Egypt Israel Oct 2007




Bấm nút "Download Now"
để cài Windows Media Player. 
Windows Media Player 11
Download Now

Windows Media Download Center
 

Thursday, June 23, 2005

 

Tại sao là Công Giáo? (Bài 4)

LÀ CÔNG GIÁO CAO CẢ LẮM SAO? (tiếp theo)
Kinh nghiệm sống tập thể


Cũng như bài lần trước, trước khi đề cập tiếp tục chương nhất của cuốn "Why to be Catholic" của linh mục Rohr với chủ đề: "Là Công giáo cao cả lắm sao?" chúng tôi đề cập thoáng qua về hai quan niệm bảo thủ và cấp tiến đang được nhiều người bàn tán trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội. Từ đây chúng ta sẽ có cái nhìn khách quan, chính xác và xây dựng của hai yếu tố nền tảng này trong bất cứ một cơ cấu hay một tổ chức nào. Thành bại của bất cứ một cơ cấu hay tổ chức tùy thuộc những người trong đó có tạo được thế quân bình của hai yếu tố đó trong cơ cấu hay trong tổ chức của mình không?


Tạo thế quân bằng (balance) trong Giáo hội

Trong tuần vừa qua, Tiếng Nói Giáo Dân đã đăng bài của Nguyễn Anh Tuấn đề cập về đề tài thật hấp dẫn và nền tảng "Những kinh nghiệm lịch sử trong quan niệm bảo thủ và cấp tiến của Hoa Kỳ." Hoa Kỳ trong suốt hơn hai trăm năm lịch sử đã duy trì được một quốc gia ổn định và phát đạt nhất thế giới, chính nhờ Hoa Kỳ đã tạo được thế quân bằng giữa hai khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến. Bảo thủ hay cấp tiến chỉ là hai mặt của một vấn đề. Như trong một cây, bảo thủ được sánh ví như gốc rễ và cấp tiến như các cành cây mang theo hoa trái. Một cây mà gốc rễ cằn cỗi, hoặc hư thối, cây đó không thể nảy sinh hoa trái tốt tươi được và ngược lại, một cây với những cành lám xum xuê và hoa trái chín mọng, chứng tỏ gốc cây và thân cây tràn đầy nhựa sống.

Hoa Kỳ với hai đảng Cộng hòa mang chủ trương bảo thủ và đảng Dân chủ đi theo khuynh hướng cấp tiến, trong suốt chiều dài lịch sử trong những thế kỷ vừa qua đã tạo được thế quân bằng giữa bảo thủ và tiến bộ, do đó Hoa Kỳ là một quốc gia phát triển nhất thế giới, hòa bình nhất thế giới, cường thịnh nhất thế giới, nhân đạo nhất thế giới. Đây là bài học cho các quốc gia trên thế giới, kể cảc tôn giáo cần học hỏi và noi theo.

Trong bài viết của Nguyễn Anh Tuấn, dựa trên tác phẩm nổi tiếng "Conservatism in America" của Clinton Rossiter, tác giả cho chúng ta cái nhìn khách quan và chính xác về bảo thủ và cấp tiến. Nếu Hoa Kỳ chỉ đi theo con đường bảo thủ, chắc chắn ngày nay Hoa Kỳ không thể là một quốc gia tiến bộ nhất thế giới trên nhiều phương diện. Ngược lại, nếu Hoa Kỳ chỉ chủ trương cấp tiến, chắc chắn Hoa Kỳ không còn tồn tại tới ngày nay với những chủ trương tự do, phóng khoáng bừa bãi. Và như vậy Hoa Kỳ như một thể thao gia đu giây thăng bằng tài tình nhất thế giới. Bảo thủ và cấp tiến đều là những yếu tố thiết yếu xây dựng nên một quốc gia Hoa Kỳ cường thịnh nhất thế giới hiện nay. Trong hai yếu tố đó, không thể bỏ một yếu tố nào hoặc bên trọng bên khinh.

