Egypt Israel Oct 2007




Bấm nút "Download Now"
để cài Windows Media Player. 
Windows Media Player 11
Download Now

Windows Media Download Center
 

Friday, June 24, 2005

 

Đâu là Linh đạo nền tảng cho Giáo hội? (bài 5)

Thánh Thể trong quán ăn Emmau



"Anh em hãy tự xét xem mình có còn sống trong đức tin hay không? Hãy tự kiểm điểm. Anh em chẳng nhận thấy là có Đức Giê-su Ki-tô ở trong anh em sao? Trừ phi anh em đã thua trong cuộc kiểm điểm này. Tôi hy vọng rằng anh em sẽ nhận thấy là chúng tôi đây không bị thua" (2Cr 13:5)



Giáo hội truyền thống: Thánh Thể của phụng vụ = linh đạo phụng vụ

Chúng ta đang sống vào thời kỳ cao điểm của năm Thánh Thể, một năm Giáo hội Công giáo cổ võ mọi tín hữu trên khắp hoàn vũ tìm về cử hành phụng vụ Thánh Thể, và nhất là sống với Thánh Thể. Thánh Thể trở thành trung tâm của đời sống Giáo hội cũng như nơi tâm hồn các tín hữu.

Thường xuyên Giáo hội Công giáo vẫn được coi là Giáo hội của phụng vụ, nhất là phụng vụ Thánh Lễ. Thánh Lễ đã chiếm phần then chốt trong phụng vụ của Giáo hội Công giáo. Hầu như tất cả mọi sinh hoạt của Giáo hội đều dẫn đến trọng điểm cuối cùng là phụng vụ Thánh Lễ. Nói cách khác, hầu như tất cả mọi sinh hoạt của Giáo hội đều phát xuất từ Thánh Lễ. Quả thực Giáo hội đã xây dựng được khung cảnh phụng vụ thiên cung ngay trên trần gian này trong Thánh Lễ như sách Khải Huyền mô tả. Mới đây chính Giáo chủ Gioan Phaolô cũng đã nhắc lại cho chúng ta như thế: "Thánh Lễ chính là một thiên cung trên trái đất , nghĩa là khi chúng ta cử hành nghi lễ phụng vụ này, chúng ta được tham dự một cách huyền diệu vào nghi lễ phụng vụ trên thiên cung."

Còn gì hân hoan hơn sau cả một tuần lễ xa cách nhau, giờ đây mọi tín hữu trong cộng đoàn cùng tề tựu nhau nơi thánh đường cử hành phụng vụ Thánh Lễ. Làm sao chúng ta quên được khung cảnh vừa hân hoan vừa trang trọng khi mọi người cùng cất tiếng hát mở đầu Thánh lễ: "Chúng con về nơi đây dâng ngàn tiếng ca. Chúng con về nơi đây để tạ ơn Thiên Chúa..."? Thật là một Giáo hội vinh quang, một Giáo hội chiến thắng, một Giáo hội hiệp nhất!

Giáo hội với truyền thống lâu đời đã tập trung phụng vụ nơi Thánh Lễ và Thánh Thể. Từ đây chúng ta có một nền tu đức hay một linh đạo phụng vụ đề cao việc tế tự hoặc thờ phượng Thiên Chúa. Mỗi chúng ta đều có những hình ảnh và những ý tưởng về Thiên Chúa cũng mối liên hệ giữa chúng ta với Ngài, như vậy, linh đạo ở đây được hiểu là "cách thức chúng ta để cho những hình ảnh và những ý tưởng này hướng lái lối sống của chúng ta" (Morwood). Bởi vì Giáo hội chúng ta chú trọng vào công việc tế tự hoặc phụng vụ, từ đây lối giao tiếp của chúng ta với Thiên Chúa thiên về thờ phượng, về lễ lậy, về nghi lễ. Như thế linh đạo của chúng ta có thể được gọi là linh đạo phụng vụ. Đi đạo đồng nghĩa với đi nhà thờ, đi xem lễ, đọc kinh. Thờ phượng Thiên Chúa tập trung tại thánh đường như một Giáo hội thờ phượng, Giáo hội tế tự.


