Egypt Israel Oct 2007




Bấm nút "Download Now"
để cài Windows Media Player. 
Windows Media Player 11
Download Now

Windows Media Download Center
 

Friday, June 24, 2005

 

TOÀN CẦU HÓA: VẬN MAY VÀ THÁCH THỨC.

TRẦN DUY NHIÊN
Dựa theo tài liệu ‘Maitriser la mondialisation’
của Ủy Ban ‘Công Lý và Hòa Bình’ - Pháp

Trong những thập niên cuối thế kỷ 20, tại Việt Nam, các thuật ngữ ‘hiện đại hóa’ ‘công nghiệp hóa’ được sử dụng thường xuyên trong xã hội, và các thuật ngữ ‘hội nhập văn hóa’ ‘phúc âm hóa’ xuất hiện thường xuyên trong môi trường Giáo Hội Công Giáo. Bước vào thế kỷ 21, tất cả những thuật ngữ ấy đã bị bao trùm bởi một thuật ngữ khác: ‘toàn cầu hóa’.

Trên thế giới, thuật ngữ này, hay đúng hơn thuật ngữ ‘globalization’ hoặc ‘mondialisation’, đã được sử dụng tràn lan từ hơn một thập niên qua. Mai này, chúng ta sẽ gặp nhan nhản trong mọi lãnh vực, và một câu hỏi sẽ được đặt ra: ‘Toàn cầu hóa’ là gì?

I - TOÀN CẦU HÓA LÀ GÌ?

Đấy là việc xâm nhập của cả thế giới vào mọi lãnh vực trong đời sống chúng ta. Toàn thể thế giới hiện diện khắp nơi bên ngoài và bên trong chúng ta, và thay đổi mọi cột mốc quen thuộc trong đời sống xã hội và nội tâm của chúng ta.
Thử nhìn lại một vài hiện tượng:


Một chiếc gắn máy Super Dream mang công nghệ Nhật Bản, dáng kiểu Thái Lan, động cơ sản xuất tại Hàn Quốc, được ráp tại Việt nam cùng với một số bộ phận sản xuất tại quê nhà, rồi được bán tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Trước màn ảnh truyền hình, cả thế giới đang diễn ra trong phòng khách chúng ta, từ một tai nạn xe ở Nghệ An, đến cuộc tranh chấp tại Đông Timor, đi ngang qua một trận bóng đá tại Anh và một Đại Hội Điện Ảnh ở Pháp. Và nếu muốn, chúng ta sẽ vào văn phòng Liên Hiệp Quốc tại Mỹ nghe những đại diện thế giới tranh luận hoặc xuống Nam Phi xem ngài Mendela cắt băng khánh thành cho một bệnh viện mới. Tất cả mọi biến cố tại mọi nơi trên thế giới đều có thể đến cùng một lúc, mặc cho khoảng cách không gian và thời gian.

Những đồng tiền mạnh có thể hoán chuyển lẫn nhau và việc chuyển ngân không còn bị đánh thuế. Chỉ có một thị trường chứng khoán bảo đảm cho cả thế giới giá trị của đồng tiền của từng cá nhân. Mỗi người có thể sử dụng tiền mình ở khắp mọi nơi và mua sắm bất cứ điều gì trên thế giới.

Mặc dù mỗi quốc gia còn giữ ngôn ngữ của mình, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ giao tiếp quốc tế. Con người ngày nay muốn sống cập nhật, thì ngoài tiếng mẹ đẻ, cần phải nắm vững hai hay ba ngoại ngữ. Ấy là chưa nói đến một ngôn ngữ mới mà trong vòng 10 năm nữa, mọi thanh niên nam nữ sau trung học sẽ phải làm chủ, đó là ngôn ngữ vi tính, ví dụ như ngôn ngữ ‘windows’.

Một hiện tượng khác tác động trên đời sống con người, đó là việc các ngành kinh doanh nhiều vốn như ngành xe hơi, hàng không, ngân hàng, đang họp lai với nhau ở tầm cỡ thế giới . Một số cơ sở trong nước liên kết với nhau để biến thành các nhóm toàn cầu. Một số nhãn hiệu muốn có mặt khắp nơi trên thế giới như Sony, Microsoft, Coca Cola.

Một hệ thống luật pháp quốc tế đang hình thành và phủ lên bộ luật của từng quốc gia. Nhiều hiệp ước quốc tế đã được ký kết hầu tạo nên một vùng pháp lý cho toàn thể nhân loại.

