Egypt Israel Oct 2007




Bấm nút "Download Now"
để cài Windows Media Player. 
Windows Media Player 11
Download Now

Windows Media Download Center
 

Thursday, June 23, 2005

 

LÀ CÔNG GIÁO CAO CẢ LẮM SAO? Bài 2

Hoàng Quý viết theo Lm. Richard Rohr


Một vận hội

Trong tuần qua, chúng tôi có dịp ghé qua một tiệm sách Công giáo và đọc thấy nhan đề cuốn sách "The Courage To Be Catholic" của George Weigel, tác giả cuốn sách nổi tiếng quốc tế viết về ĐGH Gioan Phaolô II, cuốn "Witness To Hope." Ngay trong lời giới thiệu, tác giả đặt lại vấn đề cơn khủng hoảng của Giáo hội Hoa Kỳ vào đầu năm 2002, không chỉ là một cơn ác mộng, nhưng còn mang ý nghĩa là một cơ hội. "Cơn ác mộng của Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ vào năm 2002 sẽ trở thành cơ hội đào sâu và khơi động rộng ra những canh tân của Công đồng Vaticanô II nếu Giáo hội trở thành Công giáo hơn, chứ không kém- nếu Giáo hội tái vận dụng lòng can đảm trở thành Công giáo."

Theo tác giả, nguyên nhân sâu xa của cơn khủng hoảng vừa qua là do sự yếu đuối của hàng linh mục và đồng thời là sự thất bại của các giám mục, những chủ chiên đã không canh chừng đoàn chiến chống lại những kẻ phá hoại, nhất là những kẻ phá hoại ngay trong nhà mình. Trong cuốn sách của ông, tác giả không đề cập đến khía cạnh tiêu cực của cơn khủng hoảng, nhưng thâm sâu hơn, ông đề cập về cơn khủng hoảng này dưới khía cạnh tích cực: cơn khủng hoảng là một cơ hội, một vận hội mới cho Giáo hội đào sâu những canh tân của Giáo hội Công giáo đã được Công đồng Vaticanô II khởi động và ĐGH Gioan Phaolô II thúc đẩy trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài.

Danh từ Canh Tân (renewal) được Giáo hội Công giáo sử dụng để tránh danh từ Cải Tổ (reform) của Giáo hội Tin Lành. Và như vậy canh tân ở đây có nghĩa là cải tổ. Cải tổ trong lịch sử Giáo hội Công giáo có nghĩa là khôi phục lại, làm mới lại, khai triển những yếu tố thường bị quên lãng trong truyền thống Giáo hội. Cải tổ không có nghĩa là chối bỏ quá khứ hoặc cắt đứt hiện tại và tương lai ra khỏi quá khứ. Ý nghĩa tinh tế của chữ cải tổ trong Công giáo luôn luôn mang ý nghĩa là trở về quá khứ, trở về gốc nguồn, về cội rễ, để từ đây gầy dựng lại một tương lai mới tươi đẹp hơn.

Theo tác giả, mỗi cơn khủng hoảng trong Giáo hội đều là cơn khủng hoảng bất tín. Các giới chức và các tín hữu đã bất trung khi quay hướng nhìn khỏi Chúa Giêsu và đi tìm sự an toàn cho mình ở những nơi khác. Và như vậy câu trả lời cho cơn khủng hoảng của sự bất trung này chính là phải trung tín: quay đầu trở lại thực sự với Chúa Kitô, một cuộc cải tổ toàn diện hơn theo đúng nghĩa Công giáo. Nói cách khác, sự trung tín nền tảng chính là trung tín với Thiên Chúa chân thật và các lề luật của Ngài.


Trở về truyền thống

Trở lại với cuốn "Why Be Catholic?", ngay trong hàng đầu của chương thứ nhất đề cập về những khía cạnh tích cực của Công giáo, linh mục Rohr đặt nổi vai trò của truyền thống. Truyền thống nắm giữ vai trò then chốt của công việc cải tổ. Truyền thống ở đây không có nghĩa là những tập tục, những nghi lễ tái diễn hàng năm. Truyền thống được hiểu theo ý nghĩa thâm sâu như một nền văn hóa có ảnh hưởng lâu dài từ thế hệ này tới thế hệ kia, từ đời này tới đời khác. Và như vậy Công giáo là toàn bộ cách thức suy nghĩ và rung cảm về đời sống, về Thiên Chúa và về chính mình, và còn là cách thức cư xử và đáp ứng với những người khác và với mọi hoàn cảnh.