Giáo hội vào đời: Thánh Thể trên bàn thờ đời sống = linh đạo hiệp thông

Từ trước tới nay Giáo hội đề cao và cổ võ cho phụng vụ Thánh Thể hay linh đạo thờ phượng nơi thánh đường. Tất cả mọi sinh hoạt được tập trung về đây và cũng kết thúc từ đây. Thánh lễ gần xong, nhiều người đã nhấc nhổm đứng dậy bước chân ra khỏi thánh đường như sắp thi hành xong một nhiệm vụ bắt buộc. Việc thờ phượng Thiên Chúa được dàn dựng trong một giờ đồng hồ cho cả một tuần lễ. Dĩ nhiên những người mang trọng trách điều hành Giáo hội đâu muốn nhìn thấy những quang cảnh này, và chính Thiên Chúa càng không ưa thích các con cái của mình thờ phượng mình vội vã và ngắn ngủi như thế, nhưng thực tế lại xẩy ra với nhiều tín hữu như vậy. Càng ngày người ta càng rơi vào tình trạng thờ phượng hình thức, thờ phượng do lề luật đòi buộc.

Không hài lòng với lối con người thờ phượng mình nơi thánh đường một cách hình thức, chiếu lệ hoặc vụ lề luật, Thiên Chúa đã sai Người Con Duy Nhất của Ngài đi vào trần thế để hướng dẫn con người cách thức tôn thờ mới: b>tôn thờ Thiên Chúa trong thần khí và sự thật (Ga 4:23). Chúa Giêsu đã đến đổi mới lề lối thờ phượng của Cựu Ước bằng Tân Ước. Ngài không đến phá hủy Cựu Ước, nhưng Ngài đến hoàn thiện Cựu Ước bằng Tân Ước. Cựu Ước thờ phượng Thiên Chúa bằng hiến tế máu loài vật, còn Tân Ước thờ phượng Thiên Chúa bằng hiến tế chính Máu Người Con Chí Ái. Cựu Ước thờ phượng Thiên Chúa trong đền thờ, còn Tân Ước thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật.

Với sứ mệnh đi vào đời thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, Chúa Giêsu đã không ngơi nghỉ suốt ba năm đem Thánh Thể mình đến với mọi người. Những người bất hạnh và khổ sở nhất là những người được Ngài chiếu cố nhiều nhất. Thánh Thể Ngài vực họ dậy từ những thương đau, những buồn tủi, những khổ sở để họ hướng nhìn lên trời cao tạ ơn Thiên Chúa: "Ta đến để chúng được sống và sống dồi dào" (Ga 10:10). Ngài không lập phép Thánh Thể trong thánh đường, nhưng trong phòng Tiệc Ly và cũng thế, Ngài bẻ bánh cho hai môn đệ ngay trong quán ăn Emmau để Ngài mở ra một triều đại mới của việc thờ phượng Thiên Chúa: thờ phượng ngay trên bàn thờ đời sống trong từng phút giây của cuộc đời. Nơi đâu cũng có thể trở thành bàn thờ phụng thờ Thiên Chúa. Hơn là những nghi lễ bề ngoài, chính yếu thờ phượng Thiên Chúa phải là hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn.

Thánh Thể đã đi vào đời để mở ra một linh đạo mới thờ phượng Thiên Chúa ngay trong đền thờ cuộc sống mỗi người tín hữu. Thánh Thể Giêsu đã đi tới gặp gỡ các môn đệ tiên khởi và các ông đã được biến đổi để bỏ lại mọi sự và bước đi theo Ngài. Thánh Thể Giêsu đã gặp gỡ nàng thiếu phụ Samari và nàng đã được biến đổi trở thành kẻ loan báo Tin Mừng ngay lập tức. Thánh Thể Giêsu đến mở mắt cho người mù, chữa lành bệnh cho người phong cùi, cứu sống đứa con của bà góa Naim... để họ cùng tán dương Thiên Chúa. Tóm lại Thánh Thể Giêsu đã đi vào mọi ngóc ngách cuộc đời để biến cuộc đời mỗi người trở thành bàn thờ ca ngợi Thiên Chúa. Mọi nơi và mọi lúc, người tín hữu của Chúa Giêsu đều có thể nối kết, tận hiệp hiệp với Thánh Thể Giêsu để Ngài biến hóa các tâm tư, các suy nghĩ, các hành động của mình thành linh thánh, thành lễ tạ ơn Thiên Chúa.

