Egypt Israel Oct 2007




Bấm nút "Download Now"
để cài Windows Media Player. 
Windows Media Player 11
Download Now

Windows Media Download Center
 

Friday, June 24, 2005

 

Tiếng Nói Giáo Dân (bài 2)

Nhìn bài học quá khứ - Định hình cho tương lai

Linh Giao



* Voice Of The Faithful, phải chăng là Tiếng Nói Giáo Dân?

Cách đây khoảng hơn hai tuần, một anh bạn phổ biến trong buổi sinh hoạt nhóm một mẩu tin của tờ Hiệp Thông (của Trung Tâm Công Giáo Việt Nam tại Orange) ra ngày 11-1-04 đề cập về chuyện Tổng Giám Mục tại Atlanta ra lệnh cấm nhóm "Tiếng Nói Giáo Dân" (Voice of the Faithful) ..."không được dùng các nơi hội họp trong phạm vi nhà thờ để hội họp.., vì nhóm VOTF tại Atlanta này vẫn cứ tiếp tục thảo luận các vấn đề mà Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố không được tranh luận nữa... như vấn đề truyền chức linh mục cho phụ nữ..."

Chúng tôi chưa cần biết bản tin Hiệp Thông có hậu ý gì không khi dịch không sát nghĩa chữ Faithful là Giáo Dân, thay vì Tín Hữu để ám chỉ đến môt nhóm nào đó? Tuy nhiên chúng tôi thấy mình bị 'oan lây' vì chúng tôi chỉ mới chọn tên Tiếng Nói Giáo Dân cho Mạng Lưới này từ đầu tháng 2 năm 2004. Thế rồi lại một chuyện tình cờ khác xẩy đến khi Gs. Vũ Nhâm, một người bạn từ thời đi tù cải tạo, hiện đang sinh sống tại Boston, bắt liên lạc được với chúng tôi và gửi cho chúng tôi một số bài của nhóm Voice of the Faithful đặt bản doanh tại Boston. (Xin coi bài Voice of the Faithful

* Sứ mạng của Tiếng Nói Giáo Dân

Trước sự trùng hợp ngẫu nhiên với Tiếng Nói Giáo Dân của Hoa Kỳ, một tổ chức mang tầm vóc quốc tế, chúng tôi chỉ là những giáo dân nhỏ bé, tầm thường, tuy nhiên chúng tôi cũng mang những thao thức muốn đóng góp xây dựng Giáo Hội và quê hương. Chúng tôi ý thức mình là những tín hữu của Chúa Kitô, được thừa hưởng gia tài cứu độ của Ngài, sau khi Ngài đã hoàn thành công cuộc loan báo Tin Mừng (thi hành nhiệm vụ ngôn sứ), chịu chết tủi nhục trên thập giá (tư tế) và đã sống lại khải hoàn (vương đế). Thế thì mỗi tín hữu của Ngài cũng đều được Ngài chia sẻ cho ba nhiệm vụ ấy. (Xin coi thêm bài 'Tiếng Nói Giáo Dân, một mục vụ truyền thông' trong mục Quan Điểm). Chúng tôi ý thức ba nhiệm vụ ấy, người tín hữu không phải chờ đợi ai trao cho mình cả hoặc ra lệnh cho mình, nhưng phải nhận lãnh trực tiếp từ nơi Chúa Kitô trong cầu nguyện, trong tận hiệp với Ngài, trong lời sai đi cuối thánh lễ "Ite, misa est" (Thánh lễ đã xong, các con hãy lên đường)!

Gần nửa thế kỷ sau Công Đồng Vaticanô II, người giáo dân vẫn không có tiếng nói, không có cơ sở để thi hành thuận lợi ba nhiệm vụ của mình. Tất cả như chiếc bánh vẽ trên văn kiện để giáo dân ngồi chờ, ngồi đợi may ra đến lượt được cho vào ngồi ăn! Điển hình như Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ có khoảng mười hai ghế trong ban Điều Hành thì có tới mười ghế do các linh mục nắm giữ, một ghế cho nữ tu và một ghế cho giáo dân. Với một cơ cấu như vậy, giáo dân chỉ có đứng cầm lọng thôi!