Các quốc gia dần dần kết lại với nhau thành khối. Ngoài Liên Hiệp Quốc, mang tính chất biểu trưng hơn là thực sự hiệu quả, thì ở Âu Châu có EU (European Union) , ở Đông Á có ASEAN (Association of South East Asian Nations) , ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương có APEC (Asia Pacific Economic Cooperation) ở Trung Đông có OPEC (Organization of the Petroleum Exporting Countries) , ở Châu Phi có OUA (Organisation de l’Unité Africaine) , trong khi đó ở Bắc Mỹ khởi sự thành lập tổ chức ALENA (Alliance pour le Libre-Echange Nord Américain) và Nam Mỹ cũng muốn bước theo với Hiệp Ước Andin. Điểm khởi đầu của việc liên kết này là quyền lợi kinh tế. Nhưng đồng thời cũng do tác động của việc toàn cầu hóa: từng nước một đứng riêng lẽ sẽ dễ dàng bị những khối toàn cầu nuốt chững.


Tất cả những hiện tượng đó được gọi là hiện tượng ‘toàn cầu hoá’. Những hiện tượng đó đã trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến mọi người và mọi nơi trên trái đất. Nó làm cho xã hội con người ý thức hơn về các vấn đề chung của nhân loại và của từng người.

II. ĐIỂM XUẤT PHÁT.

Việc toàn cầu hóa này xuất phát từ sự gặp gỡ và tác động qua lại giữa ba yếu tố sau:

1. cuộc cách mạng tin học,

2. sự tăng trưởng của các công ty lớn,

3. khuynh hướng của Hoa Kỳ luôn muốn là cường quốc bá chủ thế giới.

Hoạt động tương tác giữa ba nhân tố ấy đã dần dần thay đổi bộ mặt thế giới, và sự thay đổi đó chưa dừng lại khi thế kỷ 20 kết thúc.


Cuộc cách mạng tin học cho phép xử lý những khối thông tin thật lớn với giá cả càng ngày càng hạ. Nó giúp đưa thông tin về mọi lãnh vực đến khắp nơi trên thế giới với tốc độ ánh sáng. Thiếu nó, thì tình trạng toàn cầu hóa không thể đạt đến kết quả như ngày hôm nay. Tuy nhiên nó đã khởi sự từ thập niên 50 và phải chờ đến khi các thị trường mở cửa trên khắp thế giới thì bước phát triển mới trở nên chóng mặt. [1]

Từ năm 1945, Hoa kỳ đã trở thành ‘chủ nhân ông’ và tay ‘sen đầm quốc tế’, vì chiến tranh thứ II đã phá hủy mọi nước Châu Âu trong khi đó các nhà máy ở Mỹ bình chân như vại và ăn nên làm ra nhờ khách hàng Châu Âu đang mua vật tư và thiết bị để xây dựng lại đất nước mình. 30 năm sau, “ông chủ” ấy bị hụt hẫng với biến cố 1975 tại Việt Nam. Thế là “ông” chuyển từ sen đầm bằng vũ lực sang làm sen đầm bằng kinh tế.

Hoa Kỳ quyết định phá các hàng rào thuế (khởi sự từ trong nước) để tạo ra một thương trường ‘tự do’ và qua đó dành lại ưu thế đã mất của mình bằng phương tiện kinh tế. Lý do dễ hiểu là những công ty doanh nghiệp lớn nhất thế giới cũng như những tổ chức tài chánh đều là của Mỹ, và người hưởng lợi nhuận đầu tiên của chính sách phá hàng rào quan thuế chính là Hoa Kỳ. Điều này có thể giải quyết được nạn thất nghiệp trong nước và tài trợ cho công nghệ chiến tranh, mà cuối cùng, người thu lợi lại là những công ty Mỹ. Nếu không có quyết định mang tính kinh tế này của Hoa Kỳ, thế giới hẳn cũng tiến lên tình trạng toàn cầu hóa, nhưng có lẽ chậm hơn nhiều.

