Egypt Israel Oct 2007




Bấm nút "Download Now"
để cài Windows Media Player. 
Windows Media Player 11
Download Now

Windows Media Download Center
 

Thursday, June 23, 2005

 

TẠI SAO LÀ CÔNG GIÁO? Bài 1

(Why Be Catholic?)

Hoàng Quý

Trong tháng tư vừa qua, chúng ta trải qua hai sự kiện mang tính chất lịch sử quan trọng trong Giáo hội và vang lừng khắp thế giới, đó là tang lễ của Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lễ Đăng Quang của Tân Giáo Hoàng Bênêdictô VI. Chưa bao giờ truyền thông và dư luận thế giới hướng về Vatican dồn dập như trong thời gian qua. Chưa có một tang lễ dành cho một nhân vật nổi danh nào trên thế giới được hơn bốn triệu người đến tiễn đưa lần cuối. Chưa có một nhân vật lỗi lạc nào trên thế giới được nhiều chính khách cũng như các tôn giáo ca ngợi như ĐGH Gioan Phaolô II. Ngài trở thành một ân nhân vĩ đại của nhân loại vào cuối thế kỷ vừa qua và khởi đầu cho một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của hòa bình, của đối thoại, của đại kết và của hợp tác.

Quả thực, trong những ngày qua, chúng ta hãnh diện là người Công giáo trong giai đoạn lịch sử này, với những thành quả rực rỡ do ĐGH Gioan Phaolô II gặt hái về cho Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, cách đây chẳng bao lâu, chúng ta, những tín hữu sống trong Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ, chúng ta cũng không khỏi mang mặc cảm tủi nhục khi Giáo hội bị xúc phạm trước cơn khủng hoảng lạm dụng tình dục của hàng trăm giáo sĩ. Và hiện nay Giáo hội Hoa Kỳ vẫn đang còn khốn khổ lo giải quyết những vấn đề liên hệ tới bồi thường cho các nạn nhân, tới ơn gọi linh mục thiếu hụt, tới tái lập mục vụ thích ứng với thời đại mới và tới nhiều nan đề khác còn ngổn ngang trong Giáo Hội.

Giáo hội Công giáo toàn cầu và đặc biệt tại Hoa Kỳ đang đứng trước thách thức phải là Giáo hội chủ trương bảo thủ hay cấp tiến? Ai cũng đều nhìn nhận Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng cấp tiến trong lãnh vực chính trị và xã hội khi ngài năng động trong việc làm sụp đổ chế độ cộng sản tại Đông Âu. Ngài lên án chiến tranh và bênh vực những quốc gia yếu thế. Ngài không ngồi yên một chỗ tại giáo triều để cai quản Giáo hội, trái lại, ngài là vị giáo hoàng đi tới nhiều quốc gia nhất trên thế giới để thăm nom đoàn chiên và nối kết tình giao hảo với các quốc gia, các tôn giáo. Ngài trở thành nhân vật biểu tượng cho hoà bình và hợp tác của thế giới.

Tuy nhiên, về phương diện tôn giáo, ngài lại tỏ ra là một vị giáo hoàng bảo thủ trước những nan đề trong Giáo hội. Ngài vẫn duy trì một Giáo hội cơ chế tập trung quyền hành nơi giáo triều. Ngài vẫn mạnh mẽ bảo vệ những lập trường cố hữu của Giáo hội trước những vấn đề luân lý như phá thai, ngừa thai, đồng tính, ly dị, cho chết êm dịu... được ngài gọi chung tên là văn hoá sự chết. Ngài không giải quyết những nan đề trong Giáo hội hiện nay như việc phân quyền cho các Giáo hội địa phương, việc gia tăng ơn gọi linh mục, việc ngừa thai, việc huy động tầng lớp giáo dân đông đảo vào những công việc điều hành trong Giáo hội... Và chủ trương bảo thủ này đang thắng thế trong Giáo hội với vị kế nhiệm là Đức Tân Giáo hoàng Bênêdictô VI, cánh tay mặt của ngài trong suốt triều đại giáo hoàng vừa qua, dù ngài công bố là sẵn sàng lắng nghe và chủ trương đại kết với các tôn giáo.

Chắc hẳn trong cuộc sống mỗi người, nhất là những tín hữu sống tại Hoa Kỳ, một đất nước thịnh đạt nhất của anh em Tin Lành, làm sao chúng ta không tự hỏi tại sao tôi lại là người Công giáo? Đâu đâu chúng ta cũng nhìn thấy các ngôi thánh đường trải rộng trên khắp đất nước Hoa Kỳ và phần đông các thánh đường này thuộc các giáo phái Tin Lành. Về lãnh vực truyền thông và truyền giáo, anh em Tin Lành có nhiều chương trình truyền hình và phát thanh, trong lúc Công giáo hầu như thiếu vắng. Trong lãnh vực văn hóa, các sách vở, báo chí cũng như các phương tiện truyền thông thường nhắc nhở đến tên tuổi của các mục sư nổi tiếng và sách vở của các vị này được phổ biến rộng rãi, trong lúc các sách báo Công giáo thật lác đác.

