Egypt Israel Oct 2007




Bấm nút "Download Now"
để cài Windows Media Player. 
Windows Media Player 11
Download Now

Windows Media Download Center
 

Thursday, June 23, 2005

 

Tại sao là Công giáo? (Bài 8)

LÀ CÔNG GIÁO VỠ MỘNG LẮM SAO?


CÔNG GIÁO CHỦNG TỘC

Hoàng Quý viết theo Lm. Richard Rohr

Trong bài lần trước, khi bàn về các bóng tối hoặc mặt trái của Công giáo, Lm Rohr đã đề cập về bóng tối đầu tiên của Công giáo đó là Công giáo phi Công giáo (Uncatholic Catholicism). Và trong bài này, tác giả đề cập về bóng tối thứ hai của Công giáo chính là khuynh hướng chủng tộc (Ethnic Catholicism) trong Công giáo. Mỗi người đều thuộc về một nhóm sắc tộc hoặc một quốc gia và chấp nhận tôn giáo của mình vì mình sinh ra từ đó. Họ không chọn mình là Công giáo cũng như chọn mình là người Ý hay người Pháp, người Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha, người Ái Nhĩ Lan hay người Đức, hay bất cứ một quốc gia nào phần đông là Công giáo.

Đối với nhiều người và qua nhiều thế hệ, Công giáo chủng tộc là điều tốt đẹp. Nếu không tốt đẹp hẳn không thể tồn tại lâu dài như thế được. Khi dân chúng Âu châu trở lại theo Kitô giáo, Tin Mừng được gieo trồng trên nhiều quốc gia. Đại thể, chúng ta có thể nói rằng miền đất Kitô giáo đâm rễ là văn hóa Tây phương và tôn giáo triển nở chính là Kitô giáo Tây phương, còn gọi là Công giáo Âu châu. Tuy nhiên, dọc suốt Âu châu, thực tế có nhiều sắc thái văn hoá Âu châu đa dạng. Đó là vẻ đa dạng của các nền văn hoá quốc gia khác nhau ngay từ thời Trung Cổ và đã tiến triển thành những quốc gia tiên tiến như ngày nay.

Khi Kitô giá du nhập vào những nhóm sắc tộc này, dĩ nhiên họ hiểu Tin Mừng thật tốt đẹp. Trước đây người Roma gọi họ là giống dân man rợ. Họ sống thô lỗ và mù chữ. Họ sống man rợ và thiếu văn minh. Họ thường gây chiến tranh với nhau. Kitô giáo đã đến thay đổi các bản năng man rợ của họ. Kitô giáo đã đem đến cho họ một lối sống đạo đức cao cả hơn. Kitô giáo đã giúp họ sống có mục đích thâm sâu hơn và tầm nhìn rộng rãi hơn. Kitô giáo đã hiệp nhất Âu châu thời Trung Cổ dưới một tôn giáo chung và một nền luân lý chung.

Mọi người đều có hiểu biết chung về Tin Mừng làm căn bản. Mọi người đều cảm kích về những câu chuyện trong Cựu Ước - như các câu chuyện về ông bà Adong và Evà, ông Noe và nạn hồng thuỷ, ông Môsê và bụi gai bốc cháy, chàng tí hon Đavít và ông khổng lồ Goliát. Họ cũng ngưỡng mộ những câu chuyện trong Tân Ước - như các câu chuyện về Chúa Giêsu sinh ra trong máng cỏ, Ngài chữa lành người bệnh tật và tha thứ cho các tội nhân, Ngài bước đi trên biển và ra lệnh cho sóng biển im lặng, Ngài đổ máu trên thập giá và sống lại vinh hiển. Những câu chuyện Kinh Thánh này vẫn được tiếp tục ghi khắc trên những cửa sổ kính mầu tại các vương cung thánh đường thời Trung cổ. Những câu chuyện về lịch sử cứu độ đã trở thành một phần gia tài tôn giáo của họ.

Các sắc dân cũng diễn tả những hiểu biết của họ về Tin Mừng theo cách thức độc đáo của họ. Tại Ý, việc Chúa Giêsu sinh ra được diễn tả bằng những quang cảnh máng cỏ. Tại Tân Ban Nha cuộc thương khó của Chúa Giêsu được bi thảm hóa bằng những tuồng thương khó tái diễn lại như thật. Nhiều nơi tại Âu châu, các câu chuyện Tin Mừng được diễn lại thành những vở kịch phép lạ. Các vị thánh địa phương được tôn kính trong những ngày đại lễ. Mặc dầu các buổi lễ được cử hành như thế, nhưng truyền thống Kitô giáo được duy trì bằng những tập tục mang mầu sắc chủng tộc khác nhau được thể hiện trong các nền văn hóa Âu châu khác nhau.

Ngược lại với chiều hướng vừa rồi, các phong tục, tập quán chủng tộc cũng đã du nhập vào Kitô giáo. Cây Giáng sinh và vòng hoa đã vay mượn từ những nghi lễ mùa đông của miền bắc Âu châu. Trứng Phục sinh và con thỏ cũng được du nhập từ những nghi lễ ngoại đạo của miền đông nam Âu châu. Những biểu hiện này dù đã mang ý nghĩa Kitô giáo, nhưng vẫn còn lưu giữ bản sắc chủng tộc địa phương. Các tín hữu mọi nơi đã đồng hóa Kitô giáo với những đường nét văn hóa riêng của mình.

