Egypt Israel Oct 2007




Bấm nút "Download Now"
để cài Windows Media Player. 
Windows Media Player 11
Download Now

Windows Media Download Center
 

Thursday, June 23, 2005

 

Tại sao là Công giáo? Bài 7

LÀ CÔNG GIÁO VỠ MỘNG LẮM SAO?


Hoàng Quý viết theo Lm. Richard Rohr


BÓNG TỐI CÔNG GIÁO

Chúng tôi mới giới thiệu với quý độc giả chương thứ nhất của cuốn "Why To Be Catholic?" mang đầu đề "Là Công giáo cao cả lắm sao?" Trong chương đầu này, Lm. Rohr đã trình bầy những ưu điểm, những thành đạt, những thiện hảo của Công giáo. Nói một cách tổng quát, Lm Rohr đã trình bầy mặt phải của Công giáo. Là người Công giáo, chúng ta hãnh diện được ở trong Giáo hội này.

Sau đây là bản tóm lược các ưu điểm của Công giáo:

- Thấu hiểu việc tạo dựng (bài 2)
- Tầm nhìn thế giới (bài 3)
- Lời mời gọi sống thánh thiện (bài 3)
- Kinh nghiệm sống cộng đoàn (bài 4)
- Mời gọi biến đổi xã hội (bài 5)
- Ý thức thâm sâu về lịch sử (bài 6)
- Thái độ lạc quan (bài 6).

Mỗi bàn tay đều có hai mặt: mặt phải và mặt trái. Lm. Rohr như một hướng dẫn viên du lịch vừa chỉ cho chúng ta nhìn ra mặt phải của Giáo hội Công giáo. Và trong chương hai, tác giả hướng chúng ta nhìn ra mặt trái của Giáo hội. Là một học giả, đồng thời lại là một linh mục, những nhận định của tác giả về Giáo hội tỏ ra khách quan, thâm thúy và xây dựng. Tuy nhiên với đa số các tín hữu, không ai muốn nghe người nào nói những khuyết điểm, hoặc mặt trái của Giáo hội. Người nào nói đụng đến một giáo sĩ không thôi, chứ chưa cần nói tới Giáo hội, họ sẽ dễ dàng bị chụp mũ là "chống cha là chống Chúa, chống Giáo hội."

Tâm trạng sùng thượng Giáo hội và hàng giáo phẩm mù quáng này không những đã ăn sâu vào trong máu huyết của các tín hữu Việt Nam, nhưng ngay cả đến một số giám mục tại Hoa kỳ cũng thế, điển hình theo bản tin của Tin Hiệp Tấn Xã ngày 10-06-2005 được loan đi như sau: "Linh Mục Thomas Doyle nói rằng vào năm 1985, không ai tin ông, khi ông cảnh giác hàng Giáo Phẩm Công Giáo là việc giải quyết các vụ án lạm dụng tình dục của các linh mục sẽ tốn hơn 1 tỷ Mỹ Kim. Ông nói một Tổng Giám Mục còn quả quyết trấn an ông rằng: 'Đừng lo làm chi vì chẳng có ai mà kiện tụng Giáo Hội Công Giáo chúng ta đâu!'" (Tiengnoigiaodan.net, ngày 11-6-05).

Và thực tế, chúng ta thấy mọi chuyện đã khai diễn đúng như những gì Lm. Doyle đã tiên đoán. Và cho tới hôm nay những cơn "hậu chấn" của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục năm 2002 vẫn còn tiếp diễn. Chúng ta nhìn vào những thực tế bi thương này không phải như những người giận dữ, hay những người lên án, hoặc những người chao đảo niềm tin, nhưng hơn thế, để nhìn ở đó những bài học cho chính mình, cho chính Giáo hội của mình. Một sợi tóc trên đầu rớt xuống còn do Thánh Ý của Chúa, huống hồ cả một cơn đại khủng hoảng ví như cơn đại sóng thần đã và đang gây ngập lụt nhiều giáo phận tại Hoa Kỳ, làm sao Thiên Chúa đứng ở ngoại cuộc? Chúng ta nhìn vào sự thật để tìm lấy cái cứu vãn chứ không phải cái án lệnh, với thái độ can đảm đứng trước thách thức, chứ không phải hèn nhát né tránh hoặc lẩn trốn. Chúa Giêsu đã chết cho chân lý, chả lẽ chúng ta lại sống vênh vang trước chân lý?

Linh mục Rohr diễn tả mặt trái của Giáo hội Công giáo ví như bóng tối. Ánh sáng càng tỏa chiếu mãnh liệt bao nhiêu, nó càng để lại bóng đen dầy đặc bấy nhiêu. Bóng mặt trời nằm bên phía tối của mặt trăng sẽ hoàn toàn tối đen. Một người thiện hảo tỏa chiếu ánh sáng trên cuộc sống những người chung quanh. Những vĩ nhân và những nhân vật có ảnh hưởng đều là những ánh sáng in hình trong lịch sử: Quý ngài đem lại nhiều điều tốt đẹp cho nhân loại, tuy nhiên các ngài cũng gây ra nhiều tai hại. Điều đó cũng áp dụng đúng cho các cơ cấu vĩ đại, chẳng hạn như Giáo hội Công giáo.