Tiếc thay, nhiều người cho đến giờ phút này vẫn không hiểu chính xác thế nào là bảo thủ và cấp tiến. Qua cuộc bầu cử tổng thống vừa qua tại Hoa Kỳ, đảng Cộng hoà thắng thế. Rồi vừa qua, cả thế giới ca ngợi ĐGH Gioan Phaolô II là vị Giáo hoàng bảo thủ sáng giá của Công giáo. Tiếp tới ĐGH Bênêđictô XVI cũng đi theo con đường bảo thủ của vị tiền nhiệm. Và như vậy một số học giả đi tới nhận định thế giới đang "ưa chuộng" bảo thủ. Bảo thủ như một mốt thời trang. Và ngược lại, cấp tiến trở thành lỗi thời, lạc hậu. Nhiều người tỏ ra hãnh diện mình đi theo bảo thủ và khinh chê những ai có khuynh hướng cấp tiến trong lãnh vực chính trị cũng như tôn giáo. Nhưng người ta đâu có hiểu rằng một cây không thể chỉ có gốc rễ, hoặc thân cây, nhưng quan trọng là cây đó phải có cành lá tốt tươi và hoa trái xum xuê. Ích gì một cây có gốc rễ to lớn, nhưng hoa trái mỗi ngày mỗi đui chột hoặc teo nhỏ lại?

Chúng tôi xin mời độc giả đọc lại bài viết của tác giả Nguyễn Anh Tuấn đã được đăng trên Tiếng Nói Giáo Dân đề cập về bảo thủ và cấp tiến, để có cái nhìn khách quan và trung dung về hai yếu tố then chốt này trong bất cứ một cơ cấu, một tổ chức nào. Chúng ta không nên có mặc cảm tự tôn hoặc tự ti với hai quan niệm bảo thủ và cấp tiến. Những mặc cảm đó chứng tỏ hiểu biết của chúng ta còn nông cạn, hẹp hòi, thiển cận và hồ đồ. Và cũng từ đây chúng ta dễ có những phê phán lên án người khác. Không ai có thể vỗ ngực tuyên bố mình yêu quốc gia hay Giáo hội hơn người khác. Đó là thái độ đứng núi này chê núi kia nhỏ. Mỗi người đều có quan niệm, có đường lối, có cách thức yêu quốc gia và Giáo hội. Không ai độc quyền yêu quốc gia hoặc Giáo hội được cả. Điều quan trọng là các tín hữu của Chúa Kitô sống trong Giáo hội của Ngài là phải quan niệm và sống theo tiêu chuẩn Tin Mừng của Ngài. Càng đi sâu vào khám phá Tin Mừng của Chúa Giêsu, người ta càng nhận ra đường lối sống và hoạt động của Ngài bảo thủ nhất, đồng thời lại cũng tiến bộ nhất. Và chính vì chủ trương tiến bộ, Ngài đã bị các tư tế, các luật sĩ, các Biệt phái âm mưu giết Ngài thảm khốc nhất.

Càng đi sâu vào học hiểu Tin Mừng, chúng ta sẽ nhận ra Chúa Giêsu vừa bảo thủ lại vừa cấp tiến khi Ngài công bố Ngài đến trần gian không phải để huỷ bỏ lề luật cũ (bảo thủ), nhưng để kiện toàn (cấp tiến) (Mt 5:17). Đọc lại Bài Giảng Trên Núi, còn được gọi là bản Hiến Chương Nước Trời, quả thực Chúa Giêsu vừa bảo thủ vừa cấp tiến, điển hình như: "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em" (Mt 5: 43-44). Thật nghịch lý khi ngày nay nhiều giới chức lãnh đạo cũng như tín hữu vỗ ngực xưng mình bảo thủ, trong lúc họ sống và thực hành khác xa bản Hiến Chương Nước Trời của Ngài. Nhiều giới chức và tín hữu chạy theo hình thức bên ngoài mang nhãn hiệu Công giáo, nhưng thực chất đối chiếu với Tin Mừng, họ sống và hành động tách biệt khỏi Tin Mừng. Họ sống theo cái vỏ Công giáo, nhưng trong nội dung, họ sống cho quyền lợi, cho danh vọng, cho vị thế của chính mình chứ không phải cho Công giáo, cho Thiên Chúa.