Chúng ta học được gì nơi Thánh Thể Giêsu khi Ngài có thể cầu nguyện cũng như ngước mắt tạ ơn Thiên Chúa bất cứ nơi đâu hoặc bất cứ hoàn cảnh nào, điển hình như trong quán ăn Emmau. Cuộc sống mỗi tín hữu chiếm tới 99% thời giờ sống ở ngoài thánh đường, thế thì người tín hữu cũng phải học sống linh đạo của Ngài ngay trong cuộc sống của mình, trong tâm hồn mình, trong gia đình mình, trong nơi mình làm việc: thờ phượng Thiên Chúa ngay ở những nơi này. Ở đây một lần nữa tôi xin vinh danh linh đạo Thánh Thể của Mẹ Têrêsa, người đã nhìn ra Thánh Thể Giêsu hiện diện sống động nơi mọi người và Mẹ sống gần gũi với Thánh Thể Giêsu hơn ai hết. Cuộc đời Mẹ đã trở thành giờ chầu Thánh Thể kéo dài suốt cuộc sống.

Cảm tạ Chúa Thánh Linh đang hướng dẫn tôi viết lên những cảm nghĩ về Thánh Thể trong đời sống tôi chưa từng được hướng dẫn như thế từ trước tới nay. Làm thế nào tôi có thể sống thực sự với linh đạo tận hiệp với Thánh Thể Giêsu trong mọi nơi và mọi lúc ngay trong cuộc sống của tôi? Phải chăng đó là ý nghĩa đích thực của việc thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và chân lý và Chúa Cha đang tìm kiếm các tín hữu thờ phượng Ngài như thế (Ga 4:23)?


Ý nghĩa của việc cử hành Thánh Thể hay Thánh Lễ:


Tạ ơn trong đời sống?

Như trong bài lần trước chúng tôi đã trình bầy, việc thờ phượng Thiên Chúa trọng đại nhất được thể hiện nơi Thánh Lễ. Thánh Lễ chính là một nghi lễ trang trọng nhất tạ ơn Thiên Chúa. Tất cả cộng đồng dân Chúa cùng nhau họp mặt dâng lên Thiên Chúa những lời chúc tụng, ca ngợi nồng nhiệt nhất. Thánh Lễ đã được các thánh giáo phụ mô phỏng theo hình ảnh thờ phụng Thiên Chúa trên thiên cung diễn tả trong sách Khải Huyền. Thánh Lễ chính là lúc toàn dân Chúa cùng mời triều thần thánh trên thiên cung dâng lên Thiên Chúa những lời chúc tụng cao đẹp nhất dâng lên Thiên Chúa: "Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh. Trời đất đầy vinh quang Chúa. Hoan hô Chúa trên các tầng trời."

Khung cảnh diễn tiến Thánh Lễ không còn mang tích chất thuần túy trần thế nữa, nhưng giờ đây đã được nâng cấp vào khung cảnh của thiên cung. Lời kinh Tiền Tụng trong Thánh Lễ chính là lời chúc tụng của triều thần thánh trên thiên cung chúc tụng Thiên Chúa. Giáo hội trần thế được hội nhập vào Giáo hội thiên cung cùng chúc tụng, tạ ơn Thiên Chúa. Và như vậy còn việc chúc tụng và tạ ơn nào cao đẹp và trang trọng hơn trong Thánh Lễ?