Gần đây chúng tôi cũng thấy xuất hiện một vài cuốn sách tại các tiệm sách Công giáo đề cập về đề tài "Tại sao tôi là người Công giáo?" Phải chăng người Công giáo sống trên đất nước mà mình chỉ là thiểu số và càng ngày càng loãng dần vào thế giới bên ngoài, vật chất, kỹ thuật, trong lúc Giáo hội lại đang lúng túng trong những nan đề của mình cũng như đường lối sống đạo còn tỏ ra nông cạn, do đó làm sao nhiều tín hữu không cảm thấy bản sắc (identity) Công giáo của mình bị chao đảo và tự đặt ra câu hỏi: "Tại sao tôi lại là người Công giáo?"

Không hiểu như một hồng ân hay như một dấu chỉ đường, cách đây năm ngày, thật ngạc nhiên, chúng tôi nhận được cuốn sách của anh Nguyễn Thái Bình, chủ bút tờ Dấn Thân tại Houston, hiện đang hoạt động truyền giáo với gia đình tại Thái Lan gửi tặng. Cuốn sách mang tựa đề hóm hỉnh "Why Be Catholic?" của linh mục Richard Rohr, dòng Phan Sinh. Cuốn sách được chuẩn bị thật kỹ lưỡng và chu đáo giữa thời đại này với phép tắc của giáo quyền như Nihil Obstat (không gì cản trở) và Imprimatur (được phép in) của Gm. James H. Garland thuộc Tổng Giáo phận Cincinnati. Sau khi đọc qua cuốn sách, chúng tôi nhận được cảm hứng khai triển cuốn sách này, không phải như một chuyển ngữ, nhưng như những tư tưởng căn bản để từ đó khai dẫn cho những suy tư mới.

Cuốn sách được chia thành bốn chương chính. Chương đầu tác giả thẩm định về những giá trị thiện hảo của Công giáo. Chương hai tác giả đề cập về những nhược điểm của Giáo hội. Chương ba hướng về người Công giáo sống trên đất nước Hoa Kỳ. Và chương thứ tư tác giả đề cao một số những khuôn mặt nổi bật của Công giáo, có thể được chúng ta ca ngợi như những thánh nhân.

Trong lời giới thiệu cuốn sách, Joseph Martos đưa ra lai lịch của cuốn sách khi linh mục Rohr thuyết trình tại Trung Tâm Canh Tân Thánh Phanxicô ở Cincinnati, Ohio, với bốn đề tài được nhiều người quan tâm vào lúc kết thúc kỷ nguyên thứ 20: đâu là ý nghĩa của việc đồng hóa mỗi người vào truyền thống Kitô giáo và đâu là mục tiêu trở nên thành phần của Giáo hội Công giáo Roma?

Theo sau Công đồng Vatianô II vào thập niên 60, người Công giáo bắt đầu đặt lại vấn đề duy nhất của họ với truyền thống rộng lớn của Giáo hội và giá trị việc làm của họ trong cơ chế Giáo hội. Những người Công giáo bảo thủ cho rằng Giáo hội đang từ bỏ nhiều điều quá mau lẹ, trong lúc những người cấp tiến lại than phiền tại sao Giáo hội đổi mới chậm chạp thế.

Tinh thần canh tân trong những năm đầu sau Công đồng đã giảm bớt được nhiều điều độc hữu của Công giáo trong đời sống công cộng của Giáo hội: Thánh lễ bằng tiếng Latinh bất di bất dịch, tràn ngập tượng ảnh các thánh và lòng tôn sùng độc tôn Đức Maria, y phục giáo sĩ và tu sĩ, tuân giữ nghiêm nhặt luật Giáo hội, tuân phục giáo hoàng không tương nhượng... Rồi vào thập niên 80, những canh tân này chậm lại. Từ đây cả hai cánh tả và hữu đều tự vấn về Giáo hội và vai trò của họ trong đó. Và linh mục Rohr đưa ra lập trường chúng ta đừng để rơi vào cơn cám dỗ muốn trốn trách các thái cực, nhưng tốt hơn, chúng ta hãy chấp nhận gia tài truyền thống Công giáo khi làm việc để canh tân Giáo hội cơ chế từ bên trong. Nhờ trung thực với truyền thống rộng lớn của quá khứ, chúng ta hy vọng nhờ đó có thể ảnh hưởng đến dòng lịch sử trong tương lai.