Noi gương nền chính trị Hoa Kỳ vẫn giữ được thế cân bằng giữa bảo thủ và cấp tiến, Giáo hội chúng ta từ trung ương tới địa phương cũng cần tạo được thế cân bằng giữa hai khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến xem ra mâu thuẫn và xung đột nhau này. Đây là một thách thức. Chúng ta không thể vì tôn trọng khuynh hướng này hơn và coi rẻ khuynh hướng kia, chúng ta đành để Giáo hội trở thành tụt hậu trước đà tiến triển của thế giới. Nếu chúng ta hiểu đạo là con đường, lãnh đạo là người dẫn đường, thế thì chúng ta phải phóng mình lên phía trước. Không thể là con đường hoặc dẫn đường khi chúng ta lẹt bẹt mãi phía sau đoàn ngũ của thế giới. Sứ mạng của Giáo hội lúc đó không còn là dẫn đường nữa, khai phóng nữa, nhưng chính là níu kéo, là cản đường thế giới. Và như vậy Giáo hội đi ngược chiều với Chúa Kitô khi Ngài công bố: "Ta đến để chúng được sống và sống dồi dào" (Ga 10: 10).


Kinh nghiệm sống cộng đoàn

Một ưu điểm khác của Công giáo chính là những kinh nghiệm sống đời sống cộng đoàn. Theo linh mục Rohr, Kitô giáo ngay từ ban đầu đã chủ trương sống theo lối sống cộng đoàn, vì thật khó khăn nghe được tiếng Chúa mời gọi tiến lên sống đời sống thánh thiện khi người ta sống trong đơn độc và hầu như không thể đáp ứng được lời mời gọi này nếu sống lẻ loi một mình. Để sống đời sống trọn hảo, chúng ta cần đến những người chung quanh hướng dẫn, thúc đẩy, nâng đỡ.

Những tiền nhân di cư của Hoa Kỳ khi mới đặt chân tới vùng đất mới mẻ này, đã có ý thức tuyệt diệu về lối sống chung của Công giáo được thừa hưởng từ truyền thống sống cộng đoàn của Công giáo Âu châu. Họ đã thiết lập những thành thị và những xứ đạo miền quê làm nông trại và khai thác hầm mỏ. Người Công giáo quy tụ và phát triển chung với nhau. Họ làm việc bên nhau, cho con học chung trường với nhau, đi nhà thờ chung với nhau. Trong mỗi họ đạo, linh mục quản nhiệm quen biết tên từng người, hiểu rõ nhu cầu sống của từng gia đình. Họ vẫn tiếp tục sống với nhau lối sống cộng đoàn của Âu châu.

Những vương cung thánh đường to lớn của thời trung cổ tại Âu châu được xây cất không do các công ty xây dựng, nhưng để thể hiện niềm tin, các tín hữu đã đích thân xây cất bằng bàn tay của mình. Có những ngôi thánh đường họ xây dựng hàng chục năm, có khi cả trăm năm mới hoàn thành. Từ thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, họ là những thợ nề, thợ mộc, phu khuân vác, họ cống hiến thời giờ, tài năng và của cải cho công việc chung.

Càng ngày người Hoa Kỳ càng đánh mất đi ý thức về đời sống cộng đoàn. Sống trên đất nước Hoa Kỳ, chúng ta trở nên một thành phần của một xã hội di động, một xã hội ít ai ở đâu lâu dài đến nỗi có thể mọc rễ được. Có nhiều người không phải tuần nào cũng đi tham dự thánh lễ tại cùng một nhà thờ. Có những giáo xứ rộng lớn và người ta điều hành giáo xứ như một cơ sở dịch vụ hoặc thương mại. Tại nhiều Thánh lễ Chúa nhật, người giáo dân đến đó như những khán giả vô danh, chẳng ai biết đến ai hoặc thăm hỏi nhau, tựa như người ta đi coi một xuất ca nhạc. Ý thức về cộng đồng niềm tin không còn tồn tại nữa.