Việc chúc tụng và tạ ơn Chúa không chỉ đơn thuần là việc tế tự trong thánh đường, nhưng hơn thế, việc chúc tụng và tạ ơn Chúa phải trở thành thường xuyên ngay trong đời sống. Làm thế nào mỗi tín hữu nhìn ra được "tất cả đều là ân huệ của Thiên Chúa," từ những chuyện tốt đẹp hay những bất hạnh xẩy tới? Nền tảng của thần học Kitô giáo nằm ở ý nghĩa của ơn thánh này. Đây là ý nghĩa đích thực của việc Thánh Thể Giêsu nhập thế và dâng hiến chính Thịt Máu mình làm lễ tạ ơn Thiên Chúa trên thập giá để đem ơn cứu độ đến cho con người. Lễ tạ ơn cao cả nhất đã được Thánh Thể Giêsu thực hiện ngay trên thập giá giữa đồi Golgota. Và kể từ đây, tất cả mọi sự đều có thể trở thành ân huệ của Thiên Chúa cho những ai thông hiệp với Thánh Thể Giêsu. Và cũng kể từ đây, bất cứ ai tận hiệp với Chúa Giêsu để tạ ơn Chúa Cha, chính là một lần cử hành Thánh Lễ Thiêng Liêng ngay trong cuộc sống của mình hàng ngày. Thánh Lễ không còn là việc tạ ơn được cử hành trong thánh đường một tuần một lần nữa, nhưng được cử hành bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào người tín hữu lắng đọng tâm hồn, ngước mắt lên cao hoà nhập vào khung cảnh thiên cung của Thánh Lễ, để cùng mời triều thần thánh và Giáo hội dâng lên Thiên Chúa lời kinh tán tụng: Thánh Thánh Thánh...

Thánh Thể đi vào đời sống chúng ta như chính Chúa Giêsu khi xưa đi vào lòng đời tại Palestine. Làm thế nào để mỗi tín hữu nhận ra được Ngài và ân huệ của Ngài để rồi sau đó chúng ta tạ ơn? Phải, để tạ ơn Thiên Chúa, điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra được ân huệ của Ngài. Nàng thiếu phụ Samari đứng trước mặt Chúa Giêsu đó, một nguồn mạch của ân huệ, nhưng nàng đâu có nhận ra Thánh Thể Ngài. Chính vì thế nàng đã buông ra những lời nói thách thức Ngài. Và Chúa Giêsu bình thản khai mở nhãn quan cho nàng: "Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa và người đang nói nói chị là ai..?"(Ga 4: 10). Phải chăng lời nói ấy ngày hôm nay Ngài vẫn tiếp tục nói với mỗi tín hữu của Ngài trong Giáo hội hôm nay? Người ta nhìn ra Thánh Thể trong thánh đường, nhưng mấy ai nhìn ra Thánh Thể và ân huệ của Thánh Thể khi phải đối diện với những thử thách, những lắng lo, những buồn tủi, những khổ đau, những thất bại, những chán nản, những tuyệt vọng? Và nếu không nhìn ra ra được Thánh Thể và ân uệ của Ngài ở đó, làm sao chúng ta có thể tạ ơn Ngài? Phải chăng Giáo hội không cần đào sâu và cổ võ cho linh đạo tạ ơn Thiên Chúa thường xuyên trong cuộc sống? Và Chúa Cha đang đi tìm kiếm những tín hữu thờ phượng Ngài như thế!


Hiến tế trong cuộc sống?

Trên hành trình Emmau, Thánh Thể Giêsu đi bên cạnh hai môn đệ thân yêu, thế nhưng các ông vẫn không nhìn ra Ngài. Các ông sống gần gũi với Ngài trong suốt ba năm trời, thế mà giờ đây cặp mắt các ông vẫn mù lòa trước Thánh Thể của Ngài. Và đây là ưu tư của chúng ta là tại sao Giáo hội tập trung vào việc cử hành Thánh Thể trong thánh đường hơn là cử hành Thánh Thể trên đường lữ hành? Và đích thân Thánh Thể Chúa Giêsu đã phải xuống đường để khai mở ra một linh đạo mới là cử hành Thánh Thể ngay trên bàn thờ trong quán ăn. Chỗ nào cũng có thể là nơi người tín hữu tạ ơn Thiên Chúa và hiệp thông với hy lễ của Thánh Thể Giêsu. Thánh Thể Giêsu đi vào đời để biến đổi đời, để cứu độ đời.