Vào thời đại truyền thống Kitô giáo đã giao thoa nhiều với các truyền thống văn hóa khác, thật khó nói đâu là truyền thống riêng của mình tách biệt ra. Kitô giáo đã hòa trộn với nhiều bản sắc văn hóa. Mỗi nhóm quốc gia hoặc chủng tộc có những cách thức độc đáo diễn tả và cử hành niềm tin của mình. Mỗi nhóm đồng hóa các tập tục của mình với truyền thống Kitô giáo. Khi cảm nhận được dân tộc của mình bị đe dọa, họ đến tìm sức mạnh nơi niềm tin. Khi đất nước bị tấn công, họ xác tín Thiên Chúa đứng về phía họ. Khi di cư đến một miền đất lạ, họ tìm thấy sự hiệp nhất trong Giáo hội.

Kitô giáo chủng tộc để lại ba bóng tối trên thế giới chúng ta đang sống. Đó là bóng tối ngoại vi, bên ngoài (peripheral), bóng tối tự cho mình là đúng đắn, và bóng tối coi mình là Kitô giáo chính danh.

Tôn giáo chủng tộc, trong đó có Công giáo, thường quan tâm đến các phong tục, tập quán (ngoại vi) hơn là chú tâm vào truyền thống cao cả thực sự. Họ tập trung vào những việc tuân giữ bề ngoài hơn là việc biến đổi bên trong. Phần nhiều việc chống đối những thay đổi của Công đồng vào những năm 1970 dấy lên, vì người ta lo sợ mất mát nhiều tập tục của Công giáo - các tượng ảnh trong nhà thờ, tuần cửu nhật và các việc tôn sùng, các mề đai Thánh Christopher và nhiều thứ tương tự thế. Đồng thời, nhiều người lại hân hoan vì những thay đổi đó đem đến niềm tin là Giáo hội cần những tầm nhìn mới mẻ hơn.

Nhiều người nghĩ rằng những thay đổi bên ngoài chính là dấu hiệu cho những thay đổi thâm sâu cho đời sống tâm linh bên trong. Tuy nhiên, thực tế, những thay đổi bên trong không khai diễn như vậy, ít là trên bình diện đại trào.

Chúng ta có thể nhận ra điều này nơi những cách thức tương phản cả nơi tầng lớp giáo dân lẫn hàng giáo phẩm. Các giám mục Hoa kỳ và Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào những năm 1980 đã kêu gọi những thay đổi trong chính sách quân sự và kinh tế, tuy nhiên đa số tầng lớp giáo dân chẳng hay biết gì cả. Trong lúc đó, tầng lớp giáo dân lại đòi hỏi những thay đổi trong cấu trúc quyền hành trong Giáo hội, nhưng phần đông hàng giáo phẩm lại chống cự lại. Thật dễ dàng vận dụng hơn những chuyện bên ngoài của Công giáo hơn là thay đổi trái tim và trí óc. Tuy nhiên việc biển cải lại là vấn đề then chốt của Kitô giáo. Biến cải - từ chủ chiến tới chủ hòa, từ tiêu sài đến chia sẻ, từ độc tài đến hợp tác - lại là tất cả những gì Tin Mừng của Chúa Giêsu đề cập tới.

Công giáo sắc tộc có thể ngoan cố chống cự lại việc hoán cải vì coi mình đã đúng đắn rồi, đã công chính rồi. Cách đây không lâu tại Hoa Kỳ những người Công giáo Pháp và Đức coi khinh những người Công giáo Ái Nhĩ lan và đến lượt những người này lại không muốn hợp tác với những người Công giáo Ý và những người di dân đến từ miền đông và nam Âu châu. Khi người Công giáo nắm được lợi thế quyền lực chính trị địa phương tại Hoa Kỳ, cũng như những nhóm sắc tộc khác tập trung đông đảo trong một số thành phố, họ thường lạm dụng quyền thế cho lợi ích riêng theo những cách thức chả Công giáo tí nào. Ngày nay trong những xứ sở người Công giáo chiếm đa số, như tại Châu Mỹ La tinh, Giáo hội chủng tộc thường dành những vị thế đặc ân và những thực hành đạo đức và không đếm xỉa đến những bất công xẩy đến cho những người chung quanh.

Như chủ nghĩa duy quốc gia, Kitô giáo chủng tộc công chính hóa mình bằng cách đồng hoá mình với những người đang nắm quyền lực. Khi những người nắm quyền lực chiếm đa số, chuyện này lại càng dễ xẩy ra nữa. Đa số thường nhìn sự việc như rõ ràng là đúng đắn, trong lúc thiểu số bài bác. Đa số có thể quyết định thuận lợi cho chính mình dầu cho những quyết định đó có gây tổn thương cho thiểu số. Đa số có thể đè bẹp thiểu số. Kết quả là cái nhìn của đa số không bao giờ được đặt thành vấn đề một cách nghiêm chỉnh. Công giáo đa số cho mình là đúng đắn, là công minh, là công bằng. Công giáo đa số cho mình là đúng chỉ bằng một sự kiện là mọi người xem ra tin như thế. Công giáo đa số tự biện hộ cho mình là đúng đắn, là chính trực.

