khi không thấm nhiễm đường lối tu đức cần được vĩnh viễn hóa. Chủ nghĩa Công giáo tiêu dùng là một loại sùng đạo không biết suy tư, chẳng sáng tạo và cũng chẳng cầu nguyện. Chủ nghĩa này hoạt động không hướng đích, lời nói rỗng tuếch, một vỏ sò hư ảo.

Hết chương hai

 

Công giáo không đòi hỏi

Hoàng Quý viết theo Lm. Richard Rohr

Bóng tối thứ năm của Công giáo được linh mục Richard Rohr trình bầy chính là Công giáo không đòi hỏi, không yêu sách. Thật vậy, truyền thống Công giáo tự nền tảng là một truyền thống mang nữ tính. Theo cái nhìn bên ngoài, Công giáo mang tính chất nữ giới hơn là nam giới. Chẳng hạn y phục giáo sĩ và các y phục phụng tự mang mầu sắc nữ tính. Chúng ta nhìn thấy các nam nhân mặc đồ lụa là và thêu thùa, rồi khi xuất hiện giữa công chúng nhiều giới chức cao cấp mặc những phẩm phục cầu kỳ và đội mũ kỳ lạ. Trong những công bố trịnh trọng về Giáo hội, người ta dùng đến tiếng Latinh gọi Giáo hội là Santa Mater Ecclesia, "Mẹ Giáo hội thánh thiện."

Nữ tính của Công giáo cũng được thể hiện bằng việc tôn sùng Đức Maria. Mẹ Maria không chỉ là Mẹ Chúa Giêsu, nhưng còn là Mẹ Giáo hội. Đức Mẹ là nơi trú ẩn của những kẻ yếu đuối, là nơi yểm trợ mọi tín hữu. Một phân nửa các nhà thờ lớn tại Âu châu đều cúng hiến cho Đức Mẹ và tước hiệu của Đức Mẹ vẫn là Đức Bà của chúng ta. Đức Mẹ là biểu tượng vĩ đại nhất trong truyền thống Giáo hội, biểu tượng của chiều kích nữ tính nơi Thiên Chúa.

Dĩ nhiên Công giáo cũng có những yếu tố nam tính. Gạt bỏ sang một bên những hình thức bề ngoài như áo quần, phẩm phục, nam giới trong Giáo hội đã thảo ra các luật lệ. Như vậy người ta có thể nhận ra các khía cạnh nam tính và nữ tính của Công giáo tạo ra một thế quân bình trong Giáo hội, nhưng xét theo chiều kích lịch sử, nam tính đã trổi vượt trong các cơ cấu quyền bính của Giáo hội. Như chúng ta đã thấy trước đây, Giáo hội tổ chức theo lộ trình của nền văn hóa Tây phương, nổi bật với các vị giáo phụ và giáo sĩ. Còn khía cạnh Đông phương của Kitô giáo, tức khía cạnh mẫu tử và nữ tính, được duy trì chính yếu trong đường lối tu đức và phụng vụ trong Giáo hội. Nói một cách ngắn gọn hơn, nền luân lý Công giáo mang nặng tư chất nữ tính trong thái độ và cách cư xử.

Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử, chúng ta nhận thấy nữ tính của Kitô giáo rõ ràng nhất vào thời Trung Cổ. Dầu cho các cấu trúc bên ngoài của Giáo hội mang nam tính, nhưng đời sống bên trong của Giáo hội mang nhiều tư chất nữ tính. Nền tu đức thời Trung cổ được ghi dấu đặc biệt bằng việc tôn sùng Mẹ Maria, hay còn gọi là việc Tôn sùng Trinh Nữ.

Kitô giáo Trung cổ mang tư chất nữ tính trong thái độ đối với thế giới. Giáo hội ca ngợi cầu nguyện và chiêm niệm trong cac dòng tu và tu viện. Giáo hội thịnh hành với các tổ chức lễ lạt, khi tuyên bố trong các ngày lễ đạo đức, người dân quê không phải đi làm và vào những ngày linh thánh, quân đội cũng ngưng chiến. Giáo hội tạo ra nghệ thuật xây các vương cung thánh đường và khích lệ ca nhạc và kịch nghệ. Giáo hội đem vào phụng vụ mầu sắc và ánh sáng, hoa và nến, hương và rước kiệu. Giáo hội hòa trộn tôn giáo và văn hóa lại với nhau thành một tổng hợp trong nền Kitô giáo Trung cổ.

