Egypt Israel Oct 2007




Bấm nút "Download Now"
để cài Windows Media Player. 
Windows Media Player 11
Download Now

Windows Media Download Center
 

Friday, June 24, 2005

 

Đâu là linh đạo nền tảng cho Giáo hội? - Bài 4

(tiếp theo)

Vị trí then chốt của cầu nguyện

Hoàng Quý


Trước đại họa sóng thần: cả thế giới cầu nguyện

Chưa bao giờ tôi nhìn thấy trên truyền hình nhiều hình ảnh dân chúng thắp nến cầu nguyện hoặc các tu sĩ thuộc mọi tôn giáo cùng chung nhau cầu nguyện cho bằng những ngày vừa qua sau khi đại họa sóng thần ập xuống vùng Nam Á Châu. Từ Roma, Giáo chủ Gioan Phaolô kêu gọi thế giới cầu nguyện cho các nạn nhân. Rồi trong các thánh đường, các chùa chiền, các đền thờ, các tín hữu thuộc mọi tôn giáo đều hướng tâm hồn cầu nguyện cho vùng đất thiên tai ngập lụt khổ đau này.

Trước một trận thiên tai quá rộng lớn, quá to tát, quá hãi hùng, con người cảm nhận được thân mình quá bé bỏng, quá dòn mỏng, quá bất lực. Thái độ của con người giờ đây có thể là không tin có Thượng đế hoặc tin có Thuợng đế. Nếu không tin có Thượng đế, phải chăng con người cảm thấy thân phận mình lạc lõng, bèo bọt, trống rỗng, hoang mang và dằn vặt? Còn nếu tin có Thượng đế, con người chạy đến cầu khấn Ngài trợ giúp?

Đa số mọi người trên thế giới này đều có niềm tin vào một Đấng Thượng đế, thế thì tôi chắc rằng trong những ngày qua không ai không hướng lòng lên với Thượng đế và cầu nguyện cho những nạn nhân khốn khổ tại vùng đất đang bị vùi dập trong thiên tai. Và như vậy, trước đại họa sóng thần tại Nam Á, cả thế giới đi vào cầu nguyện. Cầu nguyện trở thành một phản ứng đồng cảm, chia sẻ và yêu thương gửi đến các nạn nhân của thiên tai.


Chưa bao giờ người ta viết về cầu nguyện nhiều như ngày nay

Cách đây khoảng sáu năm khi chúng tôi thiết lập chương trình cầu nguyện xin ơn chữa lành trên các làn sóng phát thanh tại Nam California, tôi đã dành ra khá nhiều thời giờ tìm hiểu các tài liệu sách báo viết về cầu nguyện để chuẩn bị bài vở cho các chương trình. Tôi vô cùng ngạc nhiên trước số lượng khổng lồ các sách báo viết về cầu nguyện ngay trên đất nước tiên tiến này. Hàng trăm cuốn sách viết về cầu nguyện đập vào mắt tôi. Đọc vào thư mục các tác giả viết về cầu nguyện, tôi phải kể tới hàng ngàn cuốn.

Điều gây ngạc nhiên cho tôi khi bước chân vào một tiệm sách Công giáo tại Costa Mesa, tôi thấy bầy bán cả các sách viết về Phật giáo với các tác giả như Đại La Lạt Ma, Thích Nhất Hạnh. Các tác giả này cũng đề cập nhiều về cầu nguyện. Không phải chỉ có các tu sĩ của các tôn giáo viết về cầu nguyện, tôi còn gặp được các nhà khoa học, các bác sĩ, các học giả, trong đó tôi chú tâm đến một cuốn sách mới xuất bản viết về cầu nguyện của Larry Kings, nhà bình luận tin tức nổi tiếng của đài CNN.

Gần kề với chúng ta ngày nay là một số tác giả viết về Tổng thống George W. Bush là một con người của niềm tin, của cầu nguyện. Ngay sau biến động 9-11-2001, Tổng thống Bush nổi bật là một nhân vật chính trị mà lại cầu nguyện chuyên cần. Ông quan niệm cuộc chiến chống khủng bố không phải chỉ mang ý nghĩa chiến tranh quân sự, nhưng hơn thế, là một cuộc chiến chống lại quỷ dữ, chống lại điều điều ác đang lan tràn trong thế gian.