Cuộc cách mạng tin học và tham vọng của Hoa Kỳ hẳn sẽ không có được một kết quả như hiện nay nếu thiếu sự góp sức của thế giới tài chánh và kinh tế. Và thế giới này trở nên tác nhân chính cho việc toàn cầu hóa. Trong những năm 70, cuộc tái thiết Âu Châu đã hoàn tất, thế là Mỹ mất thị trường. Châu Âu bắt đầu sản xuất nhưng lại thiếu thị trường. Trên bình diện chính trị và ý thức hệ, các cuộc cách mạng xảy ra khắp nơi trên thế giới thứ ba, người Mỹ sa lầy tại Việt Nam... Trong bối cảnh đó, nhiều tổ chức đa quốc gia đã làm áp lực với Tổng Thống Mỹ để đưa ra biện pháp xóa bỏ hàng rào quan thuế, đó là cách thức để mở rộng thị trường. Các công ty lớn ở Tây Phương và Á châu bước theo con đường ấy. Cái qui luật cạnh tranh vì lợi nhuận của các công ty và các ngân hàng có được điều kiện để xâm nhập mọi quốc gia trên thế giới và tung hoành theo ý muốn của mình. Có thể là việc toàn cầu hóa chỉ khép kín trong thế giới tư bản nếu không hưởng được hai biến cố bất ngờ nhưng rất quan trọng, vào đầu thập niên 80: sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, ở Liên Xô và sự tham gia vào nền kinh tế thị trường của Trung Quốc. Hai biến cố này đã cho phép bàn tay toàn cầu hóa chạm đến khắp hành tinh. Và kể từ đó, thuật ngữ ‘toàn cầu hóa’ đã mang trọn ý nghĩa.

Như thế, việc toàn cầu hóa là việc phát triển đến khắp nơi trên địa cầu phương thức kinh tế thị trường và vâng theo qui luật doanh thương của các nhà tài phiệt thông qua cuộc cách mạng tin học. Toàn cầu hóa vừa là phương tiện vừa là kết quả của sự lèo lái của Hoa Kỳ.

III. HỆ QUẢ CỦA VIỆC TOÀN CẦU HÓA.


1. Hệ quả của việc toàn cầu hóa kinh doanh.

Từ năm 1980 đến năm 1996, vốn đầu tư trong các nước Phương Tây chỉ tăng gấp đôi, trong khi đó vốn đầu tư ở nước ngoài tăng lên gấp 6 lần. Đây không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên. Các công ty chiều theo cái qui luật kinh doanh là hướng về lợi nhuận, một qui luật mà nếu công ty nào không tuân theo thì sẽ bị triệt tiêu. Việc toàn cầu hóa đã buộc mọi quốc gia trên thế giới áp dụng qui luật này. Mọi thứ đều được đánh giá theo lợi nhuận, các quốc gia lẫn con người. Một quốc gia ‘tốt’ là một quốc gia mà ta kiếm lợi nhuận thật nhanh. Một chính phủ ‘tốt’ là một chính phủ giữ vững giá trị đồng tiền của mình, giữ vững an toàn cho quyền lợi của người đầu tư, sẵn sàng đầu tư vào việc đào tạo (chứ không cần phải giáo dục) và mua sắm thiết bị. Một lực lượng lao động ‘tốt’ là một lực lượng có khả năng chuyên môn cao, chịu làm việc nhiều và không hề đòi hỏi gì về lương bỗng. Và dần dần, cả thế giới cho rằng đó là qui luật duy nhất để tồn tại và phát triển.

Ta thấy rõ rằng qui luật ấy, nếu áp dụng triệt để, chỉ có thể làm cho kẻ mạnh ngày càng mạnh hơn và làm cho kẻ yếu ngày càng yếu hơn [2]. Hố ngăn cách trong xã hội ngày nay được đào sâu và mở rộng hơn. Điều này đã thay đổi quan niệm về các quốc gia trên thế giới. Trước đây, ta có những nước giàu và những nước nghèo. Trong nước giàu, mọi người đều có công ăn việc làm, thu nhập cao, sống thoải mái. Trong nước nghèo, mọi người đều khổ vì thiếu thốn mọi sự. Hiện nay trong mọi quốc gia đều có hố phân cách giữa người giàu và người nghèo, bất luận đó là một quốc gia phát triển hay một quốc gia chậm tiến [3].


