Egypt Israel Oct 2007




Bấm nút "Download Now"
để cài Windows Media Player. 
Windows Media Player 11
Download Now

Windows Media Download Center
 

Sunday, August 21, 2005

 

Công giáo phi Kinh Thánh (Unscriptural Catholicism)

Hoàng Quý viết theo Lm. Richard Rohr

Bóng tối thứ tư của Công giáo được linh mục trình bầy chính là Công giáo xa rời Kinh Thánh và chúng tôi tạm dịch là "Công giáo phi Kinh Thánh." Cụm từ này xem ra nặng nề, tuy nhiên, đi vào tìm hiểu lịch sử và thực tiễn, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của cụm từ này nhiều hơn.

Ngoại trừ một thiểu số, quả thực đa số các tín hữu Công giáo không phải là những người đọc Kinh Thánh nhiều. Cho tới ngày nay, nhiều tín hữu Công giáo vẫn không biết mở sách Tân Ước xem bài Tin Mừng Chúa Nhật nằm ở sách nào, đoạn nào và câu nào. Phần đông các tín hữu theo đạo dựa vào các bí tích và những lời giảng dậy của Giáo hội trong công việc đào tạo và sống đức tin.

Có hai nguyên do mang tính chất lịch sử cho thực trạng này. Lý do đầu tiên là Giáo hội đã tồn tại từ lâu trước bộ Kinh Thánh được hoàn thành, do đó Giáo hội sử dụng văn nói hơn là văn viết. Dù cho những người theo đạo đầu tiên đến từ Do Thái giáo đã chấp nhận Kinh Thánh theo tiếng Do Thái (chúng ta gọi là Cựu Ước) như là những Lời linh ứng của Thiên Chúa, nhưng vào cuối thế kỷ thứ nhất, phần đông những người theo đạo Công giáo lại là những người tà giáo, họ không biết gì về Do Thái giáo và các sách thánh cả. Ngay vào thế kỷ thứ hai và thứ ba đã xẩy ra các cuộc tranh luận trong Giáo hội xem có chấp nhận Kinh Thánh bằng tiếng Hêbrơ (Do Thái) là thuộc Giáo hội không.

Thêm vào đó, chúng ta cũng nên nhớ rằng, trong thế kỷ đầu tiên, các sách Tin Mừng và các Thư Tông đồ còn đang được viết ra. Những sách này từ nguồn gốc được viết ra cho các cộng đoàn đặc biệt, thí dụ Thư gửi tín hữu Galata, và dù cho đã được lưu hành rộng rãi trong Giáo hội vào thế kỷ thứ hai và thứ ba, nhưng vẫn chưa có danh sách của giáo quyền xác định những sách này được mọi Kitô hữu chấp nhận.

Mãi cho tới thế kỷ thứ tư, khi Kitô giáo thoát khỏi tình trạng bách hại và được phục hưng, các giám mục thuộc toàn cõi Đế quốc Roma đã tụ tập lại và quyết định một danh sách chính thức các Sách Thánh. Trong khi đó các tín hữu đã có thói quen nghe Lời Chúa Giêsu bằng văn nói trong khi tham dự các nghi thức bí tích hoặc nghe giảng vào mỗi lễ Chúa Nhật. Việc truyền tụng Lời Chúa bằng văn nói trong Giáo hội được củng cố thêm trước sự kiện các sách được viết bằng tay lúc đó quá tốn kém và không thuận tiện.

Lý do thứ hai khiến Công giáo không tùy thuộc mạnh mẽ vào văn viết vì vào thời Trung Cổ đa số dân chúng  châu là dân man rợ nên mù chữ. Như vậy chỉ có một số học giả hoặc các giáo sĩ biết đọc. Từ đó các tín hữu được dậy bảo về đức tin khi tham dự Thánh Lễ và các bí tích. Nếu có những tín hữu may mắn sống nơi thành thị, họ có thể đọc được các câu chuyện Kinh Thánh từ các kính mầu cửa sổ của các thánh đường hoặc tham dự những vở kịch về phép lạ trong những nơi công cộng.

Đôi khi anh em Tin Lành tố cáo Giáo hội Công giáo không đem Kinh Thánh đi vào đại chúng và đem nhốt Kinh Thánh trong các tu viện. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng để sản xuất được một cuốn kinh Thánh viết tay trong thời Trung Cổ phải chiếm hết 500 bản viết trên giấy da và 10.000 giờ lao động. Như vậy chúng ta hiểu được sách Kinh Thánh thật hoạ hiếm và còn phải canh giữ để khỏi bị ăn cắp. Việc in ấn sách vở chỉ được phát minh vào giữa thế kỷ thứ mười lăm.