Giáo hội tế tự: Giáo hội cầu nguyện

Nói đến Giáo hội Công giáo cầu nguyện, người ta hình dung ngay ra các thánh đường nguy nga với các nghi lễ uy nghi, với các phẩm phục trang trọng, với hàng giáo phẩm thành kính dâng lễ và với tràn đầy tín hữu đọc kinh, thờ kính. Nói đến cầu nguyện, người ta cũng còn hình dung ra các tu viện với các thầy dòng im lặng xếp hàng tiến vào nguyện đường ca hát chúc tụng Thiên Chúa. Giáo hội của Chúa Giêsu trở thành Giáo hội của tế tự, của cầu nguyện, của phụng vụ. Người ta thoáng nhìn thấy khung cảnh thiên cung, như sách Khải Huyền mô tả, trong các nghi lễ phụng tự của Giáo hội Công giáo.

Tuy nhiên, nhìn một các thực tế hơn, linh mục Morwood quan sát thấy đa số các tín hữu cho tới ngày nay vẫn kém hiểu biết về tu đức, về cầu nguyện. Đa số vẫn duy trì lối cầu nguyện hồi còn trẻ được dậy bảo rằng cầu nguyện là nói chuyện với Chúa, là xin ơn, là đọc kinh, là cảm tạ, là xem lễ. Lối cầu nguyện trong Giáo hội chú trọng tới các hình thức, các nghi lễ bề ngoài một cách thụ động hơn là hướng dẫn các tín hữu chủ động đi vào nếp sống thông hiệp với Thiên Chúa một cách sống động, gắn bó, thanh thoát.

Nhìn cụ thể vào Giáo hội, người ta nhận ra được bao nhiêu giáo sĩ, bao nhiêu tu sĩ, bao nhiêu giáo dân đi vào đời sống tận hiệp với Chúa trong Thánh Thể, trong Kinh Thánh, trong các công tác tông đồ, hoặc trong các công việc thường nhật trong gia đình, trong xã hội? Hình như đời sống cầu nguyện hoặc tận hiệp với Chúa kết thúc ngay sau khi bước chân ra khỏi thánh đường hoặc sau buổi đọc kinh hoặc sau khi đã xin đầy đủ mọi thứ ơn. Người ta cởi bỏ nếp sống cầu nguyện y như người ta cởi áo ra ngay sau khi về đến nhà. Nếp sống cầu nguyện và nếp sống thực tế bên ngoài là hai nếp sống tách biệt nhau.

Trong sách tiên tri Amốt, Thiên Chúa chán ghét những nghi lễ hình thức bề ngoài mà tâm hồn trống trải hoang lạnh với Ngài. Phải chăng Lời Chúa phán bảo trong sách Mikhai cũng đang được lặp lại với Giáo hội hiện nay: "Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào ĐỨC CHÚA đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn" (Mk 6:8)? Chính Chúa cũng đã lặp lại lời ngôn sứ Hôsêa: "Ta muốn lòng nhân chứ không phải của lễ" (Mt 9:13).



Linh đạo nền tảng của cầu nguyện: tâm hồn là Đền Thờ của Chúa

Trên Trang nhà Tiếng Nói Giáo Dân và tuần báo Maranatha, chúng tôi đã đề cập khá nhiều về cầu nguyện. Và trong bài lần trước, linh mục Morwood giới thiệu với chúng ta một hướng nhìn mới về cầu nguyện như một linh đạo nền tảng cho Giáo hội được tập trung trên lời Thánh Phaolô: "Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Chúa ngự trị trong anh em sao?" (1Cr 3:16)

Như vậy Giáo hội Công giáo ngoài nhiệm vụ cao cả là tế tự Thiên Chúa, Giáo hội còn nhiệm vụ trọng yếu khác nữa là hướng dẫn các tín hữu đi vào nếp sống thông hiệp với Chúa trong mỗi tâm hồn tín hữu. Tâm hồn mỗi tín hữu trở thành Đền Thờ của Thiên Chúa, là nơi Thánh Thần ngự trị. Làm thế nào cho các tín hữu thấu hiểu chân lý nền tảng này và sống thực sự với chân lý mặc khải này? Làm thế nào để Thánh Thần Chúa tác động trong mỗi tâm hồn tín hữu thực sự? Thiên Chúa là yêu thương, Thần Khí Chúa là yêu thương, thế thì tâm hồn người tín hữu phải cố công thể hiện nơi tâm hồn mình là một Đền Thờ của yêu thương. Muốn thể hiện được như vậy, điều quan trọng là mỗi tín hữu phải thường xuyên thông hiệp với Đền Thờ của mình bằng cầu nguyện, bằng thông hiệp với Chúa. Chúa và người tín hữu không còn phải là hai con người biệt lập, nhưng hiện giờ thấm nhập vào nhau. Tôi càng đánh mất đi chính mình, chính tự ái của mình, chính ích kỷ của mình, chính đam mê của mình và càng hướng tâm trí về Chúa, Thánh Thần Chúa càng biến đổi tôi trở thành linh thánh.