May mắn thay, từ ba năm qua, một nhóm anh em giáo dân đã đồng tâm ngồi lại với nhau và vất vả lắm mới hình thành và phát triển được tiếng nói độc lập của tầng lớp giáo dân: Nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân. Và lần này, đến lượt chúng ta khai mở thêm Mạng Lưới Tiếng Nói Giáo Dân. Từ cơ sở truyền thông này, chúng ta quan niệm đây như một Mục Vụ Truyền Thông để người giáo dân thi hành nhiệm vụ ngôn sứ của mình. Chúng ta chủ trương đi theo phương pháp hành động của Chúa Giêsu: xem - xét - làm. Đây là phương pháp đào tạo môn đệ của Chúa hữu hiệu nhất và phong trào Công Giáo Tiến Hành đã áp dụng. Nhưng rồi vì vấn đề tranh chấp quyền hành, phong trào này đã tan rã. Đây, chúng ta hãy xem linh mục Flores, Dòng Tên, tóm lược khúc quanh lịch sử này: "Công Giáo Tiến Hành mang ý nghĩa 'người giáo dân chia sẻ việc tông đồ của hàng giáo phẩm' hoặc đây là sự cộng tác, phối hợp tông đồ giữa hàng giáo phẩm và giáo dân. Các phong trào này chính thức được hàng giáo phẩm nhìn nhận và hướng dẫn. Họ đi theo một đường lối tu đức và hoạt động phong phú và hữu hiệu trong môi trường họ sống. Tuy nhiên, những phong trào này đã đưa đến một số tranh chấp giữa hàng giáo sĩ và giáo dân, do đó, qua sự can thiệp của một số giám mục và đức giáo hoàng, hàng giáo sĩ thắng thế. Thế là những cơ may thăng tiến giáo dân bị chận lại hoặc bị hàng giáo phẩm kiểm soát hoặc hạn chế. Có nhiều nơi, các đoàn thể mang danh là Công Giáo Tiến Hành chỉ là những đoàn thể đọc kinh hoặc phục vụ trong thánh đường dưới quyền điều động của linh mục." (Xin xem thêm bài "Rút kinh nghiệm quá khứ..." trong mục Tu Đức & Thần Học).

* Cần khôi phục lại Phương Pháp Hành Động của Tin Mừng : Xem - Xét - Làm?

Trước thực tế phũ phàng kể trên, đã từ lâu tầng lớp giáo dân mất cơ hội thăng tiến và trở lại thời kỳ phong kiến, thay vì Xem - Xét - Làm, thì chỉ còn biết thi hành nhiệm vụ " pay - pray - obey". Điều đáng tiếc là sau khi dẹp bỏ phong trào Công Giáo Tiến Hành Chuyên Biệt này rồi, Giáo Hội đã không thay thế được một Phong trào nào khác đào tạo giáo dân hữu hiệu hơn và đẩy mạnh hoạt động tông đồ giữa môi trường sống và giữa trần thế bằng phong trào này. Từ đây tầng lớp giáo dân hầu như đánh mất vai trò chủ động của mình. Tầng lớp giáo dân không tạo được thế chủ động theo hệ thống hàng dọc cũng như hàng ngang của mình. Tầng lớp giáo dân hầu như cũng chẳng tổ chức được cuộc họp mặt hay một đại hội nào quy mô mang tầm vóc quốc gia hoặc quốc tế. Tất cả đều bị lệ thuộc hàng giáo phẩm. Đã đến thời điểm các giới chức giáo dân phải tích cực và chủ động nghĩ tới việc tự đoàn ngũ hoá chính mình trong Giáo Hội. Chúng ta đã thiếu lãnh đạo từ lâu rồi. Mình không tự tạo lấy, chẳng ai tạo cho mình cả đâu. Thời đại các giới chức chỉ biết mặc 'áo thụng', mũ ni che tai, rồi lên đọc diễn văn và thiếu khả năng hoạt động tông đồ, cần phải tự điều chỉnh và chấm dứt!

Rồi mai đây khi hàng giáo phẩm san sẻ quyền hành cho tầng lớp giáo dân, chúng ta đã sẵn sàng để tiếp nhận và điều hành được không? Điều cần thiết là ngay từ giờ chúng ta hãy trở lại theo học trường đào tạo tông đồ của Chúa Kitô trong Tin Mừng, theo phương pháp Xem - Xét - Làm. Chúng ta sẽ trở lại đề tài này trong một dịp gần đây. Đi bên cạnh phương pháp này, Chúa Kitô còn hướng dẫn chúng ta đi vào phương Kiểm Điểm Đời Sống. Không tự kiểm điểm chính mình và kiểm điểm cách sống cũng như hoạt động cho nhau dưới ánh sáng Tin Mừng, chắc chắn chúng ta sẽ đi trật đường rầy. Tất cả những phương pháp của Tin Mừng này, hầu như chúng ta ít thấy một tổ chức nào, một đoàn thể nào thuộc tầng lớp giáo sĩ cũng như giáo dân áp dụng tới nơi tới chốn. Thảo nào càng ngày chúng ta càng mắc vào nhiều sai sót.

Như vậy, những bài vở hiện nay trên Tiếng Nói Giáo Dân mang nhiều tính chất phơi bầy những tệ trạng, những sai sót trong Giáo Hội, đó là chúng ta đang đi bước đầu của Phương Pháp Tông Đồ nghĩa là Xem (Quan sát). Cũng có một số bài đang bước tới giai đoạn thứ hai là Xét (Phán đoán). Và lác đác cũng có một vài bài đang đưa ra các đề nghị chúng ta phải Làm (Hành động) gì. (Xin xem các bài viết trong mục Tu Đức & Thần Học). Đây là những việc làm nghiêm chỉnh và xây dựng. Như vậy chúng ta không sợ gì có những người quy tội cho chúng ta vạch áo hoặc chống đối hàng giáo phẩm. Chúng ta phải chấp nhận trả giá khi thi hành nhiệm vụ ngôn sứ (xin xem bài Tiếng Nói Giáo Dân trong mục Quan Điểm).

