Egypt Israel Oct 2007




Bấm nút "Download Now"
để cài Windows Media Player. 
Windows Media Player 11
Download Now

Windows Media Download Center
 

Friday, June 24, 2005

 

TIẾNG NÓI GIÁO DÂN, MỘT MỤC VỤ TRUYỀN THÔNG - bài 1

Linh Giao

* TẠI SAO LẠI TIẾNG NÓI GIÁO DÂN?

Trong buổi họp mặt tân niên Giáp Thân 2004 của Nguyệt san Hiệp Nhất mới đây, khi tôi giới thiệu với một giới chức giáo dân về Trang Nhà Tiếng Nói Giáo Dân sắp trình làng, giới chức này tỏ ra sửng sốt và lo ngại: "Tại sao lại Tiếng Nói Giáo Dân?" Và tôi tin chắc nhiều tín hữu khác cũng có thái độ như thế khi thấy xuất hiện thêm một tiếng nói giáo dân nữa bên cạnh Nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân! Tiếng 'giáo dân' hình như trở thành dị ứng hoặc chướng tai gai mắt với nhiều người!

Cách đây ba năm, một số anh chị em giáo dân ý thức được vai trò chủ động của người tín hữu, một khi đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội là phải thi hành trách vụ ngôn sứ của mình, và chúng tôi đã đồng tâm ấn hành Tập san Diễn Đàn Giáo Dân. Ngay khi vừa nghe thấy dự tính của chúng tôi, một số giáo sĩ đã tìm cách cản ngăn liền và lên án. Và khi đó tôi tự hỏi: chả lẽ người giáo dân không có quyền có tiếng nói trong Giáo Hội sao?

Thực tế đã chứng minh cho chúng tôi thấy hầu hết các cơ quan ngôn luận trong Giáo Hội đều nằm trong tay hàng giáo sĩ. Những bài viết có chút đụng chạm đến hàng giáo phẩm hoặc không hợp ý quý ngài, đều bị từ chối hoặc làm ngơ. Thỉnh thoảng mới có bài lọt qua được hàng rào 'fire wall'. Nguyệt san Hiệp Nhất hầu như đều do công lao và tiền của đóng góp của tầng lớp giáo dân, nhưng sau hai năm tạo được bề thế, tờ báo lại nằm trong vòng chủ quyền của hàng giáo sĩ! Tại đây, người giáo dân không còn tiếng nói trung thực của mình. Tầng lớp giáo dân đông đảo trở thành 'homeless' không có tiếng nói!

Sau ba năm dầy dạn với chịu đựng và thách thức, ngày nay Nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân đã được khắp nơi đón nhận và đang trở thành nguyệt san phong phú và thâm thúy nhất. Càng ngày càng thêm nhiều giáo dân và giáo sĩ ghi danh tìm đọc. Và như vậy, "sự thật đang giải thoát" tầng lớp giáo dân dám xả thân đi theo đường lối của Tin Mừng: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16:15) - "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá" (Mc 16:15) - "Các con hãy ra khơi thả lưới" (...), những Lệnh Truyền của Chúa vừa rồi, chúng tôi chắc chắn Chúa không chỉ nói với hàng giáo sĩ, nhưng Chúa nói cả với tầng lớp giáo dân đông đảo của Ngài.

* TIẾNG NÓI GIÁO DÂN, MỘT MỤC VỤ TRUYỀN THÔNG

Từ sau Công Đồng Vaticanô II cho tới nay, rất nhiều văn kiện cũng như giáo huấn của Giáo Hội đều mời gọi tầng lớp giáo dân dấn thân vào công việc tông đồ trong Giáo Hội cũng như giữa trần thế. Và như vậy chúng tôi chắc chắn đây không phải là những chiếc bánh vẽ, hoặc là những đường lối mị dân, nhưng đích thực Giáo Hội mời gọi tầng lớp giáo dân phải dấn thân chủ động trong Giáo Hội và ngoài xã hội. Nhưng thực tế, tại rất nhiều địa phương, những văn kiện, những giáo huấn này của Giáo Hội ít được khai triển. Và mọi quyền chủ động trong Giáo Hội đều nằm trong tay quản trị của hàng giáo sĩ. Tầng lớp giáo dân vẫn không được nhắc nhở hoặc đào tạo phải nắm lấy vận mệnh chủ động của mình trong Giáo Hội và giữa trần thế. Hầu như mọi công tác, mọi hoạt động của giáo dân vẫn còn nằm trong khuôn khổ cũ: "Xin - Cho". Những gì có vẻ đi ngược lại với ý muốn của hàng giáo sĩ đều dễ bị kết án là chống cha tức là chống Chúa. Thật là một lối lập luận kỳ cục và nhồi sọ, không phù hợp với Tin Mừng!