Thánh Lễ hay Thánh Thể không có hiến tế đi kèm, không thể gọi là Thánh Lễ hay Thánh Thể được. Khi Chúa Giêsu đến cử hành Thánh Lễ tạ ơn và hiến tế tại trần gian, chính là Ngài đã chấp nhận hiến tế chính mình. Thánh Thể Ngài trở thành thịt con chiên nuôi dưỡng con người với sức sống tâm linh và Máu Ngài đổ ra để rửa sạch tội lỗi con người và đem ơn cứu độ đến cho con người, còn Giáo hội chúng ta và chính chúng ta cử hành Thánh Lễ thế nào? Chúng ta có chấp nhận đánh mất đi chính mình, uy thế của mình, danh lợi của mình, sự an cư của mình, sự phú cường của mình, hay ngược lại, chúng ta lợi dụng Thánh Lễ để củng cố thêm quyền lợi cho mình, uy thế cho mình, an nhàn cho mình, địa vị cho mình? Thay vì đi vào đời đem ơn cứu độ của Chúa đến cho đời, chúng ta hình như lại sống nhờ đời cứu độ chúng ta, hoặc ăn bám vào đời, thỏa hiệp với đời và quỵ luỵ đời bằng đời sống ham chuộng vật chất, danh lợi, uy quyền và thú vui của chúng ta?

Nhìn vào Giáo hội hôm nay chúng ta nhìn thấy gì? Có bao nhiêu linh mục, có bao nhiêu tu sĩ, có bao nhiêu giáo dân theo gương Thánh Thể Giêsu rảo bước trên đường chiều Emmau ảm đảm với những con người đang lung lạc niềm tin? Có bao chủ chiên hoặc tín hữu đi tìm những người bất hạnh để đem đến cho họ lời chúc lành của Bát Phúc hay ngược lại, sau Thánh Lễ, từ chủ chiên cho tới các con chiên vui thú với những chiếc xe hơi mới lộng lẫy và những bữa ăn thịnh soạn bên người thân quen? Còn đâu hình ảnh hiến tế của con chiên bị sát tế? Còn đâu hình ảnh hiến tế của Thánh Thể Giêsu đổ máu ra cứu độ chúng ta, để ngày hôm nay chúng ta lại sống vinh quang, sống an nhàn, sống phè phỡn trên thập giá của Ngài? Hình ảnh hiến tế hầu như biến mất trong các Thánh Lễ, nhất là trong những Thánh Lễ trang trọng. Thánh Thể trong Giáo hội cơ cấu hình như đi ngược chiều với Thánh Thể trên đường về Emmau của một Thiên Chúa trở thành kẻ lữ hành tìm đến uỷ lạo con người.


Lên đường sứ mệnh giữa trần thế

Hình ảnh Thánh Thể Giêsu đi cùng với hai môn đệ trên đường Emmau và biến mất sau khi bẻ bánh tại quán ăn, vẫn làm tôi rung động. Thánh Thể Giêsu thực tế đi vào
cuộc đời như thế đó. Ngài không muốn ngồi chờ con người tìm đến với Ngài, nhưng chủ động hơn, Ngài cùng lên đường để khích lệ niềm đau của các ông, hướng dẫn Kinh Thánh và kiên vững niềm tin cho các ông. Và sau cùng, Ngài ban Thánh Thể của Ngài cho các ông, để liền lập tức các ông lên đường trở về Giêrusalem làm chứng tá cho tin Mừng Phục sinh của Thánh Thể Giêsu. Thánh Thể trở thành sức mạnh cho các ông lên đường sứ mệnh loan báo và làm chứng tá cho Tin Mừng về một Thánh Thể Phục Sinh.