Dầu cho lối tổ chức quyền hành trong thời Trung cổ mang tư chất nam tính và giáo trưởng, nhưng các mối giây liên hệ của Giáo hội với trẻ em mang tính chất nữ tính và mẫu tử. Ngoại trừ các lạc giáo hoặc những phê bình thách thức quyền uy của hàng giáo sĩ và bị hình phạt nghiêm khắc, Giáo hội lại tỏ ra bao dung và tha thứ cho các tội nhân. Người ta có thể làm hầu như mọi thứ và thoát li, rồi cũng được khuyến khích hãy xưng tội và hứa không tái phạm. Và khi họ lại tái phạm, họ vẫn có thể luôn luôn đi xưng tội và Giáo hội, qua các linh mục lại tha thứ cho họ. Như vậy như chúng ta xác quyết ở trên, thái độ Công giáo đối với luân lý đúng là đặc trưng nữ tính.

Nền luân lý nữ tính không đặc trưng bằng những luật lệ gay gắt hay cách cư xử nghiêm ngặt, nhưng bằng các tình liên hệ linh động. Lý tưởng là dung nạp vào gia đình hơn là khai trừ như câu lạc bộ hoặc băng đảng. Trên hết, Giáo hội mong muốn hiệp nhất và chỉ đòi hỏi người ta tuân giữ những tiêu chuẩn hạnh kiểm tối thiểu để được duy trì trong cộng đoàn. Khi chúng ta nhìn vào phản ứng của Giáo hội quyết liệt với các nhóm lạc giáo một đàng, và đàng khác lại nhân hậu với các tội nhân, chúng ta có thể nhìn thấy nữ tính thật rõ ràng. Giáo hội đã dung thứ mọi thứ vô luân và đồi truỵ, nhưng khi cảm thấy sự hiệp nhất bị đe dọa, Giáo hội đã phản ứng bằng việc kết án nặng nề.

Bóng tối của nền luân lý nữ tính chính là sự không muốn đưa ra những đòi hỏi luân lý mạnh mẽ với các Kitô hữu. Giáo hội khuyến khích mọi người sống đạo hạnh và mời gọi sống thánh thiện,nhưng lại không nhấn mạnh đến nền luân lý đòi hỏi của Tin Mừng. Như một bà mẹ, Giáo hội luôn luôn mong muốn các con cái cư xử tốt lành, nhưng nếu chúng không sống như thế, Giáo hội cũng không loại trừ. Phần lớn Công giáo ít yêu sách, ít đòi hỏi. Trong cuốn sách trích dẫn câu chuyện lần trước, cuốn Children of Sanchez, Manuel chứng minh cho chúng ta mặt tối của lối bao bọc mẫu tử. Người ta có thể sống bất cứ cách nào người ta muốn và vẫn còn là Công giáo.

Không ai có thể tố cáo Công giáo là một tôn giáo hẹp hòi. Giáo hội ôm ấp cả các người thánh thiện lẫn các tội nhân, các người cấp tiến lẫn bảo thủ, các người theo chủ nghĩa cá nhân lẫn chủ nghĩa thực tiễn. Giáo hội bao dung những khác biệt, tuy nhiên đây cũng là mặt yếu của Giáo hội. Dầu cho Giáo hội có thể dễ dàng hình thành các cộng đoàn quy tụ được đủ mọi loại người, nhưng Giáo hội lại không tạo dựng được những nhóm tông đồ nền tảng. Giáo hội có thể bao dung những nhóm người như vậy - và có nhiều nhóm như thế - nhưng Giáo hội không hình thành được những nhóm nồng cốt và không kêu gọi toàn thể Giáo hội sống Tin Mừng một cách rốt ráo, nền tảng.

Có một số điều rất hấp dẫn về sống Tin Mừng một cách rốt ráo, về chấp nhận lời mời gọi của Chúa Kitô phải từ bỏ mọi thứ để đi theo Ngài. Chắc chắn ở đây Chúa Giêsu mong mỏi những ai lắng nghe Ngài, và đây là cách thức các môn đệ đầu tiên của Ngài đã đáp ứng. Khi chúng ta học hỏi về các vị sáng lập dòng hoặc khi những ai đã hoàn toàn hiến thân cho công việc của Nước Thiên Chúa, chúng ta phải thực tâm thán phục quý ngài. Chúng ta nhận ra Kitô giáo thực sự là thế đó, và lối sống này thực sự đẹp đẽ một cách say mê. Chúng ta biết chúng ta đang thiếu một cái gì đó thật tuyệt vời nếu chúng ta không quay cuộc sống trở về với Chúa Kitô, nhưng là những người Công giáo, chúng ta không nghe Giáo hội đòi hỏi chúng ta như thế.