Cái qui luật kinh doanh tàn nhẫn ấy dần dần biến con người thành một phương tiện sản xuất trong khi làm việc, và thành một đơn vị tiêu thụ ngoài giờ làm việc. Phẩm giá của con người được đo lường bằng khả năng mua sắm của họ. Tinh thần lợi nhuận bao trùm mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực văn hóa, nghệ thuật, tâm linh... Con người trên khắp hành tinh dần dần bắt đầu mọi sự với câu hỏi: “làm bài thơ này, sáng tác bản nhạc này, (thậm chí) làm việc nhân đạo này thì có lợi gì?” hoặc “Sống đức tin, đi tĩnh tâm thì có lợi gì?”. Trước một não trạng ‘kinh tế’ như thế thì làm sao giữ vững điều tốt (sản xuất nhiều của cải) mà không mang luôn cái xấu (tha hóa con người nói chung, và làm nghèo một bộ phận nhân loại nói riêng)?

2. Hệ quả của việc toàn cầu hóa thông tin.

Một trong những hệ quả ít người để ý đó là mỗi người sẽ có khả năng tạo ra một thế giới theo chiều kích của riêng mình. Cách đây 50 năm, một thanh niên muốn định hướng cuộc đời thì hẳn có quyền chọn lựa, nhưng sự chọn lựa ấy rất giới hạn. Anh ta có thể theo Cách Mạng, để chọn lý tưởng ‘mac-xit’ và hiến dâng đời mình cho quốc gia dân tộc. Anh ta có thể chọn lựa theo ‘phe tư bản’, để cố làm giàu cho nhanh và ‘sống chết mặc bay’. Anh ta có thể chọn lựa sống ‘hiện sinh’ và chẳng thắc mắc gì đến ngày mai. Anh ta có thể chọn lựa sống theo một tôn giáo và tuân giữ lời dạy của giáo chủ.

Mỗi chọn lựa này kéo theo sự chấp nhận toàn bộ hệ thống ý thức hệ và một quan điểm hay một thế giới quan đã lập sẵn, Chỉ cần phủ nhận một điểm trong hệ thống ấy là anh không còn đất để mà sống: ví dụ một người Cộng Sản phủ nhận bản chất sáng suốt tuyệt đối của Đảng, hay một người Công Giáo phủ nhận giá trị của một bí tích trong Giáo Hội. Thời bấy giờ, người ta sống với một khuôn mẫu ý thức hệ hoàn chỉnh, hễ theo bước đầu thì phải đi đến cuối. Và những khuôn mẫu đó được các cơ chế đề ra: Chính phủ, Giáo hội, Học Đường, và các đảng phái chính trị có tổ chức. Chỉ có các cơ chế đó mới có quyền thêm bớt vào bản ‘giáo điều’ và theo dõi việc thực thi các ‘giáo điều’ đó.

Tình trạng này đã kéo dài thật lâu trong lịch sử nhân loại. Từ hệ chủ nô, hệ phong kiến, hệ tư bản, đến hệ xã hội chủ nghĩa, đấy là chưa nói đến một số nhà độc tài, bạo chúa đã đẻ ra những hệ thống xã hội phù du, nhưng để lại những hậu quả tai hại, như hệ Phát Xít chẳng hạn.

Việc toàn cầu hóa kinh doanh đã biến mọi sự thành hàng hóa, và hiện nay con người được đối diện toàn bộ hàng hóa ‘ý thức hệ’, họ có thể tự do vào Internet để đọc Đạo Đức Kinh của Lão Tử, Kinh Lăng Nghiêm của Đức Phật, Tư Bản Luận của Các-Mác, Tal-mud của Do Thái Giáo, Tổng Luận Thần Học của Tôma Aquinô, và chọn một thế giới tư tưởng và một lối nhìn cho riêng mình mà không ai có thể và có quyền xâm phạm. Và trong lãnh vực hàng hoá này, ta có thượng vàng hạ cám. Đức Giêsu được đặt cùng ‘website’ với Nietzche, bản Giao Hưởng số 9 của Beethoven được đặt cạnh với bản nhạc Rap thuộc top ten trong tuần qua, tác phẩm Mona Lisa của Leonard de Vinci được trưng bày ngang hàng với bức Guernica của Pablo Picasso hay một bức họa cỗ Ai cập. Không có một ai đứng ra chỉ bảo cho người sử dụng phải theo chiều hướng nào, chỉ có bản ‘help’ và ‘wizard’ hướng dẫn cho người tham khảo thực hiện điều họ muốn mà thôi, và chính người ấy tự thiết lập (ngôn ngữ vi tính: customize ) ý thức hệ của mình.