Phần lớn chúng ta sống niềm tin một cách đơn độc. Nhiều người Công giáo không còn chia sẻ với nhau hoặc không biết chỗ nào để chia sẻ những vấn nạn, những tâm tư, những khó khăn và cả những chiến thắng của mình với người khác cũng có cùng những tâm sự và kinh nghiệm tương tự như thế. Phần lớn người Công giáo không có hoàn cảnh cầu nguyện chung với nhau, học hỏi Kinh Thánh chung với nhau. Họ cũng chẳng có cơ hội tĩnh dưỡng bên nhau hoặc quen biết nhau, nâng đỡ nhau.

Một trong những nguyên do đưa đến tình trạng đó chính vì người Hoa Kỳ đã rơi vào huyền thoại của lối sống theo chủ nghĩa cá nhân khập khễnh và theo đuổi thành công của tầng lớp trung lưu. Chúng ta cố công chạy theo lối sống riêng tư đó và chẳng cần đến người hàng xóm chung quanh. Và nếu thành đạt, chúng ta mua sắm nhà riêng biệt lập, xe cộ riêng và các tiện nghi tư riêng để tạo nên một cuộc sống tiện nghi thoải mái bằng chính bàn tay của chúng ta. Thành công trong xã hội ngày nay đồng nghĩa là sống độc lập, không phải lệ thuộc vào người chung quanh.

Huyền thoại về thành công theo chủ nghĩa cá nhân này trở thành tai họa cho nếp sống cộng đoàn, tập thể. Người ta phải trả giá cho lối sống tự túc của mình khi thiếu những liên hệ với người khác rất cần thiết để làm phong phú cho đời sống. Từ người nghèo khổ, người giầu có, người già cả cho tới trẻ em đều cảm thấy mình lẻ loi, cô đơn. Từ lối sống đơn độc này, người ta quay ra say mê uống rượu, hút thuốc, tình dục, xem phim ảnh, truyền hình, bài bạc, ăn nhậu... để làm vơi đi những cô quạnh của cuộc sống vô vị.

Ngược lại, lối sống của người Kitô hữu đích thực là lối sống cộng đoàn, tập thể. Các tín hữu tiên khởi sống lên hệ với nhau chặt chẽ đến nỗi Thánh Phaolô gọi mỗi cộng đoàn là "thân thể của Chúa Kitô." Mỗi nhóm Kitô hữu là một thân thể xã hội mà linh hồn chính là tinh thần của Chúa Kitô. Sống như Chúa Kitô có nghĩa là gạt bỏ con người mình để lo cho người khác, hy sinh cho người khác, sắp sẵn cuộc đời mình phục vụ người khác. Tương tự như cánh tay, hay cẳng chân, hay cái miệng không thể sống cho riêng mình, các Kitô hữu cũng không thể sống cho riêng mình như thế được. Mỗi người đều phải góp phần vào công việc chung, cho công ích và lãnh nhận được những gì cần thiết giúp cho mình sống đời sống hạnh phúc hơn, hoặc vật chất như quần áo, thức ăn, hoặc tinh thần như được hướng dẫn tâm linh, được nâng đỡ tinh thần lẫn tình cảm.

Kitô giáo xây dựng trên tinh thần sống cộng đoàn và còn vượt ra ngoài khuôn khổ đó nữa. Chúa Giêsu dậy chúng ta đừng quá lo toan về những chuyện của thế gian này, nhưng phải quan tâm lo cho người khác để làm thế nào các nhu cầu của thân xác lẫn tâm linh phải hài hòa với nhau. Đó là "Tin Vui của Vương quốc Thiên Chúa" cho con người ngày nay sống đóng khung trong lối sống vị kỷ. Bất cứ nơi đâu người ta sống lo toan cho nhau theo lối sống của Cha chúng ta lo cho mỗi người chúng ta, chính là họ đang sống trong Vương quốc của Ngài.