Khi đề cập về phía tối (shadow side) của một người hay một cơ cấu nào, Lm Rohr nói theo ngôn từ phân tâm học của tâm lý gia Carl Jung. Theo ông, mỗi người đều có một phía mình ý thức được, mình lưu tâm tới và có khi còn hãnh diện, bao gồm những thuộc tính ưu thế, những mặt tốt của nhân cách. Tuy nhiên, con người cũng có những khiá cạnh nhân cách mình không quan tâm, không ý thức tới. Đó là vùng tiềm ẩn người ta không nhìn thấy trong phía tối đen của vô thức. Thường người khác lưu tâm tới những nét tiêu cực này, nhưng chính cá nhân đương sự lại không đế ý đến. Thí dụ một người có thói quen ngồi bẻ các ngón tay, họ chẳng nhận ra việc làm đó đang gây khó chịu cho người khác. Hoặc một bà mẹ nổi nóng với con cái, và bà tin rằng la hét om sòm như thế sẽ làm con cái cư xử tốt hơn. Nhưng bà đâu có nhận ra việc nổi nóng đó đã khiến con cái ghét bà hơn.

Không ai hoàn toàn cả. Mỗi chúng ta đều có phía bóng đen của nhân cách và tỏa chiếu bóng đen vào thế giới chung quanh chúng ta. Cũng tương tự thế cho các nhóm, các cộng đoàn, các cơ cấu. Mỗi tổ chức đều có những đặc sủng, những ưu điểm được sánh như nguồn ánh sáng. Đó là lý do tại sao người ta tham gia vào các nhóm: người ta được thu hút vào ánh sáng đó và mong muốn hưởng nhờ những đặc ân của nhóm. Tuy nhiên chẳng nhóm nào là hoàn toàn cả. Chẳng sớm thì muộn, người ta sẽ nhận ra những khiếm khuyết của nhóm và đó là bóng đen của nhóm. Người ta trở thành chán nản, vỡ mộng, và có khi dời bỏ nhóm. Những chỉ trích về nhóm, về cộng đoàn hay về cơ cấu chính là chỉ trích về mặt tối, mặt trái vậy.

Cũng như phía tươi sáng của Công giáo đến từ nhiều nguồn khác nhau, thì mặt tối cũng phát xuất như thế. Trước tiên, mặt sáng của Công giáo đến từ Chúa Giêsu, từ mạc khải Ngài là ai, từ Tin Mừng Ngài rao giảng. Nguồn sáng cũng đến từ truyền thống Do Thái loan tin Ngài được sinh ra nhờ Thánh Thần, Đấng truyền năng lực cho Giáo hội tiên khởi. Nguồn sáng cũng đến từ những khôn ngoan của các vị lãnh đạo, đời sống đạo hạnh của các thánh nhân, tầm nhìn thâm sâu của các nhà thần học, và lòng trung thành của các tín hữu trong suốt 2000 năm qua. Cao điểm của mặt sáng Công giáo chính là cao điểm của một truyền thống lâu dài và cao cả.

Cũng tương tự thế, mặt tối của Công giáo đến từ nhiều nguồn. Nhiều người Công giáo đã giải thích sai, đã hiểu sai sứ điệp của Chúa Giêsu. Nhiều cá nhân và nhiều cơ chế đã góp phần bóng tối của mình vào mặt tối của tập thể Giáo hội. Giáo hội ngày nay không hoàn hảo chính vì đã phải thừa tự những bóng tối ấy.

Trong chương đầu của cuốn sách này, Lm Rohr đã trình bầy mặt sáng của Giáo hội và bây giờ, trong chương thứ hai này, tác giả sẽ trình bầy về mặt tối, mặt trái của Giáo hội.



CÔNG GIÁO PHI CÔNG GIÁO (Uncatholic Catholicism)

Bóng tối là điều người ta không để ý tới. Nói cách khác, đó là vô thức. Người Công giáo thường rất hãnh diện về truyền thống của mình, ý thức mình có hai mươi thế kỷ lịch sử và Giáo hội của mình là Giáo hội toàn cầu.

Tuy nhiên, có một điều kỳ lạ là niềm hãnh diện của nhiều người Công giáo ấy lại che đậy một sự dốt nát (cover-up for ignorance). Phần đông người Công giáo ngày nay biết rằng Giáo hội của mình có một truyền thống cao cả, nhưng thực sự họ chẳng hiểu biết truyền thống ấy là gì. Họ biết mình có một lịch sử, nhưng họ chẳng hiểu lịch sử ấy thế nào. Họ biết Giáo hội hiện diện khắp mọi xứ sở trên trái đất, nhưng họ nghĩ Giáo hội ở khắp nơi tương tự như giáo xứ của họ. Họ là những người Công giáo mang chiều kích xứ đạo (parochial Catholics), những người Công giáo rất phi công giáo.