Dần dần sẽ hình thành một ‘xã hội những con người riêng lẻ’, chỉ gắn với nhau qua liên hệ cung cầu và lợi nhuận. Nhưng đồng thời cũng xuất hiện những con người tương đối hóa mọi sự. Không còn gì là duy nhất đúng. Không còn cái phân chia nhị nguyên: ‘Tất cả những gì của phía bên này thì trắng, do đó tất cả những gì của phía bên kia thì đen’. Không còn một tổ chức nào là đáp ứng nguyện vọng suốt đời của mình. Số người sống chết cho một hệ ý thức ngày càng ít đi và số người hợp nhau từng giai đoạn lại gia tăng. Những hiệp hội được thành lập dưới mọi hình thức và người ta có thể gia nhập vào một giai đoạn nào đó để duy trì hay củng cố ‘cái lợi’ của mình. Họ cùng chung lưng đối cật trong một thời gian ngắn để 'đình công’ hoặc để tổ chức một ‘chương trình văn nghệ Tết’, hoặc trong một thời gian dài hơn để ‘giải phóng dân tộc’, rồi sau đó mỗi người đến với những nhóm khác. Những thể chế lâu đời vẫn còn đó và còn giá trị, nhưng ai cũng có quyền sống theo thế giới của mình. Thể chế hôn nhân chẳng hạn. Pháp luật mọi nơi trên thế giới, và đạo đức truyền thống ở rất nhiều nơi, vẫn tôn trọng hôn nhân, nhưng thực tế trên các nước phát triển cho thấy rằng hơn 50% các cặp vợ chồng sống với nhau bất chấp hôn nhân và thoải mái chia tay nhau khi thấy không còn ‘có lợi’ nữa.

Ngoài ra, những tiến bộ về liên lạc viễn thông đã thay đổi quan niệm về không gian. Từ trước đến nay, con người luôn luôn hiện diện cùng lúc với hình hài mình. Mình không thể hiện diện trong một buổi họp với người khác mà đồng thời vẫn ngồi trong phòng làm việc tại nhà. Hiện nay, những ‘chat room’ hay ‘video/voice conference’ trên Internet đã cho phép một người ngồi tại nhà mình ở Việt Nam, không cần mất một giây di chuyển, cũng có thể hiện diện để họp với một người ở Úc, một người ở Mỹ, ở Canada, ở Pháp, ở Nhật Bản... Ngoài ra, người ấy có thể mở nhiều ‘conference’ cùng một lúc và hiện diện ở nhiều buổi họp trong cùng một thời điểm: mọi lời phát biểu đều được ghi lại nguyên văn và người họp có thể trở lại lúc nào tùy ý, kể cả trong lúc đang họp. Khái niệm về ‘người lân cận’ đã thay đổi.

Người gần tôi nhất có thể không phải là người cư ngụ sát vách của tôi, mà là người đối tác trong công việc hôm nay hay người bạn cùng chung sở thích với tôi về một bản nhạc, và người ấy có thể ở tận Hà Nội hay Tokyo. Một người đến trước nhà tôi xin tiền, tôi thấy xa lạ hơn là một người vừa bị cơn lụt ở Huế quét sạch căn nhà lá của mình, vì truyền hình cho tôi thấy rõ cảnh tàn khốc kia, trong khi đó quá nhiều người từng bị lừa bởi những người (vờ) đau khổ đứng trước mặt. Mặt khác, tôi có thể xây dựng một cộng đoàn với những người ‘đồng đội’ của tôi trên một lãnh vực nào đó, và sống với cộng đoàn ấy trước máy vi tính mà hoàn toàn dửng dưng với những con người hay những biến cố chung quanh tôi.

Trong bối cảnh này, thay vì nhận toàn bộ một ý thức hệ đã lập sẵn và một nền văn hóa do môi trường sống của mình xác định, mỗi người có thể có nhiều khả năng chọn lựa hơn, từ những nhãn hiệu các sản phẩm vật chất thường dùng đến những bước đi trên con đường tâm linh. Thay vì lệ thuộc môi trường xung quanh với những người mình không thể không gặp mặt, tôi có thể đi vào một xã hội chỉ hiện diện những người tôi ưa thích. Con người dễ dàng chấp nhận một lối sống khác mình, họ trở nên cởi mở hơn và bớt tuyệt đối hóa mọi sự. Tuy nhiên, mọi xã hội đều được xác định bằng một nền văn hóa khiến cho các thành viên của mình liên đới với nhau và có thể cùng thực hiện một mục đích chung, thế thì trong tương lai xã hội sẽ như thế nào nếu mỗi người đi theo con đường riêng của mình? Phải chăng ta sẽ thấy xuất hiện nguy cơ là từng người sẽ đóng khung trong thế giới của riêng mình và chỉ tiếp xúc với người khác qua quan hệ cung cầu mà thôi?