Đã từ lâu tầng lớp giáo dân vẫn trông đợi hàng giáo phẩm Việt Nam khai thông những bế tắc này và mở ra những cửa ngõ mới giúp người giáo dân 'Ra Khơi', nhưng cho tới nay chúng ta vẫn chưa nhìn ra được dấu hiệu nào khả quan cả, trái lại vẫn ù lì, vẫn biệt vô âm tín. Với những thực tại ngao ngán như thế, Lời Tin Mừng của Chúa Kitô, không phải nói với hàng tư tế, nhưng với nàng thiếu phụ Samaria, càng thúc bách chúng ta phải hăng hái chủ động lên đường loan báo Tin Mừng: ""Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật" (Ga 4:23).

Chúng ta đã tìm ra được chiếc chìa khóa Chúa trao đến cho từng tín hữu của Ngài: hãy thờ phượng Ngài trong Thần Khí và Sự Thật. Giờ là thời điểm Chúa Cha đang đi tìm kiếm những ai thờ phượng Ngài như thế. Thờ phượng Ngài ngày nay không còn chỉ là trong thánh đường, nhưng quan trọng hơn là trong cuộc sống. Giờ đây, tất cả những ai thành tín tìm đến với Ngài, cầu nguyện với Ngài sẽ được thần khí Ngài là Chúa Thánh Linh và sự thật của Ngài là Chúa Kitô trực tiếp hướng dẫn họ. Mục vụ là việc chăn dắt chiên của Ngài không chỉ còn nằm trong khuôn khổ thánh đường, nhưng quan trọng hơn là chính Ngài sẽ dẫn dắt họ trên mọi nẻo đường cuộc sống để giúp họ biết thờ phượng, biết loan báo Tin Mừng và biết làm chứng tá cho Tin Mừng. Như vậy người giáo dân không thi hành sứ mệnh ngôn sứ của mình trên bục giảng nhà thờ, nhưng quan trọng hơn trên từng bục giảng cuộc sống: nơi gia đình, trong nhóm, trong đoàn thể, trong các môi trường xã hội... Chính từ nơi công bố của Chúa này, chúng ta cảm nhận được ơn gọi giáo dân của mình là phải chủ động đem Lời Chúa đến cho tha nhân và hơn thế nữa, còn phải làm chứng tá cho Lời Ngài.

Ở đây chúng ta không nhận mình là ngôn sứ theo đúng nghĩa của danh từ, nhưng chúng ta thi hành nhiệm vụ ngôn sứ của một Kitô Hữu, tức là người đã thuộc về Chúa Kitô và phải tiếp tục truyền thông Tin Mừng của Ngài đến cho người khác. Và đây là ý nghĩa đích thực của Mục Vụ Truyền Thông. Người đứng đầu mục vụ này không ai khác, chính là Chúa Thánh Linh. Chính trong ý hướng này, chúng ta cầu nguyện Chúa Thánh Linh hướng dẫn chúng ta khai mở diễn đàn mới này trên mạng lưới toàn cầu: Tiếng Nói Giáo Dân. Ở đây chúng ta cũng tha thiết mời gọi hàng giáo phẩm cùng đóng góp tiếng nói với chúng ta và sửa chữa chúng ta nếu có những gì đi trật đường hướng của Tin Mừng và của Giáo Hội. Và như vậy, Tiếng Nói Giáo Dân không chỉ đơn thuần là một cơ sở truyền thông, nhưng hơn thế, còn phải trở thành một mục vụ, một việc thờ phượng trong Thần Khí và trong Sự Thật.

* HÃY NẮM LẤY THẾ CHỦ ĐỘNG

Nghe đến cụm từ 'thi hành nhiệm vụ ngôn sứ' ai cũng ham cả. Nhưng thực chất đâu đơn giản thế. Cha ông ta thường nói: 'có tiếng mà không có miếng - Được tiếng khen, ho hen chẳng còn!' Những nhận xét đó thật thấm thía. Nhìn vào Thánh Kinh, hầu như chúng ta chẳng thấy vị ngôn sứ nào được miếng cả. Trái lại, vị nào cũng lãnh đủ gian chuân. Ngay trong Tân Ước, Thánh Gioan Tẩy Giả, đã phải trả cái giá quá mắc là tù đầy và bay đầu. Còn Đức Giêsu, khi đụng chạm tới giới lãnh đạo kỳ mục, tư tế, kinh sư, Pharisiêu, Ngài còn phải trả cái giá mắc hơn thế: dong duổi vác thập giá lên Đồi Sọ và bị chết treo nhục nhã trên đó. Và như vậy, những ai bước đi theo Ngài trong sứ vụ này, cũng phải chuẩn bị cho mình tư thế chấp nhận lao đao, khốn quẫn, thập giá.