Nếu bóng tối của nam tính Công giáo là chủ nghĩa toàn trị, thì bóng tối của nữ tính Công giáo là thái độ bao dung với lối sống tầm thường và tội lỗi. Ngay tại trình cấp cơ cấu, Giáo hội đã nhắm mắt làm ngơ với đồi truỵ, dung túng chiến tranh, sống với giả hình và chiều theo các chế độ quyết liệt chống đối Chúa Kitô - thường nhân danh bảo vệ hòa bình và hiệp nhất bằng mọi giá. Khi chúng ta đong đếm cái giá những đau khổ của nhân loại và bất trung với Tin Mừng, chúng ta dễ dàng kinh ngạc Giáo hội phải trả cái giá quá mắc.

Tuy nhiên khi chúng ta nhìn kỹ mặt khác, hẳn chúng ta phải suy nghĩ gấp đôi. Không một cơ cấu nào hoàn hảo cả. Mỗi một tập thể đều có mặt sáng và mặt tối. Nếu tinh thần Công giáo không đặc trưng là nữ tính, thỉ các cấu trúc và tâm lý của Công giáo hẳn hoàn toàn mang tính chất nam tính. Công giáo hoàn toàn là một Giáo hội giáo trưởng và đòi hỏi gắt gao, và vẻ nổi bật của nam tính được xoa dịu nhờ tư chất nữ tính.

Kỳ tới: Công giáo tiêu thụ

 

Công giáo phi Kinh Thánh (Unscriptural Catholicism)

Hoàng Quý viết theo Lm. Richard Rohr

Bóng tối thứ tư của Công giáo được linh mục trình bầy chính là Công giáo xa rời Kinh Thánh và chúng tôi tạm dịch là "Công giáo phi Kinh Thánh." Cụm từ này xem ra nặng nề, tuy nhiên, đi vào tìm hiểu lịch sử và thực tiễn, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của cụm từ này nhiều hơn.

Ngoại trừ một thiểu số, quả thực đa số các tín hữu Công giáo không phải là những người đọc Kinh Thánh nhiều. Cho tới ngày nay, nhiều tín hữu Công giáo vẫn không biết mở sách Tân Ước xem bài Tin Mừng Chúa Nhật nằm ở sách nào, đoạn nào và câu nào. Phần đông các tín hữu theo đạo dựa vào các bí tích và những lời giảng dậy của Giáo hội trong công việc đào tạo và sống đức tin.

Có hai nguyên do mang tính chất lịch sử cho thực trạng này. Lý do đầu tiên là Giáo hội đã tồn tại từ lâu trước bộ Kinh Thánh được hoàn thành, do đó Giáo hội sử dụng văn nói hơn là văn viết. Dù cho những người theo đạo đầu tiên đến từ Do Thái giáo đã chấp nhận Kinh Thánh theo tiếng Do Thái (chúng ta gọi là Cựu Ước) như là những Lời linh ứng của Thiên Chúa, nhưng vào cuối thế kỷ thứ nhất, phần đông những người theo đạo Công giáo lại là những người tà giáo, họ không biết gì về Do Thái giáo và các sách thánh cả. Ngay vào thế kỷ thứ hai và thứ ba đã xẩy ra các cuộc tranh luận trong Giáo hội xem có chấp nhận Kinh Thánh bằng tiếng Hêbrơ (Do Thái) là thuộc Giáo hội không.

Thêm vào đó, chúng ta cũng nên nhớ rằng, trong thế kỷ đầu tiên, các sách Tin Mừng và các Thư Tông đồ còn đang được viết ra. Những sách này từ nguồn gốc được viết ra cho các cộng đoàn đặc biệt, thí dụ Thư gửi tín hữu Galata, và dù cho đã được lưu hành rộng rãi trong Giáo hội vào thế kỷ thứ hai và thứ ba, nhưng vẫn chưa có danh sách của giáo quyền xác định những sách này được mọi Kitô hữu chấp nhận.

Mãi cho tới thế kỷ thứ tư, khi Kitô giáo thoát khỏi tình trạng bách hại và được phục hưng, các giám mục thuộc toàn cõi Đế quốc Roma đã tụ tập lại và quyết định một danh sách chính thức các Sách Thánh. Trong khi đó các tín hữu đã có thói quen nghe Lời Chúa Giêsu bằng văn nói trong khi tham dự các nghi thức bí tích hoặc nghe giảng vào mỗi lễ Chúa Nhật. Việc truyền tụng Lời Chúa bằng văn nói trong Giáo hội được củng cố thêm trước sự kiện các sách được viết bằng tay lúc đó quá tốn kém và không thuận tiện.

Lý do thứ hai khiến Công giáo không tùy thuộc mạnh mẽ vào văn viết vì vào thời Trung Cổ đa số dân chúng  châu là dân man rợ nên mù chữ. Như vậy chỉ có một số học giả hoặc các giáo sĩ biết đọc. Từ đó các tín hữu được dậy bảo về đức tin khi tham dự Thánh Lễ và các bí tích. Nếu có những tín hữu may mắn sống nơi thành thị, họ có thể đọc được các câu chuyện Kinh Thánh từ các kính mầu cửa sổ của các thánh đường hoặc tham dự những vở kịch về phép lạ trong những nơi công cộng.