* Mục tiêu tối hậu của Tiếng Nói Giáo Dân

Chúng ta vừa đề cập về sứ mạng ngôn sứ của người tín hữu đi theo vết chân Minh Chủ của mình là Đức Kitô. Có thể nói chúng ta đang đi vào công việc thờ phượng Chúa Cha trong chân lý (Ga 4:23). Chúng ta sẽ lần lượt cùng nhau học hỏi nơi Chúa Giêsu qua bốn sách Tin Mừng và sách Công Vụ theo phương pháp kể trên, trong mục Trường Tông Đồ, không phải chỉ như một kiến thức, nhưng hơn thế, như một việc thờ phượng trong chân lý. Ở đây, chính Chúa Thánh Linh sẽ dậy dỗ chúng ta về Chúa Kitô và đường lối của Ngài, còn những người viết chỉ là những cây viết chì nhỏ dọn đường.

Giờ đây chúng ta đi vào sứ mạng tư tế của người tín hữu. Trong sứ mạng này, chúng ta xử dụng tới cái 'tâm' nhiều hơn, tức là thờ phượng Chúa Cha bằng thần khí: yêu Chúa bằng hết tâm hồn. Giờ đây chúng ta đến với Chúa không phải bằng cái đầu nữa, nhưng bằng trái tim. Chúng ta thờ phượng Chúa bằng con tim tức là bằng cầu nguyện và cao điểm của cầu nguyện, của tế tự chính là Thánh Lễ. (xin xem những bài "Nhận thức mới về Thánh Lễ" trong mục Tài liệu đặc biệt). Chúng ta cũng sẽ lần lượt học các cách thức cầu nguyện trong Cựu Ước, Tân Ước, qua các Thánh cũng như qua các nhà tu đức nổi tiếng của thế kỷ 20 với tiết mục mới: Mạng Lưới Cầu Nguyện. Song song với phần học hỏi kiến thức về cầu nguyện, chúng ta sẽ thực hiện cầu nguyện với nhau ngay trong phần phát thanh (audio). Sức mạnh của chúng ta nằm ở mấu chốt quan yếu này, vì chúng ta được nối kết, được thông hiệp vào nguồn sức mạnh của chính Thiên Chúa. Bước vào cầu nguyện, chính là chúng ta bước vào thế giới của Thánh Thần. Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta đi vào cầu nguyện thâm sâu và hiệu quả. Mọi cố công xây dựng, đóng góp, tranh đấu của chúng ta sẽ chỉ là 'xây nhà trên cát' nếu chúng ta thiếu cầu nguyện để xin Chúa chiến đấu cho chúng ta: "Trong trận này, các ngươi không phải chiến đấu, cứ án binh bất động mà xem ĐỨC CHÚA, Đấng ở với các ngươi, sẽ giải thoát các ngươi như thế nào" (2Sb 20:17).

Với sức mạnh của cầu nguyện, của Thần Khí, chúng ta mới có thể theo chân Chúa Giêsu để chiến thắng được các cám dỗ, các lo sợ tai họa, bệnh tật, chiến tranh, các dồn nén tâm lý, các đớn đau tâm hồn, các bất công, các tệ nạn, các ách thống trị... Cùng vác thập giá, cùng chết đi cho chính mình theo chân Chúa Giêsu, chúng ta sẽ cùng được sống lại vinh thắng với Ngài nhờ thần lực của Chúa Thánh Linh. Từ đây Chúa Thánh Linh không còn là một Vị Chúa xa lạ, Vị Chúa bị bỏ quên, nhưng đích thực, Ngài là Vị Chúa dũng mãnh và thiết thân hiện diện trong cuộc sống chúng ta. Được như thế, chúng ta đang thể hiện sứ mạng vương đế của mình.

Thi hành ba sứ mệnh của mình như vừa kể trên, quả thực chúng ta đang thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và chân lý. Thờ phượng Ngài như thế chính là chúng ta mở cửa lòng mời Ngài vào cư ngụ trong chúng ta, để Ngài nuôi dưỡng chúng ta bằng thịt máu Ngài, bằng Thánh Thần của Ngài. Thờ phượng Ngài như thế chính là sống trong bầu không khí thánh thiện, công chính. Thờ phượng Ngài như thế chính là chúng ta đang sống thiên đàng ngay trên trần thế này. Được như thế, chúng ta đang trên đường đạt được mục tiêu tối hậu là làm vinh danh Chúa: Ad Majorem Gloriam Dei. Và như thế, chúng ta đang là những người giáo dân Chúa Cha đi tìm kiếm.

Và đó là một số những định hình cho nền Tu Đức và Thần Học Giáo Dân mà Tiếng Nói Giáo Dân của chúng ta cần phải khai triển và mời gọi mọi người cùng tiến tới.

Mùa Chay 2004

Comments: Post a Comment

<< Trở về trang Mục Lục
C�m ơn qu� vị, xin mời v�o trang sau đ�y:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • This page is powered by Blogger. Isn't yours?