Như vậy chúng ta dễ dàng hiểu được lý do tại sao Giáo hội Công giáo không phát triển được truyền thống khuyến khích các tín hữu đọc Kinh Thánh. Sau thời Cải Cách của anh em Tin lành, Giáo hội lại né trách để các tín hữu đọc Kinh Thánh vì bên Tin Lành sử dụng Kinh Thánh để biện giải giáo lý cũng như chống lại Roma. Thêm vào đó anh em Tin Lành có thể quảng diễn Kinh Thánh khác nhau, do đó như chúng ta thấy hiện nay có hàng trăm hàng ngàn các giáo phái Tin Lành khác nhau. Phải chăng đây là một niềm cay đắng đã đang và đang phân chia Kitô giáo?

Gạt bỏ sang một bên những lý do lịch sử như vừa rồi, chúng ta cũng phải nhìn nhận rất ít người Công giáo đọc Kinh Thánh hàng ngày, dầu cho ngày nay chúng ta có thể đọc được đủ mọi thứ. Các tín hữu Công giáo không tận dụng Kinh Thánh để tăng thêm những hiểu biết về truyền thống của đạo giáo hoặc đi sâu vào mối giây liên kết với Thiên Chúa. Đối với nhiều người Công giáo, Lời Chúa không thế giá bằng lời giáo huấn của giáo hoàng hay những lời chỉ dậy của giám mục hoặc linh mục. Xem ra Kinh Thánh chỉ trở thành quan trọng khi được các linh mục hậu thuẫn, thôi thúc. Và chắc chắn đây không phải là bộ mặt sáng của Công giáo.

Mặt tối của một số giáo phái Tin Lành là đôi khi sử dụng Kinh Thánh như một khí giới để biện minh cho thần học. Những người theo trào lưu chính thống (Fundamentalists) thường hãnh diện họ không tin vào thế giá của giáo hoàng và họ đã biến Kinh Thánh thành giáo hoàng giấy (paper pope). Trong lúc che đậy nhiều quảng diễn Kinh Thánh cá thể, nhiều nhà giảng thuyết có thể chọn lựa những mẩu hoặc đoạn Kinh Thánh để chứng minh một quan điểm hoặc công kích những ai phản đối. Đứng đàng sau uy thế của Kinh Thánh, họ cũng trở thành độc tài như giáo sĩ Roma.

Xét theo mặt sáng, anh em Tin Lành thường xuyên đọc Kinh Thánh để hướng lái cuộc sống đạo hàng ngày. Họ tham dự đều đặn các buổi học hỏi Kinh Thánh hàng tuần và suy niệm mỗi ngày để gia tăng hiểu biết và niềm tin. Họ rút ra từ Kinh Thánh những lời khuyên nhủ hoặc các bài học để sống thành một Kitô hữu tốt hơn. Họ tìm trong Kinh Thánh những bài học chỉ cách thức sống thành những cha mẹ thiện hảo, những người làm ăn lương thiện và những người hàng xóm thân thiện.

Sự khác biệt giữa anh em Tin Lành chuộng Kinh Thánh và Công giáo phi Kinh Thánh thể hiện khá rõ ràng trong những xứ sở theo truyền thống Công giáo khi anh em Tin Lành đặt chân đến truyền giáo những nơi này. Kitô giáo theo Kinh Thánh được họ rao giảng hoàn toàn trái ngược với Công giáo sắc tộc. Thí dụ như Mễ Tây Cơ là một xứ sở Công giáo từ thời người Tây Ban Nha xâm chiếm. Vào những năm 1950, anh em Tin Lành tại đây còn ít ỏi và một nhà nhân chủng học tên là Oscar Lewis đã sống giữa những người nghèo tại đây và ông đã viết một cuốn sách dựa vào lời kể lại về chính cuộc sống của người dân. Trong cuốn Children of Sanchez: Autobiography of a Mexican Family, ông kể về câu chuyện ông phỏng vấn một người trẻ tên là Manuel, một người Công giáo chính cống. Manuel mô tả lại hoàn cảnh của anh như sau:

Vâng, tôi đã bắt đầu phân tách các sự việc, có đúng không? Chúa Giêsu đã nói, "Giống như cây vả này, anh em nhìn hoa trái của chúng sẽ biết chúng." Trong các nhà giam tại Mễ Tây Cơ, trong một trăm tù nhân có tới chín mươi chín người là Công giáo! Và giả như các bạn tôi là những kẻ trộm cắp, họ cũng thắp ngọn đèn cầy kính một vị thánh trước khi ra đi hành nghề. Các nàng buôn bán dâm cũng giữ hình một đấng thánh trong phòng và đốt đèn cầy thánh để cầu xin thêm khách làng chơi đến. Nếu như quả thực những suy đồi đó tồn tại trong Công giáo, phải chăng đây là tôn giáo chân thật?