Trong một nền kinh tế thị trường thì con người có thể sống được và hy vọng sống thoải mái hơn trước (có chắc hạnh phúc hơn không? Vì, ít ra là đối với nền văn hóa Việt Nam, hạnh phúc được đặt nền tảng trên những giá trị tinh thần nhiều hơn là trên những giá trị vật chất), nhưng trong một xã hội thị trường , thì liệu con người còn có thể sống một cuộc đời đáng sống chăng? Nếu việc tự do chọn lựa khiến cho con người không còn khả năng giao tiếp và liên hệ với nhau nhưng chỉ nói chuyện được với máy (ta có thể suốt đời yêu nhau trên máy không nhỉ?) thì đấy là một sự thụt lùi thay vì tiến bộ [4].

IV - GIÁO HỘI NGHĨ GÌ?

Trên đây là hai trong số nhiều hệ quả mà việc toàn cầu hóa khiến cho mọi giới đều phải suy nghĩ. Vì dù muốn dù không, từng quốc gia, từng tổ chức và từng con người đều phải thông qua tiến trình toàn cầu hóa ngay từ thập niên đầu tiên của thế kỷ 21.

Chắc chắn có nhiều điều để dự kiến trên bình diện chính trị, kinh tế, giáo dục, truyền thống, văn hóa, luân lý, và những người có trách nhiệm đã hoặc sẽ nhìn thế giới và dân tộc với một cái nhìn thích hợp và bắt tay vào việc dựa trên những cột mốc mới.

Trong bài này, chúng tôi chúng chỉ muốn tìm xem Giáo Hội nghĩ gì trước hiện tượng không thể không xảy ra này. Vấn đề không phải là xem hiện tượng ấy là một bình minh cho nhân loại và tiếp nhận không đắn đo, cũng không phải là phủ nhận như một giai đoạn bi đát mà nếu muốn sống còn, thì phải lui về nhà mình, inter nos , để an ủi nhau và cố thủ hầu giữ vững gia sản của cha ông.

Lập trường của Giáo Hội được xác định theo hướng ngày lễ Ngũ tuần. Tính chất toàn cầu của Kitô giáo được thể hiện qua sứ điệp của các tông đồ. Sau khi nhận lãnh Thánh Thần các ngài hiểu được những con người đến từ nhiều đất nước khác nhau dù không biết ngôn ngữ của họ, và họ cũng hiểu các ngài khi các ngài loan truyền sứ điệp về sự sống lại của Đức Giêsu, cho dù họ mang bất cứ quốc tịch nào. Ý nghĩa của sự điệp thật rõ ràng: sứ điệp ấy liên quan đến mọi người và không buộc mọi người phải giống hệt nhau mới có thể đón nhận. Sự khai sinh của Kitô giáo có thể được nhìn trong một viễn cảnh mà ngày nay ta gọi là toàn cầu hóa, nhưng một sự toàn cầu hóa tôn trọng cái khác biệt.

Ta hãy lưu ý hai điểm này: Một mặt, phép lạ ngày lễ Hiện Xuống không xảy ra cho những con người riêng lẻ, nhưng cho các Tông Đồ đang qui tụ với nhau. Vấn đề toàn cầu hóa đối với Kitô hữu không phải là một vấn đề cá nhân, đó là công trình tập thể của Giáo hội và của con người trong các cộng đồng khác nhau. Mặt khác, việc toàn cầu hóa ấy là hướng đến hạnh phúc của con người và các dân tộc. Nó không bao giờ nhằm vào của cải, mà ngày nay ta gọi là kinh tế, hay quyền lực, nhưng hướng đến việc thông cảm và hiểu biết giữa các dân tộc với nhau.

Tinh thần toàn cầu hóa ấy đã bị thử thách nặng nề vào thế kỷ thứ XVI, khi người ta đặt những vấn nạn về bản chất của những người Da Đỏ vừa mới được phát hiện ở Châu Mỹ. Họ có phải là con người đúng nghĩa không? Ta có nên đối xử với họ như là con người không? Quyền lợi kinh tế thời ấy đã khiến người ta trả lời là không. Vào thời ấy, được mấy người như Bartholome de las Casas dám đứng ra khẳng định là có? Và thậm chí kêu gọi phải có sự liên đới giữa người và người, giữa các dân tộc với nhau, vì tất cả mọi người đều đồng hàng trước mặt Chúa?