Đôi khi anh em Tin Lành tố cáo Giáo hội Công giáo không đem Kinh Thánh đi vào đại chúng và đem nhốt Kinh Thánh trong các tu viện. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng để sản xuất được một cuốn kinh Thánh viết tay trong thời Trung Cổ phải chiếm hết 500 bản viết trên giấy da và 10.000 giờ lao động. Như vậy chúng ta hiểu được sách Kinh Thánh thật hoạ hiếm và còn phải canh giữ để khỏi bị ăn cắp. Việc in ấn sách vở chỉ được phát minh vào giữa thế kỷ thứ mười lăm.

Như vậy chúng ta dễ dàng hiểu được lý do tại sao Giáo hội Công giáo không phát triển được truyền thống khuyến khích các tín hữu đọc Kinh Thánh. Sau thời Cải Cách của anh em Tin lành, Giáo hội lại né trách để các tín hữu đọc Kinh Thánh vì bên Tin Lành sử dụng Kinh Thánh để biện giải giáo lý cũng như chống lại Roma. Thêm vào đó anh em Tin Lành có thể quảng diễn Kinh Thánh khác nhau, do đó như chúng ta thấy hiện nay có hàng trăm hàng ngàn các giáo phái Tin Lành khác nhau. Phải chăng đây là một niềm cay đắng đã đang và đang phân chia Kitô giáo?

Gạt bỏ sang một bên những lý do lịch sử như vừa rồi, chúng ta cũng phải nhìn nhận rất ít người Công giáo đọc Kinh Thánh hàng ngày, dầu cho ngày nay chúng ta có thể đọc được đủ mọi thứ. Các tín hữu Công giáo không tận dụng Kinh Thánh để tăng thêm những hiểu biết về truyền thống của đạo giáo hoặc đi sâu vào mối giây liên kết với Thiên Chúa. Đối với nhiều người Công giáo, Lời Chúa không thế giá bằng lời giáo huấn của giáo hoàng hay những lời chỉ dậy của giám mục hoặc linh mục. Xem ra Kinh Thánh chỉ trở thành quan trọng khi được các linh mục hậu thuẫn, thôi thúc. Và chắc chắn đây không phải là bộ mặt sáng của Công giáo.

Mặt tối của một số giáo phái Tin Lành là đôi khi sử dụng Kinh Thánh như một khí giới để biện minh cho thần học. Những người theo trào lưu chính thống (Fundamentalists) thường hãnh diện họ không tin vào thế giá của giáo hoàng và họ đã biến Kinh Thánh thành giáo hoàng giấy (paper pope). Trong lúc che đậy nhiều quảng diễn Kinh Thánh cá thể, nhiều nhà giảng thuyết có thể chọn lựa những mẩu hoặc đoạn Kinh Thánh để chứng minh một quan điểm hoặc công kích những ai phản đối. Đứng đàng sau uy thế của Kinh Thánh, họ cũng trở thành độc tài như giáo sĩ Roma.

Xét theo mặt sáng, anh em Tin Lành thường xuyên đọc Kinh Thánh để hướng lái cuộc sống đạo hàng ngày. Họ tham dự đều đặn các buổi học hỏi Kinh Thánh hàng tuần và suy niệm mỗi ngày để gia tăng hiểu biết và niềm tin. Họ rút ra từ Kinh Thánh những lời khuyên nhủ hoặc các bài học để sống thành một Kitô hữu tốt hơn. Họ tìm trong Kinh Thánh những bài học chỉ cách thức sống thành những cha mẹ thiện hảo, những người làm ăn lương thiện và những người hàng xóm thân thiện.

Sự khác biệt giữa anh em Tin Lành chuộng Kinh Thánh và Công giáo phi Kinh Thánh thể hiện khá rõ ràng trong những xứ sở theo truyền thống Công giáo khi anh em Tin Lành đặt chân đến truyền giáo những nơi này. Kitô giáo theo Kinh Thánh được họ rao giảng hoàn toàn trái ngược với Công giáo sắc tộc. Thí dụ như Mễ Tây Cơ là một xứ sở Công giáo từ thời người Tây Ban Nha xâm chiếm. Vào những năm 1950, anh em Tin Lành tại đây còn ít ỏi và một nhà nhân chủng học tên là Oscar Lewis đã sống giữa những người nghèo tại đây và ông đã viết một cuốn sách dựa vào lời kể lại về chính cuộc sống của người dân. Trong cuốn Children of Sanchez: Autobiography of a Mexican Family, ông kể về câu chuyện ông phỏng vấn một người trẻ tên là Manuel, một người Công giáo chính cống. Manuel mô tả lại hoàn cảnh của anh như sau:

Vâng, tôi đã bắt đầu phân tách các sự việc, có đúng không? Chúa Giêsu đã nói, "Giống như cây vả này, anh em nhìn hoa trái của chúng sẽ biết chúng." Trong các nhà giam tại Mễ Tây Cơ, trong một trăm tù nhân có tới chín mươi chín người là Công giáo! Và giả như các bạn tôi là những kẻ trộm cắp, họ cũng thắp ngọn đèn cầy kính một vị thánh trước khi ra đi hành nghề. Các nàng buôn bán dâm cũng giữ hình một đấng thánh trong phòng và đốt đèn cầy thánh để cầu xin thêm khách làng chơi đến. Nếu như quả thực những suy đồi đó tồn tại trong Công giáo, phải chăng đây là tôn giáo chân thật?

Tôi bắt đầu suy nghĩ về những người Evangelists, Adventists, Anglicans tôi biết. Tôi không nhìn thấy họ say sưa ngoài đường phố, không bao giờ sách giao hoặc hút thuốc, nghiện ngập ma tuý hoặc chửi thề. Nhà họ có đầy đủ những gì cần thiết, con cái họ mặc quần áo sạch sẽ và ăn uống đầy đủ, họ đối xử với vợ con thật tử tế. Họ sống một cuộc sống lành mạnh và an bình. Nhưng dưới Giáo hội Công giáo, người ta sống theo cách thức như tôi đã sống.

Tôi không đánh mất niềm tin. Tôi vẫn là người Công giáo vì tôi không cảm thấy mình có đủ sức mạnh để tuân thủ các giới răn và thi hành các luật lệ nghiêm chỉnh của anh em Evangelists. Tôi chẳng còn bao lâu để có thể hút sách, bài bạc hoặc gian dâm và như vậy tuyệt đối tôi chẳng có thể sống theo luật lệ của Thiên Chúa được.

Những lời của Manuel phác hoạ sống động những hậu quả thảm hại của một Công giáo sắc tộc, cơ chế và phi Kinh Thánh. Những ưu điểm của truyền thống Công giáo về việc thẩm định giá trị của tạo dựng giờ đây chúng ta nhìn thấy bóng tối phía sau. Thái độ lạc quan giúp chúng ta yêu đời có thể dẫn đến việc bỏ bê những giá trị Kitô giáo. Tầm nhìn bí tích về thế giới như một mặc khải của Thiên Chúa có thể dẫn đến việc đánh quên mất mặc khải của Ngài trong Kinh Thánh.

Công giáo phi Kinh Thánh có thể do hậu quả của Công giáo chủ bí tích (sacramental Catholicism). Trong suốt 15 thế kỷ, các bí tích đã tuyệt đối cần thiết đem các tín hữu đến với các nền tảng của Kitô giáo và theo nhiều cách thức các bí tích vẫn còn là chính yếu của đời sống Giáo hội. Như Kinh Thánh có thể bị sử dụng sai lạc, cũng có thể xẩy ra như vậy với các bí tích. Các bí tích có thể trở thành những nghi thức bề ngoài và như những chiếc máy ban ơn. Các bí tích trở thành phương tiện thay thế cho lối sống phù hợp với các sứ điệp của Kinh Thánh. Các bí tích cho con người có cảm giác sai lầm về sự an toàn giữ đạo để họ khỏi phải lo việc hoán cải con người thực sự. Các bí tích ru ngủ các tín hữu trong trạng thái êm đềm của phụng vụ hơn là dẫn dắt họ đi tới gặp gỡ Thiên Chúa.

Trong một Giáo hội mà bí tích là chính yếu, thì các bài học về Kinh Thánh và các bài học về bí tích cũng thiết yếu như nhau, vì Kinh Thánh là trung tâm của việc thờ phượng phụng vụ. Chúng ta nhìn thấy điều này thể hiện rõ ràng trong Thánh lễ khi Kinh Thánh được đọc và được giảng nghĩa và là nơi việc cử hành thánh thể gợi nhớ lại Bữa Ăn Tối của Chúa Giêsu với các môn đệ. Cũng cùng một lời giáo huấn tông đồ dẫn đưa vào Tân Ước thì cũng dẫn đến việc thành lập các bí tích. Cũng thế, việc sùng đạo thuận lợi và an vui với việc chủ trương theo các nghi lễ và không quan tâm tới Lời Thiên Chúa, cả khi Kinh Thánh sẵn sàng trong tầm tay. Quả thực Công giáo phi Kinh Thánh không bị khiển trách do các bí tích nhưng do việc hiểu lầm và vận dụng sai lạc các bí tích.