Trên thực tế, cái nhìn của đa số có thể là bất công và rất sai lầm. Nó có thể vĩnh viễn tạo ra những kỳ thị sắc tộc, tôn giáo, giới tính và tuổi tác. Nó có thể dung túng những việc lao động bất công và những thỏa thuận buôn bán bất chính. Nó có thể tạo ra những lạm dụng quyền thế hoặc lo lót. Và khi đa số là các Kitô hữu, cái nhìn của đa số xem ra là cái nhìn của Kitô giáo. Bởi vì đa số tự coi mình là chính trực, do đó không ai đặt ra câu hỏi cái nhìn đó có thực sự là cái nhìn của Chúa Giêsu không. Bởi vì đa số coi mình là công chính, do đó chẳng ai tự hỏi xem cái nhìn đó có phù hợp với những tiêu chuẩn của Tin Mừng không. Tin Mừng được đồng hóa với văn hóa và xã hội, trong khi đó, thực tế Tin Mừng rất chống lại quan điểm như vậy. Trong văn hóa Kitô giáo nơi Công giáo sắc tộc, Kinh Thánh không được nhìn xem một cách trung thực, do đó nhiều người không sống phù hợp với lời giảng dậy của Chúa Giêsu. Họ sống tùy thuộc những tiêu chuẩn của xã hội và họ gọi đó là Kitô giáo.

Hậu quả là Công giáo sắc tộc chỉ mang danh hiệu là Kitô hữu mà thôi. Những người Công giáo bẩm sinh thực chất chỉ đơn thuần mang danh hiệu là Kitô hữu. Họ nhận mình Công giáo, nhưng họ không sống theo tiếng gọi Kitô hữu. Họ thuộc về Giáo hội Công giáo, nhưng thực sự họ không tin theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu tha thứ cho tội nhân, nhưng họ lại muốn những hình phạt nặng nề cho các phạm nhân. Chúa Giêsu yêu kẻ thù, còn họ lại muốn tăng thêm các vũ khí tối tân. Chúa Giêsu công bố Vương quốc Thiên Chúa, nhưng họ rao giảng chủ thuyết lợi ích quốc gia. Chúa Giêsu chúc phúc cho người nghèo khổ, còn họ lại muốn được giầu sang hạnh phúc. Những tương phản giữa Tin Mừng của Chúa Giêsu và lối sống của nhiều người Công giáo càng ngày càng gia tăng bất tận.

Thẳng thắn mà nói, lỗi lầm này không do các cá nhân Công giáo, nhưng do Công giáo mang mầu sắc chủng tộc. Phần đông các tín hữu Công giáo là những người tốt vẫn cố công sống cho ra một Kitô hữu. Tuy nhiên Giáo hội chủng tộc nơi họ được sinh trưởng đã dậy họ những tập tục Công giáo hơn là truyền thống đích thực Kitô giáo. Họ được dậy về giữ đạo hơn là sống theo Kinh Thánh. Họ được dậy đi tham dự Thánh lễ Chúa Nhật hơn là sống với cộng đoàn. Họ được dậy lắng nghe các giáo sĩ hơn là đọc Kinh Thánh. Họ được dậy tuân hành các Giới Răn hơn là sống với Bát Phúc. Họ được dậy quan tâm đến các tội về tình dục hơn là thắc mắc về các tội tham lam của cải và quyền thế.

Văn hào Dostoevsky kể lại một câu chuyện nổi tiếng trong cuốn tiểu thuyết "Anh em nhà Karamazov" như sau. Chúa Giêsu trở lại trái đất vào thời Trung Cổ bị Chánh Án tòa án dị giáo câu lưu và thẩm vấn. Ngài bị tố cáo đã dẫn dắt dân chúng đi lầm đường lạc lối khi dậy người ta yêu thương quan trọng hơn là vâng phục, tha thứ hơn là đi xưng tội, Nước Chúa quan trọng hơn là Giáo hội. Ông Chánh Án khôn ngoan đoán được người đứng trước mặt ông là ai, nhưng ông không muốn Ngài lật đổ Công giáo chủng tộc của Tây Ban Nha thời Trung Cổ. Cuối cùng ông đe dọa hành hình Đức Giêsu nếu Ngài không đơn phương rời bỏ Giáo hội.

Người ta tự hỏi không biết Chúa Giêsu ngày nay có bị đối xử như thế không nếu Ngài trở lại và vặn hỏi Công giáo chủng tộc tại Hoa Kỳ tân tiến hiện nay.

Kỳ tới: Công giáo cơ chế

Comments: Post a Comment

<< Trở về trang Mục Lục
C�m ơn qu� vị, xin mời v�o trang sau đ�y:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • This page is powered by Blogger. Isn't yours?