Cảm tạ Chúa Thánh Linh, nhờ những cảm nghiệm vừa rồi, tôi nhận ra từ trước tới nay tôi chưa noi gương đủ hai môn đệ Emmau sau khi lãnh nhận Thánh Thể Giêsu, các ông vội vã lên đường loan báo Tin Mừng và nhất là làm chứng tá cho Tin Mừng. Việc tiếp nhận Thánh Thể hàng tuần hoặc rước lễ thiêng liêng trong ngày chưa biến đổi được bao nhiêu tâm tư, suy nghĩ và các hoạt động của tôi. Thánh Thể Giêsu với tôi cũng như đa số tín hữu Công giáo chỉ được nhấn mạnh trong khung cảnh Thánh Lễ hoặc thánh đường hơn là chiều kích đem Thánh Thể Chúa Giêsu cùng hành trình với mình trong cuộc sống? Tôi có xử đối với những người thân trong gia đình, với bạn bè, với anh chị em trong đoàn thể, trong cộng đoàn hay với những người chung quanh hoặc với những ai tôi gặp ngoài xã hội, bằng trái tim khoan dung, yêu thương, tha thứ, độ lượng và hiến thân như Thánh Thể Giêsu không? Thánh Thể Giêsu có chi phối các suy tư, các tình cảm, các hành động của tôi không? Tôi thiển nghĩ, ý nghĩa uyên áo của Thánh Thể là thế đó, hơn là quá đề cao Thánh Thể trên bàn thờ mà không cổ võ cho tôn sùng Thánh Thể nơi chính tâm hồn mỗi tín hữu. Thánh Thể đem ơn cứu độ, đem hạnh phúc đến cho con người, như vậy phải chăng Thánh Thể Giêsu muốn trở thành thần lực cho con người trong cuộc sống chứ đâu phải chỉ trong thánh đường? Có lẽ tầm nhìn của Giáo hội cần xoay hướng về đem Thánh Thể vào cuộc sống nhiều hơn là chỉ trong thánh đường, như Thánh Thể Giêsu đã thực hiện trong quán ăn Emmau!

Đạo của Chúa là đạo loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng, thế nhưng trên thực tế, đạo của Chúa lại đặt trọng tâm hầu như tất cả vào việc tôn thờ, vào phụng vụ, vào nghi lễ và hầu như chểnh mảng, lơ là loan báo Tin Mừng theo đại lệnh truyền Chúa đã ban hành: "Các con hãy đi rao giảng cho muôn dân..." Nhìn vào thực tế hàng tuần, ngoài việc lo cho Thánh Lễ, chúng ta có những chương trình, những hoạt động gì cho truyền giáo, cho loan báo Tin Mừng cho chính người Công giáo cũng như người không Công giáo? Một bài giảng của linh mục trong thánh lễ chừng 15 phút đã đủ sao? Đấy là chưa nói tới một số linh mục chả đề cập gì tới rao giảng Lời Chúa hoặc chỉ lơ thơ vài câu? Sách vở cũng như báo chí Công giáo phát hành thật ít ỏi và hầu như không có mặt ở những tiệm sách ngoài đời, trong khi đó những sách báo của Phật giáo lại tràn lan. Ở đây tôi phải nhắc tới những sách của Đức Đại La Đạt Ma và thiền sư Thích Nhất Hạnh, không những có mặt đầy đủ tại các tiệm sách Việt Nam, nhưng trong ngay cả những nhà sách Mỹ và đặc biệt đã xâm nhập vào một số nhà sách Công giáo. Không biết những nhà lành đạo tinh thần của chúng ta có biết những sự kiện này không? Chúa Giêsu dậy một đàng là hãy tôn thờ Thiên Chúa trong Thần khí và Sự thật, chúng ta lại hướng Giáo hội đi theo một ngả khác!