Từ đây chúng ta nhìn ra sứ mệnh tư tế của một Kitô Hữu. Thật vậy, Chúa Giêsu, Vị Chủ Tướng của chúng ta đã làm gương trước. Từ sứ vụ ngôn sứ là loan báo Tin Mừng, Ngài đã trở thành Con Chiên Bị Sát Tế. Chính Ngài trở thành vật hiến tế để đem lại ơn cứu độ cho trần thế và làm tôn vinh Chúa Cha: "Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha (Ga 17:1). Như vậy, bất cứ một tín hữu nào khi thi hành nhiệm vụ ngôn sứ và gặp thử thách gian nan, họ hãy ý thức mình đang được Chúa cho thông hiệp vào lễ hiến tế của Ngài để làm tôn vinh Chúa Cha. Ở đây, người tín hữu cũng cần phải nhắc nhớ cho mình là tất cả mọi vinh quang phải dành cho Chúa, chứ không phải cho mình, vì chính Chúa mới là tác nhân thực sự của mục vụ truyền thông. Chúng ta không thể dựa hơi Chúa để tìm kiến vinh danh cho mình được. Thiên Chúa rất nghiêm khắc trong lãnh vực này. Chúng ta cứ tập trung mọi năng lực vào việc nâng Chúa lên cao, rồi Chúa sẽ nâng chúng ta lên, chứ không phải tự chúng ta nâng mình lên cao được: "..."

Từ đây chúng ta cũng nhìn ra sứ mệnh vương đế của mỗi Kitô Hữu. Thực vậy, Chúa Giêsu từ sau cái chết ê chề trên thập giá và bị chôn trong mồ ba ngày, Ngài đã phục sinh vinh hiển. Từ giây phút phục sinh này, Ngài đã chiến thắng và bá chủ sự chết, thống trị thế gian và đè bẹp bầy quỷ dữ. Như vậy, những ai cùng chiến đấu gian khổ với Ngài, họ sẽ được Ngài cho cùng chiến thắng với Ngài: "Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian" (Ga 16:33).

Hành trình cuộc đời của mỗi Kitô Hữu muốn thực sự đi theo Chúa là thế đó! Bước đi theo Ngài như thế, không thể là những bước đi e ngại, thụ động, nhưng phải chủ động dấn bước đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh trong cầu nguyện và trong gặp gỡ Lời Chúa. Nếu may mắn chúng ta được hàng giáo phẩm đôn đốc chúng ta đi vào làm vườn nho cho Chúa, chúng ta hãy cảm tạ Chúa, nếu không, tầng lớp giáo dân phải đứng lên cầm nắm vận mệnh của mình.

Chúa không bảo chúng ta ngồi chờ ở ngoài vườn nho cho tới khi hàng giáo phẩm ra thuê mướn chúng ta, nhưng vườn nho là của Chúa, Chúa mới là chủ nhân đích thực. Chúa không bảo chúng ta ngồi chờ lệnh của hàng giáo phẩm trên bãi biển, nhưng Ngài ra lệnh cho tất cả các tín hữu (giáo sĩ và giáo dân) của Ngài hãy cùng ra khơi thả lưới.

Giờ đây phải chăng chúng ta không còn nghe tiếng Ngài văng vẳng bên tai chúng ta lời Ngài động viên nàng thiếu phụ Samaria - một người 'ngoại giáo' chứ không phải một tư tế - hãy thờ phượng Ngài trong Thần Khí và Sự Thật và lên đường loan báo Tin Mừng của Ngài cho dân làng: "Nhưng giờ là thời điểm - và ngay lúc này đây..." (Ga 4:23)? Phải chăng Ngài cũng không nói với chúng ta như thế sao? Chúng ta đành thua nàng thiếu phụ 'ngoại giáo' này sao???

Comments: Post a Comment

<< Trở về trang Mục Lục
C�m ơn qu� vị, xin mời v�o trang sau đ�y:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • This page is powered by Blogger. Isn't yours?