Lối sống cầu nguyện, tận hiệp với Chúa trong Đền thờ tâm hồn phải được thể hiện ra bằng cách cư xử yêu thương ngay trong gia đình, trong đoàn thể, trong cộng đoàn, trong Giáo hội. Không thể là một tâm hồn cầu nguyện, tận hiệp với Chúa trong đền thờ tâm hồn mà rồi mình lại ghen ghét, thù hằn, hãm hại, nói xấu, báng bổ đồng loại của mình.

Là người giáo dân, cảm tạ Chúa đã và đang hướng dẫn chúng tôi khám phá ra Thánh Thể trong tâm hồn, nơi bàn thờ đời sống, khi chúng ta cử hành Thánh Thể hay Thánh Lễ Thiêng Liêng. Chúng tôi đã trình bầy khá chi tiết đề tài này trên Tiếng Nói Giáo Dân và trên Maranatha. Có thể nói đây là hai cơ sở truyền thông đề cập về linh đạo giáo dân nhiều nhất. Xin mời quý độc giả tìm đọc. Phải chăng ngày nay Chúa đang đánh thức Giáo hội phải quan tâm đến việc cổ động cho việc cử hành Thánh Thể nơi đền thờ tâm hồn của 99% tín hữu của Chúa, hơn là chỉ chú trọng vào việc cử hành Thánh Thể nơi bàn thờ thánh đường, nơi người tín hữu thường chỉ đến đây một tuần trong vỏn vẹn một giờ?


Chúa Thánh Linh: thần lực của cầu nguyện

Thánh Phaolô đã cảm nhận được gì khi Ngài loan báo: "Thánh Thần Chúa ngự trị trong anh em" trong lá thư mục vụ gửi cho các tín hữu Corinthô? Con người có thể am hiểu, có thể diễn tả thật sâu sắc ý nghĩa siêu việt của cầu nguyện, nhưng bùng nổ sức mạnh của cầu nguyện trong con người lại là vai trò của Chúa Thánh Linh. Chúng ta hãy nhìn xem Chúa Giêsu trên dòng sông Giôđanô. Ngài bước xuống dòng sông trong tinh thần của một con người cầu nguyện và sám hối. Và Thánh Thần đã ngự xuống trên Ngài. Kể từ giây phút chính thức nhận lấy sứ mệnh lên đường cứu độ ấy, Thánh Thần đã đẩy Ngài vào sa mạc bốn mươi đêm ngày để cầu nguyện và chịu cám dỗ (xem Lc 4:2). Từ đây Thánh Thần hằng đi theo Ngài và tác động trên các hoạt động của Ngài.

Rồi sau khi Chúa Giêsu bị giết chết trên thập giá, các môn đệ sợ hãi rút vào sống ẩn náu trong căn phòng trên lầu. Và sau khi Chúa Giêsu sống lại, Ngài hiện ra với các ông và bảo các ông cứ ở đó chờ Ngài đến ban Thánh Thần cho các ông: "Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giê-su truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, 'điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần'" (Cv 1:4-5).

Và quả thật, trong ngày Lễ Ngũ Tuần, trong lúc các môn đệ đang tề tựu cầu nguyện, các ông được lãnh nhận tràn đầy Thánh Thần, như lời Chúa Cha đã hứa: "Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng lạ, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho" (Cv 2:1-4).