 

Công giáo cơ chế (institutional Catholicism)

Hoàng Quý viết theo Lm. Richard Rohr

Bóng tối thứ ba của Công giáo được linh mục Rohr đề cập tới chính là đặc tính cơ chế trong Giáo hội. Mỗi một giáo xứ của chúng ta đã là một cơ cấu rồi, với ban quản trị và điều hành, với các chương trình và ngân sách, với các tòa nhà và đất đai. Các cơ cấu Công giáo được mở ra khá nhiều như các trường học, các chủng viện, các bệnh viện, các cơ quan xã hội, các tu viện và các nhà tĩnh tâm. Đường lối tổ chức Giáo hội khá chặt chẽ, từ Vatican cho tới các giáo phận, các dòng tu.

Kitô giáo đã phát triển các cơ cấu rất sớm trong lịch sử. Ngay từ thuở ban đầu, các tông đồ đã không thiết lập các chương trình hành động. Các ngài túa đi vội vã khỏi căn phòng trên lầu trong ngày Lễ Hiện Xuống và bắt đầu xuống đường đi rao giảng, công bố Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và mời gọi con người biến đổi. Quý ngài rửa tội cho các tín hữu tân tòng và thiết lập các cộng đoàn, hội họp nhau trong các gia đình và chia sẻ Bữa Ăn Tối của Chúa Giêsu, cầu nguyện trong các hội đường hoặc bất cứ nơi nào các tín hữu họp mặt nhau được. Những nhà thừa sai như Thánh Phaolô ra đi bốn phương loan báo Tin Mừng về Chúa Giêsu và Vương quốc của Ngài đang đến.

Các cộng đoàn phát triển thật nhịp nhàng và theo nhiều cấu trúc. Các Kitô hữu gặp nhau điều hòa vào mỗi Chúa Nhật để cử hành việc Chúa Sống Lại và cảm tạ Thiên Chúa vì đã gửi Chúa Giêsu đến với trần gian. Các tín hữu nam nữ được chỉ định lo cho người nghèo khổ, những ai góa bụa và những kẻ mồ côi. Các vị cao niên được lựa chọn để coi sóc các cộng đoàn địa phương, xướng xuất các buổi thờ phượng và duy trì những lời giảng dậy của các tông đồ. Chúng ta có thể đọc được các công việc phát triển này trong Tân Ước, trong Công Vụ các Tông Đồ, và trong nhiều Thư Tông đồ. Giáo hội cơ chế hóa những gì cần thiết phải làm để phục vụ nhu cầu của các cộng đoàn và đem Tin Mừng đến với thế giới.

Công việc thiết lập đời sống cộng đoàn và các hoạt động truyền giáo đã thành công trong việc hoán đổi toàn Đế Quốc Roma theo Kitô giáo. Khi Đế Quốc Roma rơi vào tay các cuộc xâm chiếm của các dân man rợ, lúc đó các cơ chế chính quyền tiêu tan. Chỉ còn lại các cơ chế của Giáo hội tồn tại như các giáo xứ, các giáo phận và các tu viện. Các cơ cấu này, ngoài việc duy trì được các sứ điệp Tin Mừng và truyền thống Do Thái-Kitô giáo, còn duy trì được cả những văn minh Roma và văn hóa Tây phương. Giáo hội đã văn minh hoá và Kitô hoá các bộ lạc man rợ của Âu châu qua các cơ chế và dần dần một nền văn hóa mới khai sinh vào thời Trung Cổ của Kitô giáo.

Tuy nhiên công việc cơ cấu hóa cũng có những mặt tiêu cực. Các cơ cấu có đời sống cho riêng mình. Các cơ cấu tự vĩnh viễn hóa chính mình và rất khó thay đổi. Người ta đã thiết lập các cấu trúc vững mạnh hơn là các cá nhân trong đó. Đây là điểm mạnh và đồng thời cũng là điểm yếu. Một mặt sáng vẫn có luôn mặt tối phía sau.

Chúng ta đã biết các cơ cấu của Công Giáo Roma là cơ cấu của Tây phương. Cơ chế đó thật phẩm trật và thống trị. Các cơ chế đó được tổ chức theo kim tự tháp. Các lệnh ban xuống từ chóp đỉnh, rồi đi qua các tầng lớp cho tới khi đụng tới đáy. Xã hội được phân chia thành các tầng lớp lãnh đạo và các tầng lớp thứ dân, các giáo chức và các học sinh. Xã hội của Giáo hội cũng được phân bố thành các chủ chiên và các con chiên, hàng giáo sĩ và giáo dân.