Trong lời dẫn nhập cuốn sách, linh mục Rohr nhắc lại đầu đề cuốn sách: "Tại sao là Công giáo?" Và tác giả trả lời cách đây một thế hệ, chẳng bao giờ có ai đặt câu hỏi đó ra cả. Chúng ta coi đó là chuyện đương nhiên khi mình sinh ra trong một gia đình Công giáo. Thật giản dị là chấp nhận đức tin, truyền thống và toàn bộ giáo lý. Giáo hội như đã tạo sẵn một môi trường cho những ai sinh ra và sống trong gia đình Công giáo một ý niệm rõ rệt về căn tính (identity) của mình. Chúng ta đã được nuôi dưỡng và gìn giữ trong một cơ chế hiền mẫu là Giáo Hội Mẹ Thánh Thiện.

Công giáo có một thế giới quan toàn diện, một hệ thống suy tư, cảm xúc và hành xử toàn bộ. Tuy nhiên, ngày nay, nhất là giới trẻ, sống xa dần với ảnh hưởng của giáo xứ, của họ hàng, và loãng tan trong thế giới thế tục đa phương, ý thức về căn tính Công giáo của mình không còn mạnh mẽ như trước đây nữa. Đặc biệt giới trẻ, họ không cảm nhận được sự khác biệt bao nhiêu giữa mình là Công giáo và các bạn học của mình thuộc các giáo hội Kitô giáo khác. Và đến một lúc nào đó, nhất là vào lúc bước tới tuổi thành niên, người trẻ tự đặt câu hỏi: Tại sao tôi phải là người Công giáo? Đối với một số người lớn tuổi cũng thế, trước những khủng hoảng của Giáo hội hay những lạm dụng quyền thế của hàng giáo sĩ, cũng có lúc họ tự đặt cho mình câu hỏi: Tại sao tôi phải ở lại trong Giáo hội này?

Trả lời cho câu hỏi này không phải là chuyện dễ dàng và giản dị. Sau khi đọc xong cuốn sách, chúng tôi cảm nhận được linh mục Rohr là một người từng trải và hiểu biết thâm sâu khi trả lời cho câu hỏi này. Có nhiều điều chúng tôi vẫn dò dẫm tìm hiểu và tư tưởng còn mông lung, nhưng sau khi đọc xong cuốn sách, chúng tôi được thuyết phục và nhiều ý tưởng được khai sáng rõ rệt. Chúng tôi sẽ lần lượt khai triển cuốn sách này của tác giả. Mới đầu chúng tôi định khởi đầu từ chương ba đề cập về khía cạnh có vẻ cụ thể và sống động hơn: Làm thế nào ngày nay bạn có thể là người Công giáo trên đất nước Hoa Kỳ, rồi sau đó mới trở lại chương một có vẻ lý thuyết và khô khẳng hơn: Làm người Công giáo cao cả lắm sao? Tuy nhiên, càng đi sâu vào cuốn sách, chúng tôi cảm nhận được cần tôn trọng thứ tự của tác giả với lối trình bầy thật sống động và sắc bén. Và như vậy, kỳ tới, chúng tôi sẽ bắt đầu từ chương thứ nhất của cuốn sách: Làm người Công giáo cao cả lắm sao?

Như một trùng hợp kỳ diệu, vào buổi chiều khi đang viết bài này, chúng tôi nhận được điện thoại của Nguyễn Anh Tuấn mới từ Oklahoma đến Little Saigon và muốn đến thăm chúng tôi. Trong buổi gặp mặt này, anh giới thiệu với chúng tôi luận án tiến sĩ anh vừa hoàn thành mang đầu đề: "Cuộc chạm trán giữa hai nền văn hóa Đông và Tây đưa đến cái chết và phục sinh của một quốc gia" (Việt Nam). Đề tài anh đưa ra khá lý thú và dẫn chúng tôi đến suy nghĩ: phải chăng Giáo hội Công giáo Việt Nam đang đi từ cái chết đến phục sinh theo gương Đức Giêsu sao? Chúng ta cũng như Giáo hội của chúng ta trong hiện tại cũng như trong tương lai có phục sinh thực sự hay không và lôi kéo theo những phục sinh cho quê hương chúng ta, cũng không thể đi ra ngoài tiến trình Đức Giêsu đã để lại gương mẫu cho chúng ta. Phải chăng đây không là đề tài chúng ta suy gẫm và hướng nhìn về tương lai nhân dịp kỷ niệm ba mươi năm chúng ta đã chết cùng với quê hương chúng ta trong biến cố mất nước 1975? Phải chăng đó không là lời giải đáp cho câu hỏi: "Tại sao tôi là người Công giáo?"

Comments: Post a Comment

<< Trở về trang Mục Lục
C�m ơn qu� vị, xin mời v�o trang sau đ�y:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • This page is powered by Blogger. Isn't yours?