Tôi bắt đầu suy nghĩ về những người Evangelists, Adventists, Anglicans tôi biết. Tôi không nhìn thấy họ say sưa ngoài đường phố, không bao giờ sách giao hoặc hút thuốc, nghiện ngập ma tuý hoặc chửi thề. Nhà họ có đầy đủ những gì cần thiết, con cái họ mặc quần áo sạch sẽ và ăn uống đầy đủ, họ đối xử với vợ con thật tử tế. Họ sống một cuộc sống lành mạnh và an bình. Nhưng dưới Giáo hội Công giáo, người ta sống theo cách thức như tôi đã sống.

Tôi không đánh mất niềm tin. Tôi vẫn là người Công giáo vì tôi không cảm thấy mình có đủ sức mạnh để tuân thủ các giới răn và thi hành các luật lệ nghiêm chỉnh của anh em Evangelists. Tôi chẳng còn bao lâu để có thể hút sách, bài bạc hoặc gian dâm và như vậy tuyệt đối tôi chẳng có thể sống theo luật lệ của Thiên Chúa được.

Những lời của Manuel phác hoạ sống động những hậu quả thảm hại của một Công giáo sắc tộc, cơ chế và phi Kinh Thánh. Những ưu điểm của truyền thống Công giáo về việc thẩm định giá trị của tạo dựng giờ đây chúng ta nhìn thấy bóng tối phía sau. Thái độ lạc quan giúp chúng ta yêu đời có thể dẫn đến việc bỏ bê những giá trị Kitô giáo. Tầm nhìn bí tích về thế giới như một mặc khải của Thiên Chúa có thể dẫn đến việc đánh quên mất mặc khải của Ngài trong Kinh Thánh.

Công giáo phi Kinh Thánh có thể do hậu quả của Công giáo chủ bí tích (sacramental Catholicism). Trong suốt 15 thế kỷ, các bí tích đã tuyệt đối cần thiết đem các tín hữu đến với các nền tảng của Kitô giáo và theo nhiều cách thức các bí tích vẫn còn là chính yếu của đời sống Giáo hội. Như Kinh Thánh có thể bị sử dụng sai lạc, cũng có thể xẩy ra như vậy với các bí tích. Các bí tích có thể trở thành những nghi thức bề ngoài và như những chiếc máy ban ơn. Các bí tích trở thành phương tiện thay thế cho lối sống phù hợp với các sứ điệp của Kinh Thánh. Các bí tích cho con người có cảm giác sai lầm về sự an toàn giữ đạo để họ khỏi phải lo việc hoán cải con người thực sự. Các bí tích ru ngủ các tín hữu trong trạng thái êm đềm của phụng vụ hơn là dẫn dắt họ đi tới gặp gỡ Thiên Chúa.

Trong một Giáo hội mà bí tích là chính yếu, thì các bài học về Kinh Thánh và các bài học về bí tích cũng thiết yếu như nhau, vì Kinh Thánh là trung tâm của việc thờ phượng phụng vụ. Chúng ta nhìn thấy điều này thể hiện rõ ràng trong Thánh lễ khi Kinh Thánh được đọc và được giảng nghĩa và là nơi việc cử hành thánh thể gợi nhớ lại Bữa Ăn Tối của Chúa Giêsu với các môn đệ. Cũng cùng một lời giáo huấn tông đồ dẫn đưa vào Tân Ước thì cũng dẫn đến việc thành lập các bí tích. Cũng thế, việc sùng đạo thuận lợi và an vui với việc chủ trương theo các nghi lễ và không quan tâm tới Lời Thiên Chúa, cả khi Kinh Thánh sẵn sàng trong tầm tay. Quả thực Công giáo phi Kinh Thánh không bị khiển trách do các bí tích nhưng do việc hiểu lầm và vận dụng sai lạc các bí tích.

Comments: Post a Comment

<< Trở về trang Mục Lục
C�m ơn qu� vị, xin mời v�o trang sau đ�y:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • This page is powered by Blogger. Isn't yours?