Do đó, hướng đi của Kitô hữu khi bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa này là một hướng đi Phúc Âm: Không thể nhân danh bất cứ ‘lời dạy dỗ’ nào để phủ nhận toàn bộ việc toàn cầu hóa, vì tiến trình ấy là một tiến trình nối kết mọi con người vào một nền văn hóa toàn cầu và giúp họ liên đới với nhau. Nhưng Phúc âm cũng không cho phép cho chúng ta đón nhận việc toàn cầu hóa một cách mù quáng. Cần phải phân định rõ ràng dựa trên ba câu hỏi sau: Việc toàn cầu hóa này có xem con người là mục tiêu hàng đầu không? Nó có liên quan đến mọi con người hay không? Nó có tôn trọng sự khác biệt không? Ba câu hỏi này chỉ là rút gọn những thao thức mà Giáo hội đã công bố từ ngày tiến trình toàn cầu hóa chưa khởi đầu, trong “Populorum Progressio”: thăng tiến từng người và mọi người.

Đấy là lập trường của Giáo hội, và cũng là điều mà mọi Kitô hữu phải suy tư khi bước và thế kỷ thứ 21 này. Và Giáo Hội mà chúng ta đang đề cập đây là Giáo Hội Nhiệm Thể Chúa Kitô, là Cộng Đồng Dân Chúa (Christifideles), trong đó vai trò của mỗi thành phần đề là chủ yếu (essential), chứ không phải là Giáo Hội hình tháp mà hiện nay vẫn còn có người muốn canh giữ, thậm chí củng cố cho vững chắc, để nhờ đó họ tiến lên càng cao càng tốt trong cái bon chen của thế giới quyền lực, và biến phần còn lại của Dân Chúa thành đám nô lệ cho những Pharaô mới.

Cái hình tháp đó là một hình ảnh ngược lại với hình ảnh ngày lễ Ngũ Tuần, mà ta tìm thấy trong Kinh Thánh, qua hình ảnh tháp Babel. Khi mọi người đồng lòng với nhau để thể hiện quyền lực của mình bằng cách xây một ngọn tháp ‘chọc (giận) trời’ thì họ không còn hiểu nhau nữa và mỗi người nói một ngôn ngữ khác nhau. Ta thấy hình ảnh ấy rất mang tính thời sự khi nghĩ đến mọi người trên thế giới hiện nay đang nói cùng một ngôn ngữ Internet. Vì sao những người xây tháp lại bị phạt? Ngoài lý do cổ điển là vì kiêu ngạo, ta có thể tìm ra một lý do khác: Họ hợp nhau lại để củng cố quyền lực, vì thế mà giữa loài người không còn hiệp thông và ngôn ngữ không còn đồng nhất nữa. Đó là sứ điệp đối nghịch với lễ Ngũ tuần. Vấn đề này cũng nóng bỏng chất thời sự, vì hiện nay, dưới nhiều hình thức và cách diễn đạt khác nhau, ở bình diện quốc tế hay quốc gia, ở bình diện giáo hội hay xã hội, cũng đều có hiện tượng củng cố quyền lực, chỉ khác nhau ở mức độ ít hay nhiều, minh nhiên hay ẩn dấu mà thôi.

Thế kỷ thứ 21 đã đảo lộn thế giới về mọi mặt: địa cầu đã trở thành một ngôi làng mà mọi nơi trên hành tinh chỉ còn xa nhau bằng một khoảng cách email. Vấn đề toàn cầu hóa, dù muốn dù không, cũng đang trở thành hiện thực trên mỗi một mảnh đất con người. Vận may hay thách thức? Cả hai mặt biện chứng vẫn còn đấy. Và đối với Kitô hữu, với tư cách là Dân Chúa trong Giáo Hội Nhiệm Thể Chúa Kitô, suy tư về vấn đề này cũng là định cho mình một hướng chọn lựa. Chọn lựa sống Lễ Ngũ Tuần hay chọn lựa xây dựng tháp Babel.

Phần Bị Chú


--------------------------------------------------------------------------------

[1] Trong vòng 20 năm, một cổ máy tính toán và xử lý thông tin lớn bằng một toà nhà, với giá 2 tỷ Đôla, đã trở thành một chiếc mày vi tính cỏn con nằm gọn trên bàn học trò với giá không quá 600 Đôla.