Kể từ giây phút bùng nổ Thánh Thần trong các ông ấy, cuộc đời và hoạt động của các ông hoàn toàn thay đổi. Đâu là thần lực biến đổi các ông toàn diện như thế, nếu không phải xuất phát từ Thánh Thần? Và như vậy, giờ đây chúng ta có thể thấu hiểu lời Chúa Giêsu đã công bố với nàng thiếu phụ Samaria: "Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem... Nhưng giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật" (Ga 4:21-24). Từ lời công bố này của Chúa Giêsu, chính ra Giáo hội phải đôn đốc, phải hun đúc các tín hữu đi vào thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật nơi tâm hồn hơn là thờ phượng trên núi hoặc nơi thánh đường. Đàng này Giáo hội trong suốt lịch sử lại chỉ chú trọng vào việc thờ phượng nơi thánh đường quan trọng hơn thờ phượng trong tâm hồn. Thảo nào đa số các tín hữu hiện nay chỉ biết cầu nguyện là đi xem lễ, lần hạt, đọc kinh và xin ơn, hơn là sống nối kết, sống tận hiệp với Chúa. Từ đây cuộc sống của họ chẳng được biến đổi bao nhiêu vì thiếu thần lực của Thánh Thần.

Chúng ta có thể nhận ra thần lực của cầu nguyện nhờ Thánh Thần tác động nơi một tín hữu khi họ thể hiện ra các hoa trái của Thánh Thần như Thánh Phaolô đã diễn tả: "Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín" (Gl 5:22). Những tín hữu được Thánh Thần tác động, họ thể hiện ra bên ngoài lòng nhân ái, từ tâm, an vui và trung tín, trong lúc những ai sống buông thả, dù họ là giới chức nào trong Giáo hội, họ không phải là con người của cầu nguyện, con người sống theo Thần Khí, nhưng sống theo xác thịt như Thánh Phaolô đã lên án: "Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa" (Gl 5:19-21). Phải chăng trong Giáo hội hiện nay không nhan nhản những chức sắc, những tín hữu sống buông thả theo xác thịt? Phải chăng cơn đại khủng hoảng lạm dụng tình dục trong Giáo hội hiện nay không đòi hỏi Giáo hội phải cải tiến nền linh đạo hiện hữu?


Cầu nguyện với Thánh Thể: tạ ơn - hiến tế - lên đường

Từ trước đến nay và mới đây Giáo hội cổ võ cho năm Thánh Thể. Thánh Thể được đề cao nhất như trung tâm đời sống của Giáo hội. Có thể nói Giáo hội Công giáo là Giáo hội của phụng vụ Thánh Thể. Phải chăng Giáo hội đã quá nghi lễ hóa Thánh Thể, quá trọng đại hóa Thánh Thể, quá cao siêu hóa Thánh Thể, trong lúc Chúa Giêsu lại cử hành Thánh Thể thật bình dị, thật cảm kích. Chúng ta thử nhìn xem hai lần Chúa cử hành Thánh Thể với các môn đệ. Trong bữa ăn Vượt Qua với các môn đệ trong phòng Tiệc Ly, thầy trò cùng ngồi một bàn ăn, và trong giờ phút cảm kích nhất trước khi từ biệt các ông bước vào cuộc tử nạn, Ngài muốn vĩnh cửu hóa sự hiện diện của Ngài ở với các ông, do đó Ngài đã cử hành nghi lễ Thánh Thể bằng việc Ngài bẻ bánh là chính thịt Ngài cho các ông ăn và trao chén rượu là chính máu Ngài cho các ông uống: "Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: 'Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.' Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: 'Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em'" (Lc 22:19-20).

Trong nghi thức cử hành Thánh Thể lần đầu này, việc đầu tiên Chúa Giêsu cử hành chính là tạ ơn Thiên Chúa. Như vậy mục đích chính yếu của Thánh Thể chính là chúc tụng, tạ ơn Thiên Chúa. Hình ảnh chúc tụng, tạ ơn này phai mờ nhiều trong các Thánh Lễ trọng thể với nhiều chức sắc phẩm trật mặc đủ loại phẩm phục. Người ta đánh giá Thánh Lễ lớn hay nhỏ tuỳ theo mức độ mời được nhiều linh mục đến đồng tế, tùy theo tiền xin lễ nhiều hay ít, hơn là việc huy động được nhiều tín hữu cùng đồng tâm chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa. Thánh Thể Chúa đã đang bị nhiều giới chức cũng như tín hữu trần tục hóa quá nhiều. Nhiều người dâng tiền xin lễ không phải để tạ ơn Thiên Chúa cho bằng để xin ơn, vì họ được dậy rằng Thánh Lễ là vô giá để độ trì họ.