Về phương diện truyền thông, trong thời gian qua, anh em giáo dân nhảy ra hoạt động trong lãnh vực này khá năng nổ, nhưng rồi thiếu sự ủng hộ của hàng giáo phẩm, truyền hình Ánh Sáng Niềm Tin đã mai một. Tuy nhiên các chương trình phát thanh lại phát triển mạnh mẽ. Hiện nay tại Orange, có khoảng hơn mười chương trình phát thanh người Công giáo đảm trách, trong đó có hai chương trình do linh mục điều khiển do cộng đồng đóng góp, tuy nhiên nội dung chưa thể hiện được nhiều tinh thần loan báo Tin Mừng. Mọi người đều nhìn nhận các chương trình của Tin Lành vượt xa. Theo nhiều người nhận xét, chúng ta còn thiếu những linh mục có tâm hồn đạo đức thâm sâu và có sức sống tâm linh lôi cuốn. Trong khí đó những chương trình của giáo dân hoàn toàn tự túc và có những chương trình khả quan hơn hai chương trình chính thức mang danh nghĩa Giáo hội và hầu như không có một linh mục nào yểm trợ tinh thần cả, hơn thế nữa, có linh mục nói trước công chúng là không nên nghe những chương trình này!

Và sau cùng, sứ mệnh của người tín hữu khi đã lãnh nhận Thánh Thể Chúa trong thánh lễ chính là lên đường sứ mệnh tông đồ. Giáo hội Công giáo nổi tiếng là Giáo hội bác ái, vị tha. Và quả thực thế, hàng tuần vẫn có một số địa điểm nuôi ăn những người vô gia cư hoặc những nhóm đi thăm những người già cả, bệnh tật, bị con cháu bỏ rơi trong các nhà dưỡng lão, nhà thương. Có những nhóm chia nhau đi thăm những người gặp rắc rối trong gia đình, những người bệnh hoạn, những người chán nản thất vọng để đem tình thương của Chúa đến uỷ lạo họ hoặc chữa lành họ. Văn phòng Giới trẻ Công giáo cũng có chương trình đi thăm lao xá hàng tháng. Nổi hiện nay phải kể đến những chương trình từ thiện to lớn trong cộng đồng, điển hình như Hội Bạn Người Cùi, Help the Poor, Phanxicô, Bác ái Vinh Sơn... Tuy nhiên, về lãnh vực chính trị, hoặc xã hội cộng đồng, giới Công giáo lại như né tránh. Ngay cả những việc yểm trợ cho Phật giáo, Hòa Hảo, Tin Lành và cả Công giáo nữa đang đấu tranh cho tự do tôn giáo tại Việt Nam, giới Công giáo tỏ ra thật thụ động. Trường hợp linh mục Nguyễn Văn Lý bị vào tù ra khám, hàng giáo phẩm rửa tay, ít nhất quý ngài có thể hô hào các tín hữu cầu nguyện cho một người xả thân cho Giáo hội, và cho tới nay ít ai dám xả thân tranh đấu cho Giáo hội như thế đó, dù cho cá nhân cha có những lỗi lầm cần sửa chữa. Tình yêu của Chúa Thánh Thể đến trần gian để cứu chữa những người tội lỗi, hư hỏng, chứ đâu phải đi tìm kiếm những người hoàn thiện. Và xét cho cùng, mấy ai trong Giáo hội hiện nay, kể hàng giáo phẩm, dám vỗ ngực mình hoàn thiện? Mình không yêu thương anh em, săn sóc con cái mình, mình giảng Bát Phúc cho ai nghe đây? Chứng từ của mình thiếu yêu thương anh em trong nhà, làm sao nói tới yêu thương người khác theo tinh thần của Thánh Thể Giêsu?

