Egypt Israel Oct 2007




Bấm nút "Download Now"
để cài Windows Media Player. 
Windows Media Player 11
Download Now

Windows Media Download Center
 

Friday, June 24, 2005

 

Đâu là Linh Đạo Nền Tảng cho Giáo hội? - Bài 1

A Radical Spirituality




Hoàng Quý viết theo Lm. Michael Morwood, MSC.




Linh đạo của chúng ta có đi đúng đường không?




Thomas H. Groome, Giáo sư Thần học tại Boston College, trong phần giới thiệu cuốn sách "Tomorrow's Catholic" của Lm. Morwood, đã đưa ra lời minh định: "Chắc chắn phải đỏi hỏi chúng ta ôm ấp Huyền Nhiệm Phục Sinh (Paschal Mystery) trong đời sống riêng tư của mỗi người cũng như trong đời sống cộng đồng niềm tin của chúng ta. Chúng ta phải chết đi cho nhiều lối sống cũ, nhiều suy nghĩ cũ kỹ, nếu như chúng ta muốn phục sinh như "những người Công giáo của Ngày mai." Nếu chúng ta bám chặt vào lối sống cũ kỹ một cách ngoan cố, nếu chúng ta lầm lẫn những chiếc bình trần thế như những kho tàng chứa đựng trong đó, chúng ta đang rơi vào tình trạng nguy hiểm là đánh mất mọi thứ. Ngược lại, nếu chúng ta sẵn sàng bỏ lại những gì không còn thích đáng nữa, để trân trọng điều chính yếu và nới lỏng những chuyện khác, khi đó, như những lời hứa hẹn của Tin Mừng, chúng ta sẽ tìm thấy đời sống mới.



Cuốn sách của Lm. Morwood là một công trình khảo sát một Thần học "Nền tảng" về Phép Rửa. Nền thần học này mời gọi chúng ta phải biến đổi chính mình và cộng đồng để trở thành một Giáo hội của những tín hữu Công giáo có trách nhiệm, trưởng thành, khi tham dự đầy đủ vào sứ mệnh ngày nay của Chúa Giêsu và hoạt động cho Nước Chúa trị đến trong thế giới hiện tại... Nhưng chúng ta còn ở khá xa để nhận ra một nền thần học như thế trong Giáo hội cơ chế hay trong linh đạo của các tín hữu Công giáo hiện nay.



Và trong Lời Nói Đầu của cuốn sách, Lm. Morwood nhận định, "Chúng ta đang sống trải qua một thời đại đầy những thay đổi lớn lao nhất lịch sử Kitô giáo. Trong Giáo hội Công giáo đã diễn ra một cuộc suy sụp văn hóa phi thường từng định hình căn tính Công giáo của tầng lớp trưởng thành. Giữa chúng ta đang diễn ra những phân chia ý kiến bất ngờ, cũng như những bất đồng không dè và đang đặt lại vấn đề thế giá của Giáo hội trước những chuyện liên quan đến đức tin và luân lý. Trong khi đó, chúng ta lại ý thức được tinh thần của Lễ Hiện Xuống đang chuyển động giữa chúng ta và chúng ta ý thức về những thách thức phải trở thành Giáo hội trong thiên niên kỷ mới. Thật là một thời điểm khích thích, tuy nhiên cũng lại là thời điểm thật căng thẳng. Đúng là thời điểm không tránh được có nhiều người sẽ nhìn lại đàng sau và tiếc cho một quá khứ yên ổn, an bình. Đây là thời điểm của bất định, nhưng cũng là thời điểm của những khả năng phi thường."



Trước những viễn ảnh vừa rồi, Lm. Morwood giới thiệu cho chúng ta một đường lối tu đức hay một linh đạo nền tảng, giúp chúng ta bước đi vững vàng trong thiên niên kỷ mới. Theo tác giả, nếu hiểu thần học là một môn khảo sát hay học hỏi về Thiên Chúa và mối liên hệ của Ngài với đời sống và với vũ trụ, thế thì nền thần học này phải luôn luôn diễn tiến phù hợp với bối cảnh của thời gian, nơi chốn, văn hóa và thế giới quan. Từ thời Chúa Giêsu, nền thần học đã biến đổi từ Cựu Ước sang Tân Ước. Tiến tới, nền thần học Kitô giáo đã có nhiều thay đổi sau thời Galilê, thời Luther, thời Cách mạng Pháp và gần đây, sau thời Công đồng Vaticanô II. Và nhiều người tiên đoán, sau khi Giáo chủ Gioan Phaolô II nằm xuống, nền thần học này cũng có nhiều biến động.