Ý nghĩa quan trọng thứ hai của việc Chúa Giêsu cử hành Thánh Thể chính là việc hiến tế. Thịt và máu của Chúa không phải là máu thịt bình thường, nhưng là máu thịt đã được hiến tế. Không thể nói tới Thánh Thể mà lại không chú trọng đến ý nghĩa thâm sâu của việc hiến tế. Chúa Giêsu đã thực sự xả thân, hiến thân cho các môn đệ khi Ngài chấp nhận con đường vác thập giá và đổ máu trên đó để đem ơn cứu độ cho các ông cũng như cho chúng ta ngày nay. Thánh Thể đi liền với hiến tế. Con Chiên Thiên Chúa là Con Chiên bị sát tế. Thế thì trong phụng vụ Thánh Thể của Giáo hội, nếu người tín hữu chỉ nhìn thấy ở đó những nghi lễ trang trọng, những hình ảnh huy hoàng, những kêu gọi xin ơn mà rồi không cổ động cho các tín hữu chấp nhận hiến tế theo gương Chúa Giêsu bằng việc từ bỏ chính mình và xả thân cho người khác, quả thực nghi lễ Thánh Thể của chúng ta chỉ là bề ngoài, chỉ là hình thức và chỉ là giả mạo.

Và trong lần cử hành Thánh Thể lần thứ hai, Chúa Giêsu cũng ngồi đồng bàn với hai môn đệ tại làng Emmau thật giản dị và ấm cúng, Ngài cũng lặp lại cùng những động tác như lần đầu: "Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất" (Lc 24:30-31). Trong lần thứ hai này, nguyên việc Ngài bẻ bánh trao cho các ông, các ông đã nhận ra Ngài ngay. Lần này Thánh Thể không còn ở bên các ông nữa, nhưng đã biến mất. Thế nhưng lòng các ông đã tràn đầy lửa mến. Lập tức các ông đứng dậy và vội vã lên đường sứ mệnh trở về Giêrusalem làm chứng tá cho Thánh Thể.

Như vậy cầu nguyện với Thánh Thể hay với Thánh Lễ không đơn thuần chỉ xẩy ra trong Thánh Lễ, nhưng hơn thế còn có thể khai diễn bất cứ lúc nào trong cuộc sống. Thịt và máu Chúa Giêsu đã được chúc tụng và hiến tế, một khi đã thấm nhập vào tâm hồn người tín hữu, họ cũng phải trở thành của lễ tạ ơn và hiến tế theo gương Chúa Giêsu trong cả ngày sống, chứ không chỉ đơn thuần trong thánh đường. Người tín hữu trở thành Nhà Tạm, Lều Thánh, Đền Thờ của Thiên Chúa và nơi cư ngụ của Thánh Thần ở mọi nơi và mọi lúc. Như vậy rước lấy Thánh Thể là rước lấy sứ mệnh phải lên đường sưởi ấm gia đình, đoàn thể, cộng đoàn, Giáo hội cũng như xã hội: "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!" (Lc 12:49).

Ý nghĩa thâm sâu và thiết thực của Thánh Thể hay Thánh Lễ là thế đó, chứ không phải chỉ là những nghi lễ phụng vụ bên ngoài, hoặc lên rước lễ chóng vánh trong năm mười phút là xong việc hiệp lễ cho cả tuần lễ. Thiên Chúa mong muốn tình yêu thương chứ không phải của lễ. Ngài muốn xâm nhập, muốn tận hiệp với tâm hồn người tín hữu để Ngài trở thành giao ước mới của họ, giao ước của yêu thương, của cứu độ. Tiếp rước Thịt và Máu Chúa Giêsu vào trong tâm hồn để rồi con người mình không được biến đổi, quả thực Thánh Thể chưa trở thành giao ước mới cũng như ơn cứu độ cho con người. Như vậy mỗi lần tiếp rước Thánh Thể trong thánh đường hay trong tâm hồn, người tín hữu hãy nài xin Chúa Thánh Linh đến tác động để Thịt và Máu Chúa Giêsu biến đổi con người mình trở thành linh thánh và kiến hiệu hơn.


Cầu nguyện là nối dài bàn tay yêu thương và phục vụ như Mẹ Têrêsa.