Liên hệ với những công việc xã hội trong Giáo hội hiện nay, tôi có dịp gặp một vài anh chị đang hoạt động năng nổ trong các tổ chức từ thiện kể trên, và sau khi ca ngợi những thành quả tốt đẹp của các hội từ thiện này, tôi đi thẳng vào câu hỏi, khi anh chị thiết lập các hội này, cũng như ngày nay đang hoạt động thật hăng say, thế thì các anh chị có đi theo một nền tảng tu đức hoặc linh đạo nào không hay chỉ do sự thôi thúc của tình thương? Trước câu hỏi bất ngờ của tôi, các anh chị trả lời thật vu vơ hoặc chẳng trả lời gì. Có lẽ các anh chị định nhờ một linh mục trả lời thay. Mục tiêu tối hậu của các hoạt động từ thiện, bác ái hoặc chữa lành bệnh chính là loan báo Tin Mừng và làm vinh danh Chúa. Và như vậy, những hoạt động bác ái, hoặc chữa lành là những phương thế hiệu năng nhất đưa mọi người đến với Chúa, đến với Tin Mừng. Điều trớ trêu hiện nay là mọi hoạt động bác ái, chữa lành, văn hóa đều nhằm mục tiêu là loan báo Tin Mừng và làm sáng danh Chúa, nhưng trên thực tế, một số các đoàn thể này lại có những tranh dành, những kèn cựa, những đè bẹp nhau, như vậy không hiểu chúng ta loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng yêu thương ở đâu? Những người làm việc thật tích cực, thật sốt sắng, thế rồi mải mê với công việc để rồi không có thời giờ nghĩ đến Chúa, cầu nguyện với Chúa, sống Tin Mừng của Chúa, như vậy làm sao họ hưởng Bát Phúc của Chúa để rồi đem Bát Phúc ấy đến cho người khác?

Để kết thúc cho bài này, một lần nữa, đề cập về đế tài sống với Thánh Thể Giêsu trong các công tác bác ái, xã hội hoặc văn hóa, tôi nghĩ ngay đến Mẹ Têrêsa Calcutta, một gương mẫu của thời đại đi vào hoạt động. Mẹ hoạt động thật lẫy lừng và cho tới nay không ai qua mặt được Mẹ, chính vì Mẹ khởi đầu công tác xã hội, tiếp tục công tác hàng ngày và cho tới nay hàng chục ngàn người tiếp tục đi theo con đường của Mẹ, tất cả đều sống theo một linh đạo chắc chắn được chúng tôi trình bầy thật rõ ràng trong cuốn "Con đường yêu thương" đã được xuất bản và đăng trên tiengnoigiaodan.net. Linh đạo này đi theo 6 bước: thinh lặng - cầu nguyện - tin tưởng - yêu thương - phục vụ - bình an (hạnh phúc). 6 bước này được Mẹ gói trọn trong việc sống với Thánh Thể Giêsu. Mẹ là người sống với Thánh Thể trong quán ăn Emmau hơn ai hết, vì Mẹ sống với Thánh Thể suốt ngày đêm. Mẹ nhìn thấy Thánh Thể Giêsu nơi mọi người và đối xử với họ như đối xử với Thánh Thể Giêsu. Và như vậy, những nhà lãnh đạo trong các tổ chức bác ái, chữa lành hoặc văn hóa, không thể chạy theo những hoạt động năng nổ bên ngoài và đặt những mục tiêu bên ngoài hoặc cá nhân lên trên mục tiêu cuối cùng là loan báo Tin Mừng và làm vinh danh Thiên Chúa được. Muốn thế, tất cả các hội này, các tổ chức này, các cá nhân này cần theo đi theo một linh đạo vững vàng theo gương Mẹ Têrêsa.

Vâng, Thánh Thể Giêsu Emmau phải là điểm khởi hành cho con đường sứ mệnh của Giáo hội ngay từ khởi điểm, trong diễn trình hoạt động và cho tới lúc kết thúc hoạt động khi gặp được chính Thánh Thể trên thiên cung, để cùng triều thần thánh trên trời cử hành Thánh Lễ thật trọng thể: "Thánh Thánh Thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh..." Hạnh phúc của mọi tín hữu và nhất là những người năng nổ hoạt động là có Thánh Thể Giêsu cùng đồng hành. Không nắm được chân lý uyên thâm này, kể ra mọi công tác sẽ trở thành phù du và cuộc đời người tín hữu vẫn dật dờ theo chiều gió và theo định luật sa thải của thời gian. Amen.

Comments: Post a Comment

<< Trở về trang Mục Lục
C�m ơn qu� vị, xin mời v�o trang sau đ�y:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • This page is powered by Blogger. Isn't yours?