Sức mạnh của cơ cấu kiến trúc này là khả năng thiết lập và duy trì được các cộng đoàn và các tổ chức. Khi dân chúng kính trọng uy quyền, họ muốn quy phục những nguyện vọng cá nhân của họ cho lợi ích của toàn thể. Và còn hơn thế, các tín hữu trong các cơ chế tôn giáo còn quy phục trí óc và sáng kiến của họ theo ý muốn của những ai đứng đầu bậc thang hàng giáo phẩm và họ trở thành những người thụ động và không quyền lực. Họ không làm gì nữa ngoại trừ những việc bảo phải làm. Họ nhường cho người khác suy nghĩ thay họ. Họ hài lòng với lối sống bình thường thay vì phải cố gắng đạt được những gì thiện hảo hơn.

Có chỗ đứng cho việc lãnh đạo trong Giáo hội. Chúng ta nhớ lại đoạn Tin Mừng Chúa Giêsu tiên báo cho Phêrô rằng ông sẽ chối Ngài, và Ngài nhắn nhủ ông sau đó: "Si-môn, Si-môn ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh" (Lc 22:31-32).

Vai trò lãnh đạo trong Giáo hội chính là làm vững mạnh các phần tử trong Giáo hội. Tuy nhiên trong quá khứ, các nhà lãnh đạo trong Giáo hội đã làm suy yếu các tín hữu. Các ngài đã đồng hóa niềm tin của mình vào niềm tin của cơ chế và bảo các tín hữu chỉ việc thi hành những gì cơ chế bảo phải làm, đó là cầu nguyện, góp tiền và vâng phục. Các tín hữu vâng phục nhưng họ chẳng phát triển gì cho niềm tin của mình trưởng thành thêm.

Đó là nhược điểm của một cơ chế hùng mạnh. Giáo hội đã duy trì và vĩnh viễn hóa chính mình theo cách thức toàn trị vững mạnh như thế, trong lúc gây cho các tín hữu một cảm nhận về sức hùng mạnh nơi kích thước, nơi con số to lớn và thể chế vững vàng của Giáo hội. Và như vậy Giáo hội đã không cống hiến cho các tín hữu sức mạnh tâm linh. Giáo hội không mời các tín hữu đi vào cảm nghiệm sống với Thiên Chúa, cũng chẳng giúp họ đi vào cuộc sống thân tình với Chúa Giêsu. Giáo hội cũng chẳng đòi hỏi các tín hữu trở thành các môn đệ của Chúa Giêsu, thành những người đi theo Tin Mừng, nhưng chỉ là những người đi theo các giáo sĩ. Giáo hội cũng chẳng đem đến cho họ một nền đạo đức đi xa hơn việc chỉ giữ các Giới Răn và xa tránh những chuyện tình dục tội lỗi. Giáo hội cũng chẳng nhắc nhở các tín hữu phải nhận lấy trách nhiệm trước những quyết định luân lý của chính mình và trách nhiệm phải uốn nắn xã hội đi vào Vương quốc Nước Trời. Dưới quyền thống lãnh cha chú này, phần đông niềm tin tôn giáo của người Công giáo và lương tâm luân lý của họ ở trong trạng thái ấu trĩ, thụ động.

Kết quả như ngày nay chúng ta đang nhìn thấy cơn khủng hoảng đức tin và luân lý trong Giáo hội. Hàng giáo sĩ vẫn theo lối độc tài bảo các tín hữu điều gì phải tin và phải cư xử thế nào, nhưng nhiều người Công giáo chống cự lại. Có khi vì các tín hữu học thức hơn và tin rằng họ phải có đóng góp phần nào trong các quyết định trong Giáo hội, nhưng các quyết định này lại đến từ linh mục quản nhiệm, từ vị chưởng ấn hay từ Vatican. Có khi, dù cho họ muốn hàng giáo sĩ bảo họ phải làm gì, nhưng hàng giáo sĩ lại không nói những gì họ muốn nghe. Trong cả hai trường hợp, họ cảm thấy mình bị xa tránh, bị bỏ rơi, bị chọc giận. Cơn khủng hoảng này cũng là cơn khủng hoảng uy quyền.

Có vị trí cho uy quyền trong Giáo hội. Một đoạn Tin Mừng của Thánh Matthêu vẫn được coi là thân thương với các tín hữu Công giáo vì xác quyết niềm tin vào uy quyền của Phêrô. Sau khi Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Ngài quay lại phía Phêrô và công bố: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi" (Mt 16:17-18).