Để kết thúc cho bài viết này, tôi xin mời quý độc già dừng chân chiêm ngắm hình ảnh cầu nguyện với Thánh Thể đầy hiệu lực của Mẹ Têrêsa Calcutta. Tôi chưa từng tìm gặp được một vị thánh nào hoặc một tác giả nào viết về Thánh Thể thâm thuý, đơn sơ và sống động hơn Mẹ Têrêsa Calcutta. Hàng ngày Mẹ cũng như các tu sĩ của Mẹ trên khắp thế giới dành ra ít nhất hai giờ cầu nguyện với Thánh Thể trước khi đi làm và sau khi đi làm về. Có thể Mẹ cũng như các tu sĩ của Mẹ không có cơ hội tham dự Thánh Lễ hàng ngày, nhưng giờ cầu nguyện trước Thánh Thể là điều tất yếu của quy luật Dòng cũng như truyền thống của Dòng Thừa Sai Bác Ái.

Nền tảng hay bí quyết của linh đạo của Mẹ chính là nhìn ra Thánh Thể Chúa Giêsu hiện diện nơi người khác như Đấng Hữu Hình. Nói các khác, Thánh Thể không là gì khác hơn nhìn ra sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu nơi người khác. Chúa Giêsu bị nghiền nát, bị vùi dập, bị tủi nhục, bị đớn đau không phải trong Nhà Tạm nơi thánh đường, nhưng ngay nơi những con người khốn khổ nhất của kiếp người. Mẹ và các tu sĩ của Dòng Thừa Sai Bác Ái sống cụ thể ngay từ bây giờ Lời Tin Mừng Chúa sẽ công bố vào ngày Chung Thẩm: "Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: 'Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han'" (Mt 25:34-36).

Biết bao nhiều lần tôi đã nghe và đọc đoạn Tin Mừng này, nhưng cho tới bây giờ, sau khi tôi đã viết về Mẹ Têrêsa bốn cuốn sách (Mẹ Têrêsa, biểu tượng của Tình thương, tập 1 & 2; Con Đường yêu thương; Mẹ Têrêsa, vị thánh của những kẻ khốn cùng), tôi mới thực sự hiểu thấu và cảm nghiệm được chiều kích chiêm ngắm uyên áo của Mẹ Têrêsa về Thánh Thể. Thánh Thể Chúa Giêsu không nằm bất động nơi Nhà Tạm trong nhà nguyện, nhưng cụ thể hơn, sống động hơn, thiết thực hơn đã cùng với Mẹ đi vào trần giới lầm than để phục vụ Ngài ở đó, để cầu nguyện với Ngài ở đó, để tận hiệp với Ngài ở đó. Mẹ đã nhìn thấy Đấng Vô Hình trở thành Như Hữu Hình nơi những con người khốn khổ nhất trần gian. Chính từ tầm nhìn thâm sâu về Thánh Thể như thế, do đó Mẹ và các tu sĩ Dòng Thừa Sai Bác Ái đã phục vụ những người nghèo khổ tận tình nhất, hy sinh nhất, can đảm nhất. Phải chăng nền linh đạo thiên về phụng vụ trong thánh đường của Giáo hội cần được xoay chiều đi vào phụng vụ nơi đời sống nhiều hơn? Quả thực Chúa Giêsu có xây dựng một ngôi thánh đường nào đâu, trong lúc Ngài đi lang thang, tất bật tìm kiếm những con người nghèo khổ nhất trần thế để cứu độ họ.

Giờ phút này tôi hiểu được lý do tại sao vào phút chót Chúa lại gọi tôi đi theo ơn gọi giáo dân. Nếu là linh mục, làm sao tôi có thể viết về cầu nguyện, về Thánh Thể như đối chọi với quan điểm truyền thống của Giáo hội dành mọi ưu thế cho Thánh Thể nơi thánh đường hơn là trong cuộc sống, nhất là cuộc sống của một giáo dân, như đứng bên lề một cách thụ động trong Giáo hội? Nếu linh mục, tôi phải dành mọi ưu thế trong việc cử hành Thánh Thể trên bàn thờ, thì là một giáo dân, tôi phải dành ưu thế cho việc cử hành Thánh Thể trên bàn thờ cuộc sống, trong cuộc đời tôi khi giao tiếp với đủ mọi loại người. Làm thế nào, như Mẹ Têrêsa, tôi phải tập luyện nhìn ra Thánh Thể Chúa hiện diện nơi mỗi người, kể cả những người tôi không ưa thích và nhất là nơi những người bất hạnh, để tôi xử đối yêu thương với họ?