Công giáo là một truyền thống tôn giáo mang những yếu tố văn hóa của cả Đông phương và Tây phương. Công giáo bắt nguồn từ Do Thái thuộc miền Trung Đông Á Châu và chiếm ưu thế tại Tây phương từ cuộc trở lại của Đế quốc Roma vào thế kỷ thứ tư và phúc âm hóa Âu châu khởi đầu vào thế kỷ thứ bẩy. Và như vậy truyền thống Công giáo giống như một cây cổ thụ với gốc rễ là Đông phương, được đem trồng trên đất Tây phương và phát triển tươi tốt nhờ chất nuôi dưỡng của Âu châu.

Như một truyền thống Đông phương, Công giáo là một truyền thống về những điều khôn ngoan, về kiến thức. Công giáo là một lối sống, là lối giao tiếp với Thiên Chúa và với người khác, hàm chứa kho khôn ngoan của thế giới cổ đại. Đây là một truyền thống tâm linh của những tăng trưởng cá nhân và những giao tiếp liên đới được diễn đạt cao cả nhất trong Kinh Thánh. Cả Cựu Ước và Tân Ước đều quan tâm đến việc con người cần sống liên hệ thế nào với Thiên Chúa và với nhau để đạt tới cuộc sống tràn đầy và hạnh phúc thực sự.

Như một truyền thống Tây phương, Công giáo là một truyền thống thực tiễn. Thiên tài của Đế quốc Roma là khả năng thực hành có thể cai quản nhiều nhóm khác nhau và duy trì trong an bình với nhau. Công giáo thừa hưởng được khả năng tổ chức và sử dụng vào công việc phúc âm hóa Âu châu và cai quản Giáo hội thời Trung cổ. Công giáo đã tìm ra cách thức duy trì được kho khôn ngoan của Kinh Thánh trong lúc thiết lập đức tin tại thế giới Tây phương. Tuy nhiên đây cũng là một điều bất hạnh vì ảnh hưởng của văn hóa Tây phương nơi Kitô giáo đã gây phương hại cho gốc rễ tôn giáo của chúng ta.

Việc chúng ta coi nhẹ kho tàng khôn ngoan của Kinh Thánh, nhất là các bài học của các ngôn sứ và Tin Mừng, đã tạo ra việc cho phép Âu châu tiến hành chiến tranh. Việc chúng ta coi thường những lời giảng dậy của Chúa Giêsu và những tấm gương sống đạo của các tín hữu tiên khởi đã buông thả cho lối sống Tây phương chạy theo của cải, vật chất.

Trong truyền thống của chúng ta, chủ nghĩa thực dụng của Tây phương thường khuynh đảo nền tu đức của Đông phương. Đầu óc của Tây phương hướng ngoại, nhìn về thế giới chung quanh. Trong khi đó đầu óc Đông phương lại hướng nội, lại quay về tâm hồn. Họ thích tập trung vào thế giới tâm linh, vào những cảm nghĩ, những giá trị và những thái độ sống. Chính vì thế, Kitô giáo trổi vượt về cơ chế, về tổ chức hơn là về tâm linh và nếp sống cá nhân.

Ưu thế của Công giáo chính là đã phối hợp được nền tâm linh của Đông phương và lối sống thực tiễn của Tây phương để phát triển tốt đẹp. Công giáo đã sản sinh được những vị đại thánh, những nhà thần học thượng trí, những vị cai trị giỏi giang nơi nhiều giáo hoàng và giám mục. Công giáo đã gầy dựng được những phong trào rộng lớn như các dòng khổ tu, các kinh viện, các tu hội trong mọi thời đại và nhất là vào những thời kỳ đen tối. Công giáo đã là một truyền thống của một nền tu đức thực tiễn, của một kho khôn ngoan đem ra thực hành.

Tuy nhiên, mặt tiêu cực của Công giáo chính là đã không duy trì được tổng hợp giữa tư tưởng Đông phương và Tây phương. Và khi cán cân lệch đi, hoặc đảo lộn, phần lớn Công giáo đổ theo hướng chủ nghĩa thực tiễn của Tây phương. Từ đây Công giáo trở thành hẹp hòi, chạy theo luật lệ, chuyên chế, ưa kiểm soát, vô tâm và chủ vị lợi. Công giáo đôi khi trở thành một truyền thống cơ chế điều hành nghiêm khắc.