Vai trò của uy quyền trong Giáo hội trở thành nền móng cho việc thiết lập một cộng đoàn. Giáo hội trở thành nền tảng nối kết giữa việc các tín hữu di động vào trần giới với lời bảo đảm của Chúa Giêsu rằng không gì có thể chống lại việc loan báo Tin Mừng. Chúa Giêsu không nói rằng Phêrô là Giáo hội, nhưng ông chỉ là người đem đến hiệp nhất và vững chắc cho Giáo hội. Tuy nhiên, trong quá khứ Giáo hội đã đồng hóa với giáo hoàng và hàng giáo phẩm. Hàng giáo phẩm đã làm mọi chuyện trong Giáo hội và các tín hữu chẳng làm gì hết. Họ thụ động và suy yếu. Hàng giáo sĩ đảm trách uy quyền trong Giáo hội và để các tín hữu trở thành vô lực.

Một lần nữa chúng ta nhìn thấy hậu quả là cơn khủng hoảng uy quyền trong Giáo hội. Trước đây hàng giáo sĩ làm hết mọi chuyện, nhưng ngày nay khi thiếu các linh mục coi sóc các xứ đạo và các bệnh viện, nhiều tín hữu cảm thấy mình bị bỏ rơi và lạc lõng. Trước đây hàng giáo sĩ xem ra hoàn hảo, nhưng ngày nay dân chúng biết được rằng có một số linh mục uống rượu say sưa, lạm dụng tình dục và ham mê tiền của, nhiều tín hữu cảm thấy mình như bị lừa đảo và tức giận. Họ đã đặt hàng giáo sĩ lên bệ thờ quá lâu rồi đến nỗi họ không còn biết phải làm gì khi họ phát giác ra các linh mục cũng chỉ là những con người phàm tục như họ. Họ đã được quản trị mục vụ quá lâu rồi đến nỗi họ không còn biết phải thi hành mục vụ với nhau thế nào. Cơn khủng hoảng này là cơn khủng hoảng mục vụ.

Sau cùng, cơn khủng hoảng uy quyền trong Giáo hội đang trở thành cơn khủng hoảng uy quyền của Giáo hội. Giáo hội như một cộng đoàn các môn đệ được mời gọi trở thành sự hiện diện của Chúa Giêsu trong thế giới, ánh sáng chiếu trên đồi, ngọn đèn thắp sáng giữa màn đêm. Tuy nhiên, khi uy quyền trong Giáo hội bị giới hạn chỉ dành cho hàng giáo sĩ, uy quyền của toàn thể các tín hữu trong thế giới trở thành giảm thiểu. Giáo hoàng và các giám mục nói, thế giới ngoài Công giáo không cần lắng nghe, vì hàng giáo phẩm chỉ là thiểu số ít ỏi. Ngay cả đến người Công giáo cũng thường không lắng nghe, hoặc vì họ đồng ý và nghĩ rằng khi hàng giáo phẩm nói, họ có thể thụ động chẳng phải làm gì, hoặc họ bất đồng và nhận ra rằng hàng giáo phẩm cũng chẳng thể ép buộc họ.

Khi uy quyền trong Giáo hội được cơ chế hóa theo cách thức thời Đế quốc Roma, Giáo hội tạo được lợi điểm là vững bền và lâu dài, nhưng đồng thời phạm phải một yếu điểm là tập trung vào một số người ưu tú điều khiển. Bao lâu quần chúng không có quyền hành gì, lúc đó sức mạnh nằm trong tay hàng Giáo sĩ hành động nhân danh họ. Các cơ chế Giáo hội được điều động do các linh mục hoặc các tu sĩ, thường phục vụ các nhu cầu của những người nghèo khổ và tật bệnh, những ngưởi vô gia cư và thất học. Nhưng quyền lực theo hình kim tự tháp từ trên xuống dưới cũng đã cơ chế hóa tính thụ động nơi các tín hữu trong mục vụ của hàng giáo sĩ. Như vậy mặt sáng của Giáo hội đã chứa chấp mặt tối ngay phía sau rồi.

Ngày nay chúng ta thấy mặt tối trong khuynh hướng Công giáo muốn đồng hóa Giáo hội với các cơ chế, hoặc ngay với hàng giáo sĩ. Người Công giáo không nghĩ mình như một Giáo hội. Họ không nghe những lời Chúa như đang nói với họ, nhưng nói với các linh mục và các tu sĩ. Họ không đảm trách nhiệm vụ nào trong sứ mệnh của Giáo hội trong thế giới, nhưng thay vào đó, họ phó mặc cho các cơ chế Giáo hội mỗi ngày mỗi trở thành vô lực. Phải chăng đây không là nguyên nhân gây ra những suy yếu trầm trọng trong Giáo hội hiện nay?

Kỳ tới: Công giáo phi Kinh Thánh (Unscriptural Catholicism).

C�m ơn qu� vị, xin mời v�o trang sau đ�y:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • This page is powered by Blogger. Isn't yours?