Như vậy, ở đây Lm. Morwood hướng chúng ta đi theo linh đạo nền tảng nào cho thích hợp với thời đại mới?



Trước khi trả lời câu hỏi thâm sâu này, Lm. Morwood muốn chúng ta hiểu rành mạch ý nghĩa linh đạo hay nền tu đức là gì? Dĩ nhiên mỗi chúng ta đều có những hình ảnh và những ý tưởng về Thiên Chúa và mối liên hệ giữa chúng ta với Ngài. Như vậy, linh đạo chỉ là cách thức chúng ta để cho những hình ảnh và những ý tưởng này hướng lái lối sống của chúng ta. Thí dụ, nếu chúng ta hình dung ra Thiên Chúa như một Vị Độc tài hà khắc, như vậy niềm tin này sẽ ảnh hưởng dữ dội trên mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa, trên cách thức cầu nguyện và thờ kính Ngài cũng như trên hình ảnh về chính bản thân chúng ta.



Ngược lại, nếu chúng ta quan niệm về Thiên Chúa như một Đấng vô cùng đáng yêu mến và hiểu biết chúng ta là những người con được Ngài chúc phúc tràn đầy cùng với sự hiện diện của Thánh Thần Ngài, chắc chắn nền linh đạo của chúng ta trong trường hợp này sẽ khác hẳn với trường hợp ở trên. Như vậy, những gì chúng ta tin tưởng và hình dung sẽ ảnh hưởng đến cách thức chúng ta sống, chúng ta liên hệ, chúng ta cầu nguyện, và chúng ta tôn thờ - tất cả đó là nền linh đạo của chúng ta.



Là những người Công giáo, nền linh đạo của chúng ta đã được định hình và đóng khung từ bao thế kỷ của kinh nghiệm, của suy tư và của chiêm niệm. Chúng ta được thừa hưởng một thế giới quan Công giáo ngay từ thời thơ ấu. Chúng ta sống theo khuôn mẫu đó, chẳng cần phải đặt lại vấn đề và cố công trung thành sống như vậy là đủ rồi.



Nhưng thời đại chúng ta đang sống hôm nay nhiều vấn đề đang được đặt lại và chúng ta phải đối diện với những thực tại này.Thí dụ trước đây chúng ta tin tưởng hoàn toàn vào tư cách đạo hạnh của hàng giáo phẩm, nhưng đùng một cái, cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trong Giáo hội Hoa Kỳ bùng nổ dữ dội làm tan vỡ niềm tin của biết bao người trong cũng như ngoài Công giáo. Biết bao vấn đề từ đây được đặt lại. Giới giáo sĩ Công giáo cũng sống giả hình, che đậy như hàng ngũ Pharisiêu thuở xưa chăng? Nền luân lý về giới tính mất hiệu nghiệm rồi sao? Tội che đậy, bao bọc cho những tội phạm tình dục của một số giới chức cao cấp trong Giáo hội có phải là đồng lõa, là trọng tội không? Vấn đề đào tạo linh mục cần phải thay đổi thế nào để đáp ứng với thời đại mới? Hàng giáo phẩm còn có thể độc tài, độc quyền bao cấp Giáo hội trong lãnh vực lãnh đạo và điều hành không? Vấn đề thiếu vắng linh mục cần phải được giải quyết thế nào?



Nhìn vào tầng lớp giáo dân, chúng ta nhìn thấy nhiều tín hữu khổ sở trong những trường hợp nhiều người bị vợ hoặc chồng bỏ rồi đi lấy người khác, bây giờ họ phải sống thế nào? Nhiều cặp vợ chồng trẻ sống tại Hoa Kỳ không biết phải ngừa thai thế nào để vừa giữ đúng giáo luật, vừa giải quyết được đòi hỏi sinh lý chỉ muốn sanh nở hai đứa con thôi? Nhiều tín hữu được coi là mộ đạo, dâng cúng tiền bạc đứng đầu danh sách ân nhân, nhưng trong thực tế, họ lại sống gian lận tiền "trợ cấp xã hội," sống ghen ghét người khác. Nhiều giới chức giáo dân tỏ ra nhiệt thành với việc nhà Chúa, nhưng khi bị đụng chạm tự ái, hoặc bị chê trách, họ lại tỏ ra bất mãn, bỏ cả đi nhà thờ và cầu nguyện.