Thấu hiểu việc Tạo dựng

Vừa rồi linh mục Rohr hướng chúng ta về cái nhìn truyền thống của Công giáo một cách đại quan. Và tiếp tục trong chương thứ nhất này, tác giả trình bầy những ưu điểm của Công giáo. Ưu điểm đầu tiên của Công giáo chính là Công giáo đã thẩm định được giá trị của việc tạo dựng. Quả thực Công giáo từ truyền thống đã hướng về thế giới thiện hảo và các công trình tạo dựng của Thiên Chúa như trong sách Sáng Thế đã diễn tả: "Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp" (St 1:31). Truyền tống Công giáo có cái nhìn về thế giới yêu đời, lạc quan. Tất cả mọi chuyện lớn nhỏ đều đến từ Thiên Chúa qua việc tạo dựng.

Ở đây Thanh giáo (Puritanism) khác với Công giáo khi chủ trương vui thú là tội lỗi và vẻ đẹp là những cám dỗ của quỷ ma. Vào thế kỷ thứ mười sáu, hệ phái Tin Lành chỉ trích Giáo hội Công giáo sống quá thế tục và trụy lạc, và phản ứng lại, Công giáo lại cố công chạy theo lối sống thanh sạch của Thánh giáo, nhất là về lãnh vực luân lý giới tính. Từ đây nhiều Kitô hữu không còn tin những thiện hảo trọn vẹn của tạo dựng. Từ đây nảy sinh nhiều hệ phái tà đạo khi có những người chủ trương thế giới vật chất này là quỷ ma. Rồi trong thời Trung cổ một số thầy dòng coi chuyện giới tính là tội lỗi. Sau này một số Công giáo theo khuynh hướng Thanh giáo (Jansenist) kết án thế tục và khoái lạc. Những chủ trương này đã ảnh hưởng không ít đến một số linh mục hoặc nữ tu coi tội dâm dục là tội nặng nhất và xấu xa nhất.

Tuy nhiên, cái nhìn truyền thống của Công giáo từ xa xưa cởi mở hơn khi thẩm định mọi chuyện đều thiện hảo do thiên nhiên cung ứng như đồ ăn, thức uống, con cái, chuyện giới tính. Tất cả đều là ân huệ của Thiên Chúa. Và đây là lý do tại sao Công giáo từ nền tảng mang tính chất dấu chỉ hoặc bí tích. Bí tích (sacrament) hay dấu chỉ chính là dấu hiệu của lòng thiện hảo của Thiên Chúa đối với chúng ta. Kho tàng minh triết của Công giáo chủ trương rằng thế giới và mọi sự đều là ân huệ của Thiên Chúa và là dấu chỉ của Ngài. Trong bẩy bí tích chúng ta thường cử hành đều sử dụng tới nước và dầu, bánh và rượu, và việc đụng tay, như những dấu hiệu của một Thiên Chúa yêu thương. Người Công giáo nhìn Thiên Chúa chiếu sáng qua mọi vật tạo dựng và từ đó Giáo hội sử dụng các tặng phẩm của tạo dựng trong những nghi thức quan trọng nhất.

Công giáo còn quan niệm xác thịt là trung gian cho thần trí. Thân thể là phương thế nhờ đó con người phát triển về các mặt tâm lý, trí tuệ và tâm linh. Thế giới vật chất là máng chuyển ơn của Thiên Chúa, vì nhờ đó chúng ta cảm nhận được những thiện hảo của cuộc đời này chính là những thiện hảo của Thiên Chúa.