Những người Công giáo phi công giáo này không bao giờ được trình bầy về truyền thống khôn ngoan cao cả của Công giáo. Hoặc vì việc giáo dục đạo giáo ngày nay quá ít ỏỉ, quá thô thiển, hoặc vì những yếu tố khác ngăn cản họ đi sâu vào những hiểu biết này. Nhiều yếu tố bên ngoài tác động hàng ngày vào cuộc sống khiến họ coi kho tàng khôn ngoan của Công giáo chỉ còn là những thông tin. Cuộc sống phức tạp hàng ngày dễ dàng đưa người ta nhìn vẻ đơn sơ của Tin Mừng như là ngây ngô. Vì lý do này hay lý do khác, Người Công giáo ngày nay không đi tìm kiếm lẽ khôn ngoan nơi Kinh Thánh, nơi các thánh nhân và các nhà tu đức, nơi các triết gia và thần học gia, đã đóng góp vào kho tàng minh triết vĩ đại của Công giáo. Thay vì trở nên những con người có tâm hồn rộng mở khai phóng, họ lại trở thành các cá nhân đầu óc hẹp hòi, thiển cận, như chúng ta thấy ngày nay.

Những người Công giáo phi công giáo thiếu hiểu biết về lịch sử của truyền thống Giáo hội. Họ ít có ý niệm về lịch sử, hoặc nếu có, cũng rất hạn chế. Họ tin rằng quá khứ cũng giống như hiện tại mà thôi, hoặc kiến thức của họ về quá khứ chỉ là những kiến thức thô thiển hoặc chọn lựa. Do đó tầm nhìn Công giáo của họ không thực sự mang tầm vóc thế giới, nhưng chỉ giới hạn tại địa phương. Họ nghĩ mình như một thành phần của truyền thống lịch sử, nhưng bóng tối của họ chính là họ suy nghĩ chẳng lịch sử tí nào về chuyện đó. Kỳ thực họ ý thức về những truyền thống mới đây, nhưng họ lẫn lộn coi đó là truyền thống cao cả của Giáo hội.

Những người Công giáo phi công giáo thiếu tinh thần cộng đoàn, tập thể. Giống như phần đông dân chúng ngày nay, người ta sống theo chủ nghĩa cá nhân. Họ nghĩ đến họ trước đã rồi mới nghĩ đến người khác. Họ nghĩ đến giáo xứ của họ, thành phố của họ, đất nước của họ trước khi nghĩ đến người khác. Họ không hành động trước tiên và ưu thế cho công ích. Khi họ lo cho tập thể, họ cũng tìm kiếm điều gì đó có lợi cho họ trong đó. Họ muốn các phúc lợi của tập thể nhưng lại không muốn làm phúc lợi cho tập thể. Tuy họ nói thứ ngôn ngữ cộng đồng như khi tán dương "gia đình giáo xứ," "Cộng đồng Giáo hội," "Dân Chúa," nhưng ngôn ngữ ấy còn tiềm ẩn sự kiện đen tối là phần đông người Công giáo đều có một ý thức cá nhân. Họ sống một cuộc sống biệt lập, chẳng quan tâm gì đến cảnh đơn độc của người khác.

Những yếu tố vừa rồi diễn tả mặt tối, mặt trái của Công giáo hiện nay phần nhiều phát sinh từ gia tài Tây phương. Văn hóa Tây phương thiên về thực tiễn hơn là thuần lý hoặc minh triết. Ý thức Tây phương ghi nhớ quá khứ tức thời để từ đó vận dụng cho tương lai sắp tới . Xã hội Tây phương từ thế kỷ thứ 16 mang chiều kích tư kỷ.

Chúng ta phạm phải sai lầm khi chúng ta vận dụng tôn giáo của mình một cách thực tiễn, tư kỷ, chính là chúng ta đánh mất truyền thống đặc hữu của mình. Chúng ta tự mệnh danh là Công giáo, nhưng chúng ta không thực sự là Công giáo, không thực sự đại đồng cả trong tâm hồn lẫn trí khôn. Đầu óc hẹp hòi hoặc thu vén cho mình đem lại cho Công giáo một cái tên phản nghĩa và lối sống địa phương tính của mình khiến Giáo hội Công giáo mang một danh nghĩa không xứng hợp với mình. Chúng ta không thực sự biểu lộ truyền thống đặc hữu của chúng ta và những người bên ngoài không thể nhận ra vẻ cao cả của Công giáo. Chúng ta không thực sự sống truyền thống riêng biệt của chúng ta và như vậy, ngay cả đến con cháu của chúng ta cũng không thể nhìn ra được. Truyền thống đang lâm nguy có thể biến mất.

Kỳ tới: Công giáo chủng tộc

Comments: Post a Comment

<< Trở về trang Mục Lục
C�m ơn qu� vị, xin mời v�o trang sau đ�y:
  • NGỌN NẾN NHỎ
  • This page is powered by Blogger. Isn't yours?