Phải chăng tất cả những vấn đề vừa rồi muốn nói lên rằng chúng ta cần phải đặt lại nền tu đức truyền thống của chúng ta xem còn hiệu nghiệm cho thời đại ngày nay không, hay chúng ta cần phải kiểm điểm lại và tìm cách cải tiến? Linh mục Morwood sánh ví chúng ta đang cố công mổ xẻ tim giữa thời đại hôm nay bằng những kiến thức và những phương tiện y khoa của thế kỷ thứ mười lăm. Và như vậy, thế giới quan tôn giáo và linh đạo của chúng ta cũng nằm trong những trường hợp tương tự.



Ở đây chúng ta không tỏ ra bi quan, cũng không có ý coi thường nền tu đức truyền thống trong Giáo hội đã được duy trì hằng bao thế kỷ. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có ý muốn nhìn xem những nền tảng của niềm tin tôn giáo của chúng ta dưới ánh sáng của thế giới quan ngày nay, khác biệt rất nhiều với những gì đã định hình quan niệm sống của Kitô giáo trước đây. Từ đây, những gì chúng ta tìm kiếm ra được đều trở thành tin vui, tin mừng: sứ điệp Kitô giáo hoà trộn nhuần nhuyễn, tươi đẹp với thế giới quan ngày nay.



Kitô giáo luôn luôn duy trì chân lý Thiên Chúa là Đấng Vô cùng, hiện diện ở khắp mọi nơi và sự hiện diện của Ngài giúp duy trì cho mọi vật tồn tại. Thế nhưng chúng ta có sống thực sự với chân lý nền tảng này không? Chúng ta có nhìn ra sự hiện diện của Ngài thấm nhập trong mọi sự việc, trong chính con người chúng ta không? Chúng ta có nhìn ra sự hiện diện của Ngài là điều kiện chính yếu cho cuộc sinh tồn của chúng ta không? Chúng ta có xác tín rằng Ngài đến diễn tả chính Ngài, đến mặc lấy hình thái sống trong chính mỗi người chúng ta không? Chúng ta có tin rằng Ngài có thể nói, cười, vận động, suy tư, vui hát, yêu thương, điều động công việc với chúng ta không? Nếu chúng ta trả lời "có", chính là chúng ta đang khai triển nền tu đức thích ứng với thời đại hôm nay đấy. Còn nếu trả lời "chưa," chính là chúng ta còn bám víu vào nền tu đức cũ kỹ, có nhiều điều không còn đáp ứng được với thời đại hôm nay nữa.



Lm. Morwood tiếp tục trách chúng ta là tại sao chúng ta còn phải đi tìm Chúa ở những nơi nào khác? Tại sao chúng ta lại khóa mình trong nền tu đức chỉ nhìn ra Chúa nơi thiên cung hơn là một linh đạo tập trung vào Thiên Chúa đang ở trong và ở giữa chúng ta, thôi thúc chúng ta, nhắc nhở chúng ta có một căn tính thần thiêng (our sacred identity) và phải sống thực sự với căn tính ấy? Đây là thao trường chúng ta phải hoán đổi và là trung tâm sứ điệp Chúa Giêsu gửi cho mỗi chúng ta.



Linh đạo của chúng ta cần phải nhấn mạnh thật rõ ràng và thông suốt mối giây liên hệ nền tảng này giữa Thiên Chúa và chúng ta. Linh đạo này nhấn mạnh đến cả hai thực tại là Thiên Chúa hiện diện thực sự trong chúng ta và trách nhiệm của chúng ta phải làm thấm nhập sự hiện diện này và thể hiện rõ ràng trong lối sống của chúng ta. Tội lỗi căn bản của chúng ta, nếu có thể gọi đây là "tội tổ tông," chính là giả mù trước thực tại chúng ta là ai và các cách thức chúng ta khóa cửa không để khả năng thần thiêng thấm nhập trong chúng ta. Nói cách khác, chúng ta đã vô ý thức hoặc đã không làm sống động Thiên Chúa sống trong chúng ta. Chúng ta đã và đang sống với nền tu đức bề ngoài chú trọng vào đọc kinh, vào nghi lễ, vào hành hương mà quên đi nền tu đức chiều sâu là tập trung vào mối giây thông hiệp với Chúa trong chính mình và nơi vạn vật. Chúng ta đang sống với linh đạo sợ sa hoả ngục hơn là sợ làm mất lòng Chúa đang ở trong chúng ta và ở trong các tạo vật chung quanh chúng ta.



(tiếp kỳ tới)



* Thiên Chúa hoạt động Trong và Qua tất cả

Comments: Post a Comment

<< Trở về trang Mục Lục
C�m ơn qu� vị, xin mời v�o trang sau đ�y:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • This page is powered by Blogger. Isn't yours?