Chúng ta còn có thể nói thần học Công giáo là một nền thần học nhập thể. Khi nghe đến nhập thể, lập tức chúng ta nghĩ ngay đến Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể. Và nếu Chúa Giêsu là một nhập thể của Thiên Chúa, Ngài cũng là một mặc khải, một biểu hiện của Thiên Chúa. Mầu nhiệm của Thiên Chúa được biểu lộ theo cách thức chúng ta có thể nhìn thấy nơi Chúa Giêsu. Đời sống ân huệ của Thiên Chúa được diễn tả nơi đời sống Chúa Giêsu. Thiên Chúa thông đạt cho chúng ta theo cách thức chúng ta có thể nghe được qua lời giảng dậy của Chúa Giêsu. Hoạt động của Thiên Chúa trong thế giới được biểu lộ trong các việc làm của Chúa Giêsu. Thiên Chúa bầy tỏ tình yêu của Ngài cho con người qua tình yêu thương của Chúa Giêsu. Thiên Chúa còn biểu lộ bí mật ơn cứu độ tối hậu nơi cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu.

Vì Chúa Giêsu là mặc khải tổi thượng của Thiên Chúa, Ngài chính là bí tích nền tảng của Thiên Chúa. Ngài chính là dấu hiệu cao cả nhất của tình yêu cũng như sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa nơi thế giới. Bí tích Giêsu không kết thúc với việc thăng thiên, nhưng trái lại vẫn tiếp tục trong Giáo hội được gọi là Thân Thể Chúa Giêsu ngay từ thời Thánh Phaolô. Giáo hội như là toàn Dân của Thiên Chúa dưới quyền lãnh đạo của Chúa Giêsu, vẫn nhập thể việc hiện diện thần thiêng nơi tạo dựng theo như cách thức Ngài đã thể hiện khi xưa. Giáo hội từ nền tảng chính là bí tích, là dấu chỉ của Thiên Chúa nơi trần gian.

Và đây là lý do tại sao Giáo hội Công giáo nhấn mạnh nhiều đến các bí tích. Chúng ta tin rằng cách đây hơn hai ngàn năm nhiều người đã giao tiếp được với Thiên Chúa khi họ được Chúa Giêsu đụng chạm đến, ngày nay khi các tín hữu đến giao tiếp với Thiên Chúa, họ cũng được đụng chạm bằng nước, bằng dầu, bằng đặt tay. Chúng ta cũng đặt những chuyện giản dị và căn bản như bữa ăn gồm có bánh và rượu vào trung tâm việc thờ phượng. Thánh Thể chính là cách thức người Công giáo muốn diễn tả việc giao tiếp với Thiên Chúa, trước tiên không phải qua việc suy niệm, nhưng qua việc chia sẻ thức ăn với nhau. Việc thờ phượng của chúng ta mang tính chất thể lý và giao tiếp nhiều hơn là dùng ngôn từ và trí tuệ. Phụng vụ là việc cử hành tập thể của một thực tại nhập thể - việc chia sẻ đời sống của Chúa Giêsu nơi chúng ta cho nhau.

Trong khi đó, Giáo hội Tin Lành lại nhấn mạnh đến Kinh Thánh. Thay vì đặt bàn thánh là trung tâm của việc thờ phượng thì các Giáo hội này lại đặt Kinh Thánh vào đây. Việc rao giảng Kinh Thánh trở thành việc quan yếu. Và như vậy việc thờ phượng thiên về ngôn từ hơn là bí tích. Còn các tôn giáo Đông phương thì sao? Ấn giáo và Phật giáo nhấn mạnh đến suy niệm. Các tôn giáo này không coi trọng chiều kích cộng đồng, tập thể trong việc thờ phượng và rút về chiều kích cá thể. Cầu nguyện riêng tư là việc quan trọng, và việc chiêm niệm hướng lái lối sống mang tính chất cá thể hơn là cộng đồng, tri thức hơn là nhập thể.

Truyền thống Công giáo, được phản ánh nơi thần học và thờ phượng, là một truyền thống nhập thể và bí tích. Truyền thống này coi trọng thế giới và thôi thúc chúng ta tìm ra Chúa nơi đây. Truyền thống này coi trọng những hoạt động nhân bản và thôi thúc chúng ta sống như Chúa Giêsu nơi trần gian. Giáo hội luôn luôn đề cao công bằng bác ái xã hội vì tin rằng sự công chính của Thiên Chúa không phải chỉ để nói, để rao giảng, nhưng phải được nhập thể vào các hoạt động nhân linh.

Kỳ tới: Tầm nhìn đại đồng

Comments: Post a Comment

<< Trở về trang Mục Lục
C�m ơn qu� vị, xin mời v�o trang sau đ�y:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • This page is powered by Blogger. Isn't yours?