Khi Giáo hội phát triển quá rộng lớn, ý thức về lối sống cộng đoàn lâm nguy là rồi đây sẽ mai một. Chính vì thế có nhiều Kitô hữu muốn duy trì lối sống trong Vương quốc của Chúa, do đó họ đã dời bỏ thành phố để trở về miền quê sống cộng đoàn với nhau. Họ làm việc, rồi cầu nguyện chung với nhau. Họ nâng đỡ nhau cả vật chất lẫn tinh thần trong những tập thể được gọi là những tu viện (monastery). Nơi đây họ sống trọn vẹn ý nghĩa của nếp sống cộng đoàn, tập thể. Các tu viện trở thành các trung tâm của lối sống Kitô giáo khắp Âu châu trong thời Trung Cổ.

Bất cứ khi nào nền văn minh Tây phương tiến triển và trở thành vô ngã, thì Thánh Thần của Chúa Giêsu dẫn dắt các tín hữu thành lập các cộng đoàn. Thường thường các cộng đoàn này tập trung vào một công cuộc tông đồ đặc biệt như săn sóc người bệnh tật, người vô gia cư, hoặc người thất học. Những cộng đoàn này được gọi là các các dòng tu (religious order) hơn là các tu viện vì họ quy phục đời sống theo luật dòng.

Ngày nay, khi nhiều dòng tu truyền thống đã lớn lên thành những cơ chế bề thế, người Công giáo lại đang đi tìm kiếm những hình thức mới cho đời sống cộng đoàn. Nhiều dòng tu đang chuyển mình về những cộng đoàn nhỏ bé hơn, sống thân tình với nhau hơn. Nhiều nhóm cầu nguyện, nhiều phong trào đạo đức, và những cộng đoàn cơ bản đều đang cố công làm sống lại các đặc sủng Công giáo theo thể thức mới mẻ.

Trong một xã hội hướng chiều về lối sống cá thể, thật cần thiết phải hình thành lối sống tập thể, cộng đoàn. Chung sống với nhau theo tinh thần của Chúa Giêsu và các tín hữu thời sơ khai, đó là phương thuốc hiệu nghiệm chữa trị cho căn bệnh tư kỷ của thời đại hôm nay. Dù cho phụng vụ Công giáo mang nhiều tính chất cộng đoàn và các bài giảng hô hào lối sống cộng đoàn, nhưng phần đông người Công giáo nghe với đôi tai tư kỷ (individualistic ears). Từ việc cầu nguyện cho tới các công tác, lúc nào người Công giáo cũng mang ý nghĩ "về mình, có lợi cho mình không?" Và khi họ thấy trong các tổ chức, các công tác không đem lại lợi lộc cho họ, họ từ từ rút lui và tìm đến nơi khác có lợi cho họ hơn.

Ngày nay, các nhà thần học, các bậc tu đức, các vị Giáo hoàng đều mời gọi mọi tín hữu hãy trở về học hỏi và sống lối sống truyền thống của Giáo hội thời sơ khai. Đây là mô hình lý tưởng cho lối sống cộng đoàn trong Giáo hội. Lý thuyết là thế, hô hào là như vậy, nhưng trong thực tế, ít ai đang nắm quyền hành và quyền lợi trong Giáo hội lại từ chối hiện trạng lối sống của mình để trở về sống đích thực nếp sống truyền thống của Giáo hội sơ khai. Đó là thách thức nghiêm trọng của Giáo hội hôm nay. Đó là con đường không lối thoát của Giáo hội ngày nay, một con đường sống xa rời đường lối Tin Mừng của Chúa Giêsu, Đấng sáng lập Giáo hội chúng ta.

Kỳ tới: Mời gọi biến đổi xã hội

Comments: Post a Comment

<< Trở về trang Mục Lục
C�m ơn qu� vị, xin mời v�o trang sau đ�y:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • This page is powered by Blogger. Isn't yours?