--------------------------------------------------------------------------------

[2] -Đây là trường hợp của đa số các nước Châu Phi ở phía dưới sa mạc Sahara: số lượng nợ của họ (1400 tỷ franc) tương đương với 270% thu nhập từ xuất khẩu. Mỗi năm, các nước này phải dành ra 1/5 ngân sách để trả nợ, và theo các tiêu chuẩn của Ngân hàng thế giới, thì các món nợ ấy sẽ không thể nào thanh toán xong.

-Việc mất giá đồng tiền trong các nước (do hệ thống kinh doanh toàn cầu) cũng là một nguyên nhân gây ra tác hại: một số vay bằng dôla với lãi suất 10% sau này phải trả thành 15-18%, nếu đồng tiền nước vay bị sụt giá. Kết quả: số nợ của các nước Châu Phi dưới sa mạc Sahara đã bị nhân lên 12 lần từ 1970 đến 1980.
(tài liệu CCFD: libérer des pauvres du poids de la dette. tr.3)

--------------------------------------------------------------------------------

[3] Năm 1960: thu nhập của 20% những ngưới giàu nhất thì bằng 30 lần thu nhập của 20% những người nghèo nhất. Năm 1995: thu nhập của 20% những người giàu nhất thì bằng 82 lần thu nhập của 20% người nghèo nhất.
20% những người giáu nhất chia nhau 83% thu nhập thế giới, và 20% những người nghèo nhất chia nhau 1,4% thu nhập thế giới (nt: tr. 2)

--------------------------------------------------------------------------------

[4] Riêng về hệ quả đối với Á Châu, xin tham chiếu văn kiện “MỘT GIÁO HỘI ĐỔI MỚI TẠI CHÂU Á SỨ MẠNG YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ” (Tuyên bố kết thúc Đại hội lần thứ 7 Liên hiệp các Hội đồng Giám mục Á châu (LHĐGM.AC) Họp tại Samphran, Thái Lan, từ 3 - 13 tháng 1 năm 2000) - mục ‘Toàn cầu hóa’ - Bản dịch của Ban Thường huấn Giáo phận TP.HCM

--------------------------------------------------------------------------------

Toàn cầu hoá

Chúng tôi nhìn vào kịch bản kinh tế của châu Á với mối quan tâm mục vụ lớn lao. Về phía chúng ta, cần phải có một nhận thức phê phán về những thực tại kinh tế-xã hội đa dạng và phức hợp của châu Á (Ecclesia in Asia, số 5. viết tắt : EA) Trong khi tiến trình toàn cầu hoá về kinh tế đã mang lại một số hiệu quả tích cực, chúng ta phải biết rằng "nó cũng gây thiệt hại cho người nghèo, có khuynh hướng đẩy những quốc gia nghèo hơn ra bên lề những quan hệ chính trị và kinh tế. Nhiều quốc gia tại châu Á đã không thể đứng vững trong nền kinh tế thị trường toàn cầu" (EA, 39). Hiện tượng gạt ra bên lề và loại trừ là những hậu quả trực tiếp. Toàn cầu hoá còn làm phát sinh những bất bình đẳng lớn hơn giữa người dân. Nó khiến cho chỉ một số nhỏ dân chúng cải tiến mức sống, còn nhiều người phải ở lại trong cùng khổ. Hậu quả khác nữa là tình trạng đô thị hoá quá mức, gây ra sự tập trung dân số quá lớn tại các đô thị và hậu quả là di dân, tội ác và sự khai thác những thành phần yếu kém hơn.

Chúng ta biết rằng "toàn cầu hoá về văn hoá" qua việc vận dụng quá mức các phương tiện truyền thông đang "nhanh chóng lôi kéo các xã hội Á châu vào nền văn hoá tiêu thụ toàn cầu, nền văn hoá vừa duy vật vừa duy thế tục", xói mòn hoặc gây ra sự xuống cấp những giá trị truyền thống của xã hội, tôn giáo và văn hoá, vốn là những giá trị nâng đỡ châu Á. Một tiến trình như thế là sự đe doạ lớn đối với các nền văn hoá và tôn giáo châu Á, đưa tới "thiệt hại không thể tính nổi" (x. EA,7).

Comments: Post a Comment

<< Trở về trang Mục Lục
C�m ơn qu� vị, xin mời v�o trang sau đ�y:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • This page is powered by Blogger. Isn't yours?