Và như vậy, cầu nguyện, nhất là cử hành Thánh Thể chính là nối dài bàn tay yêu thương và phục vụ mọi người theo gương Chúa Giêsu và Mẹ Têrêsa Calcutta: "Cuộc sống của chúng ta được đan dệt thật nhiều bằng Thánh Thể. Chúng ta đặt niềm tin thâm sâu nơi Chúa Giêsu Thánh Thể. Nhờ niềm tin này, đâu còn gì khó khăn để nhìn ra Chúa Giêsu và đụng chạm tới Ngài đang cải dạng trong những con người nghèo khổ sầu thảm... Thánh Lễ là lương thực tâm linh nuôi dưỡng mẹ. Với không lương thực này, mẹ chẳng thể trải qua một ngày hoặc một giờ trong đời mẹ. Trong Thánh Lễ, mẹ nhìn ra Chúa Giêsu dưới hình dáng tấm bánh, trong khi đó, nơi các khu nhà ổ chuột, chúng ta nhìn ra Chúa Giêsu và đụng chạm tới Ngài nơi các thân xác tàn tật và nơi các trẻ em bị bỏ rơi" (Thánh Thể nơi bàn thờ đời sống).

Sau những giờ phút cầu nguyện và chiêm niệm Thánh Thể và Lời Chúa, các tu sinh và các cộng sự viên của Mẹ xuống phố chia sẻ kho tàng vô tận mình đã kín múc được từ Chúa Kitô. Các tu sĩ đi theo Chúa Kitô, Vị Thiên Chúa nhập thể để chính mình cũng trở thành Lời đi vào đời và cứu đời. Các tu sĩ đang thể hiện lời Thánh Gioan và Phêrô khi đứng trước những người ăn mày què quặt, ""Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi!" (Cv 3:6).

Một lần nữa tôi xin mượn lời Mẹ Têrêsa để kết thúc cho đề tài viết về vị trí then chốt của cầu nguyện trong Giáo hội. Chúng ta phải cám ơn Thiên Chúa đã ban cho thời đại chúng ta một quà tặng quý giá là Mẹ Têrêsa, khi Mẹ đã sống đời cầu nguyện thâm sâu và hiệu lực nhất trong Giáo hội và thế giới hiện nay. Mẹ khá gần gũi với chúng ta là những giáo dân đang lặn lội trong cuộc sống trần thế hôm nay. Ngày kia, một ký giả hỏi Mẹ, "Thưa Mẹ Têrêsa , Mẹ yêu thương những người mà bao người coi họ như những đồ hoang phế của nhân loại. Đâu là bí quyết yêu thương của Mẹ? Mẹ trả lời: "Bí quyết của tôi thật giản dị: Tôi cầu nguyện."

Trong cuốn "Con đường giản dị", Mẹ nêu cao địa vị quan trọng của việc cầu nguyện trong nền linh đạo của Mẹ và Dòng Thừa Sai Bác Ái: ”Mỗi sáng thức dậy, các nữ tu nhận thấy đôi khi công việc thật khó khăn để có thể vượt qua, thì cầu nguyện đã đem đến cho các nữ tu sức mạnh - cầu nguyện duy trì, nâng đỡ và đưa đến niềm vui phải hoàn thành những gì chúng tôi cần làm. Chúng tôi bắt đầu một ngày bằng cầu nguyện, bằng Thánh lễ và chúng tôi kết thúc một ngày bằng giờ Chầu Thánh Thể trước Chúa Giêsu. Chúng tôi liên tục cần đến cầu nguyện và ơn Chúa, nếu không, chúng tôi chẳng thể sống được.”

Những lời chia sẻ về cầu nguyện của Mẹ Têrêsa quả thật phong phú, rung động và thực tiễn đã được chúng tôi đề cập trong những cuốn sách viết về Mẹ, đặc biệt trong cuốn "Con đường yêu thương" đang được chúng tôi đăng trên Web Tiengnoigiaodan.net, Mẹ trình bầy thật tổng hợp nền linh đạo đơn giản (A simple Path) của Mẹ. Quý độc giả có thể tìm thấy nơi đây nền linh đao giáo dân Chúa đang muốn chúng ta thể hiện trong Giáo hội và giữa trần thế hôm nay. Xin mời quý độc giả tiếp tục đến tìm gặp Chúa và thiên ý của Ngài qua tác phẩm nhỏ bé này. Trân trọng tạm biệt quý độc giả.

Comments: Post a Comment

<< Trở về trang Mục Lục
C�m ơn qu� vị, xin mời v�o trang sau đ�y:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • This page is powered by Blogger. Isn't yours?